• Trang chủ
  • > Sách
  • > An toàn
  • > Cha mẹ dạy mãi mà con vẫn ăn những thức ăn "độc hại", tất cả chỉ vì những lý do này
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Cha mẹ dạy mãi mà con vẫn ăn những thức ăn

Cha mẹ dạy mãi mà con vẫn ăn những thức ăn "độc hại", tất cả chỉ vì những lý do này

  • Tác giả:
  • Thể loại: An toàn
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 10/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Cha mẹ nào cũng mong muốn mang đến điều tốt nhất cho con mình, một trong những việc ấy là dạy con những thói quen ăn uống lành mạnh, cân bằng. Thế nhưng một phần lớn các trường hợp, các cha mẹ đều không thành công dù có hướng dẫn con nhẹ nhàng hay nghiêm khắc. Và rồi cha mẹ cứ than thở là bé “cứng đầu lắm, không chịu nghe" hoặc là “tụi nhỏ bây giờ nó vậy, không chịu ăn uống cho tử tế".

1. Càng cấm lại càng đòi

Bản chất của con người là càng bị cấm đoán thì lại càng tò mò và càng muốn làm cho bằng được. Trẻ em thì lại càng như vậy. Khi cha mẹ hạn chế, không cho con ăn những đồ ăn không lành mạnh một cách quá nghiêm khắc, đồng thời không có sự giải thích thỏa đáng cho con, thì chắc chắn con lại càng muốn ăn, càng thèm ăn.

Giải pháp ở đây là: hãy để cho con có một khoảng nhất định được phép ăn một số món "không lành mạnh một chút xíu". Bởi nếu cha mẹ cấm một cách tuyệt đối, không bao giờ cho bé ăn những món nào đó, thì bé sẽ thấy thèm ăn, bức xúc và phải tuân theo một cách ấm ức. Hãy để bé có một vài dịp ăn những món ăn "không lành mạnh" mà chúng ta cho là có thể chấp nhận được, nhưng cho bé hiểu là không nên ăn nhiều. Cùng với thời gian, bé lớn lên sẽ càng nhận thức được vì sao cha mẹ "cấm đoán" mình và sẽ tuân thủ một cách tự giác.
        
Chẳng hạn, thường ngày thì cha mẹ sẽ chỉ cho bé ăn những món ăn lành mạnh, ăn trái cây tươi, đồ ăn tự nấu tại nhà, nhưng những khi đi picnic, đi về quê hoặc những khi gia đình không có thời gian, mẹ vẫn có thể cho bé ăn bánh (chọn những loại ít ngọt, ít chất bảo quản, tạo màu…) và uống nước đóng chai (nhưng vẫn không thể cho uống các loại nước ngọt có gas mà chỉ nên uống nước đóng chai, nước khoáng), ăn trái cây sấy thay cho trái cây tươi,... Hãy để bé hiểu rằng những thực phẩm kém lành mạnh ấy chỉ nên là sự lựa chọn cuối cùng khi bận rộn, không có điều kiện chế biến. 

2. Vô tình khiến trẻ càng thích những đồ ăn không lành mạnh

Đây là lỗi của cha mẹ khi vô tình khiến trẻ hiểu sai về những đồ ăn không lành mạnh, chẳng hạn khi cha mẹ nói: "ngày mai sinh nhật mẹ nên cả nhà mình đi ăn kem nhé", hay là "con ngoan thì cuối tuần ba mẹ cho đi ăn pizza", hay là “ăn hết cơm rồi mới được ăn kẹo". Vậy là không những bé không hiểu rằng không nên ăn nhiều những món đó, mà ngược lại, bé lại hiểu là những món này rất đặc biệt, có lẽ là rất ngon nên chỉ được ăn trong những dịp quan trọng hoặc là phải ngoan mới được “thưởng". 

Giải pháp ở đây là gì? Hãy đừng nhắc đến tên những loại đồ ăn kém lành mạnh ấy. Và hãy hạn chế như cách đã nêu ở phần trên.

