• Trang chủ
  • > Sách
  • > Ăn dặm
  • > Bé biếng ăn - vấn đề của mẹ chứ không phải của con
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Bé biếng ăn - vấn đề của mẹ chứ không phải của con

Bé biếng ăn - vấn đề của mẹ chứ không phải của con

  • Tác giả:
  • Thể loại: Ăn dặm
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 03/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Vấn đề dinh dưỡng của con trẻ luôn khiến các bậc cha mẹ quan tâm, bởi đó là một trong những yếu tố quan trọng nhất tác động đến sự phát triển của bé. Một số mẹ thở phào nhẹ nhõm vì con mình ăn ngoan, nhưng có một con số lớn hơn lại không ngớt than thở, “Sao con em biếng ăn thế, toàn phải ép mới chịu ăn chứ chẳng đòi gì bao giờ?”

Thực tế là:

Trong năm đầu đời, bé tăng cân nhanh và nhiều, trung bình đến khoảng 6kg/năm nhưng trong 5 năm tiếp theo, mỗi năm bé chỉ tăng thêm khoảng 1-2kg. Tốc độ tăng chậm này cộng với việc trẻ nhỏ ngày càng hiếu động, nghịch ngợm suốt ngày khiến bố mẹ càng thêm thắc mắc không biết nguồn năng lượng của con là từ đâu ra, và từ thắc mắc ấy kéo theo lo lắng rằng con không tiếp nhận đủ năng lượng để bù đắp cho những hoạt động của mình.

Đã vậy, dường như trong khoảng 1-5 tuổi, rất nhiều đứa trẻ hầu như chẳng biết đói bụng và chủ động ăn trừ khi được đút. Và thế là, mẹ cứ cố gắng đút và đút, vô tình tạo nên cho con những thói quen xấu liên quan đến chuyện ăn uống chẳng hạn như:

Bé không còn thấy ăn uống là niềm vui mà là một nghĩa vụ cực nhọc;
Bé không tự kiểm soát được cảm giác no/ đói của mình, dẫn đến nguy cơ rối loạn ăn uống;
Bé bị phụ thuộc vào bố mẹ trong việc ăn uống, khi ăn là cứ phải đút hoặc xem TV hoặc có người làm trò;
Bé không có cơ hội có cảm giác đói để não có thể phát tín hiệu thèm ăn, muốn ăn… 

Do cả năm bé chỉ tăng 1-2kg nên chuyện bé đứng cân 3-4 tháng cũng là bình thường, bạn đừng quá sốt ruột đem cân con mỗi tháng để rồi lo lắng khổ sở không cần thiết. Việc ép con ăn theo nhu cầu của bố mẹ (muốn con ăn nhiều, tăng cân) sẽ càng khiến bé trở nên kém ăn hơn mà thôi.

Vậy làm sao để con ăn được và thích ăn?

Bạn hãy xác định trước là điều này nói dễ hơn làm, nhưng không phải là không làm được, miễn là có sự đồng lòng của gia đình:

Hãy để con quyết định mình muốn ăn món gì. Nhiệm vụ của người lớn chỉ là bày ra cho con những món ngon lành, đủ dưỡng chất, còn chuyện bé thích ăn món này hay không chịu đụng đến món kia thì cũng bình thường thôi. Để trẻ nhỏ thích được một món nào đó, bạn cần giới thiệu cho con nhiều lần để bé quen dần, còn nếu bạn ép con phải ăn ư, bé sẽ ghét cay đắng món đó luôn cho mà xem;

Không cho con ăn vặt nhiều, đặc biệt là trước bữa ăn vì làm như thế sẽ khiến bé không có cảm giác đói. Hãy chỉ cho con ăn vặt nhiều nhất 1-2 lần/ngày, và chỉ sau khi bé đã ăn bữa chính;

Không xúc cho con khi bé đã tự xúc được. Khi con bạn được khoảng 7-9 tháng tuổi, bạn có thể tập cho bé bốc ăn; đến khi con được khoảng 1 tuổi, bạn bắt đầu tập cho bé cầm thìa. Tuy rằng trong thời gian đầu bạn sẽ cần phải dọn dẹp nhiều do bé trây trét thức ăn ra nhưng nhờ được chủ động, bé sẽ thích thú khám phá bữa ăn hơn, và dần dần bé sẽ khéo léo hơn;

Không kéo dài bữa ăn quá 20 phút;

Không cho bé uống quá nhiều sữa mỗi ngày. Tuy sữa cung cấp nhiều dưỡng chất nhưng không đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của bé, đã vậy uống nhiều sữa sẽ có thể khiến bé biếng ăn những loại thực phẩm bổ dưỡng khác. Mỗi ngày, bé chỉ cần uống 1-2 ly sữa là đủ;

Cho con ăn ít hơn lượng mà bạn nghĩ bé ăn được một chút để bé có cảm giác hài lòng khi hoàn tất bữa ăn.

Những đứa trẻ (và cả người lớn cũng vậy) khi cần được nạp năng lượng thì bộ não sẽ phát tín hiệu báo thèm ăn. Cũng giống như việc chúng ta đổ xăng xe - ta đổ khi xe gần hết xăng, nhưng mỗi xe lại có một mức độ tiêu thụ xăng khác nhau và lượng xăng cần đổ mỗi lần khác nhau, vậy nên hãy đừng nhìn quanh quất so sánh làm chi để bị áp lực, khổ cả mẹ cả con, mẹ nhé!

 

Bạn nên đọc
Quảng cáo