3. Quảng cáo

Không có gì kích thích sự thèm ăn hơn là khi nhìn thấy người khác ăn món đó một cách ngon lành. Bởi vậy, trên TV ngập tràn những quảng cáo mà trong đó các bạn nhỏ uống những ly sữa béo ngậy, ăn những chiếc bánh ngọt lịm, ngậm những viên kẹo ngon lành,.. Những quảng cáo ấy đã khắc sâu vào tâm trí bé rằng những món đồ ăn thức uống đó thật tuyệt vời.

Một "thủ phạm" đi cùng với những quảng cáo đó chính là... cha mẹ, bởi chính thói quen thường cho bé xem quảng cáo trong bữa ăn. Làm sao cha mẹ có thể thuyết phục bé rằng không nên ăn kẹo bánh, trong khi trên TV thì làm điều ngược lại, "dụ dỗ" bé một cách vô cùng điệu nghệ. Ở lứa tuổi của bé, bắt bé phải hiểu rằng "quảng cáo chỉ là quảng cáo", rằng toàn là sự phóng đại, nói sai sự thật,.. thì thật quá sức của bé. Cách duy nhất là cha mẹ phải hạn chế sự tiếp xúc của bé với những chương trình quảng cáo này.

Hơn nữa, cho bé xem TV là không tốt, nên hạn chế. Khi bé trên 2 tuổi, có thể cho bé xem những chương trình giải trí vui nhộn trên TV nhưng không quá 30 phút cho tới 1 tiếng mỗi ngày.

4. Không giải thích cho trẻ

Nếu cha mẹ cấm bé không được uống nước ngọt có gas nhưng lại không giải thích vì sao, mà chỉ nói "không là không" thì sẽ gây cho bé sự ức chế rất lớn, bởi bé cảm thấy mình bị cha mẹ "đàn áp". Điều này sẽ khiến bé vâng lời cha mẹ một cách hậm hực và chỉ đợi có dịp là lén uống loại nước ấy.

Vậy, khi không cho bé ăn uống món gì, hãy giải thích cho bé lý do vì sao, dù chỉ là giải thích một cách đơn giản, chưa đầy đủ. Dù các bé chưa hiểu hết những lý do mà cha mẹ đưa ra, nhưng bé cảm thấy mình được cha mẹ đối xử tôn trọng, có giải thích rõ ràng.

5. Cha mẹ không làm gương

Ăn uống lành mạnh cần bắt đầu từ cha mẹ. Nếu cha mẹ không làm gương thì không thể dạy bé thành công. Trong rất nhiều việc khác cũng vậy.

Nếu cha mẹ ép con uống nước còn bản thân cha mẹ thì uống bia và nước ngọt thì bé có chịu không? Bé nhỏ thì sẽ khóc đòi, ăn vạ, bé lớn thì sẽ tranh luận, cãi lại cha mẹ.

Nếu cha mẹ không cho bé ăn quà vặt, phải ăn cơm nhưng chính cha mẹ thì lại thích ăn bánh mỳ, ăn mỳ gói, ăn xúc xích,... thì bé có chịu không? Bé nhỏ thì sẽ khóc đòi, ăn vạ,bé lớn thì sẽ hậm hực, phản đối bằng cách bỏ ăn cơm.

Cho nên, khi bé đến tuổi ăn dặm, chính cha mẹ cũng cần bắt đầu "quá trình ăn dặm của mình", nghĩa là cha mẹ cũng cần tránh xa những thực phẩm không lành mạnh, chỉ ăn những thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Bé sẽ nhìn và học theo.

Đối với các bé, ăn không chỉ là ăn, mà ăn là cả một quá trình khám phá, phát triển nhận thức. Các bậc cha mẹ hãy dành đủ thời gian và công sức cũng như sự quan tâm với bữa ăn của bé. Hãy dạy bé ăn uống lành mạnh, cân bằng, bắt đầu từ chính cha và mẹ. 

Bạn nên đọc
Quảng cáo