• Trang chủ
  • > Sách
  • > Nuôi con bằng sữa mẹ
  • > Cho con bú sau sinh mổ hiệu quả
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Cho con bú sau sinh mổ hiệu quả

Cho con bú sau sinh mổ hiệu quả

  • Tác giả:
  • Thể loại: Nuôi con bằng sữa mẹ
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 31/07/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Nhiều mẹ có băn khoăn “sau khi sinh mổ thì có cho con bú được không?” câu trả lời là Có. Không có gì cản trở được việc nuôi con bằng sữa mẹ, dù là mẹ mới trải qua lần sinh mổ.

Có nhiều phương pháp sinh mổ, chẳng hạn sinh mổ chủ động (mẹ đã được chuẩn bị về tinh thần) và sinh mổ thụ động (mổ cấp cứu – khá là stress với cả mẹ và bé). Cũng có nhiều phương pháp gây mê khác nhau được dùng, tùy theo hoàn cảnh cụ thể. Hầu hết các mẹ lựa chọn gây mê màng cứng để có thể tỉnh táo khi đón bé ra. Cũng có những trường hợp cần gây mê toàn thân nhưng nói chung thì các mẹ thường tỉnh lại rất nhanh.

1. Chồng

Rất may mắn là từ vài năm trước, các ông chồng được cho phép và khuyến khích có mặt trong viện hoặc trong phòng sinh để chia sẻ giây phút con chào đời. Người chồng có thể là một nguồn động viên, hỗ trợ về cả tinh thần và thể chất để giúp mẹ được gần gũi bé ngay từ những phút đầu tiên.

2. Sau khi sinh

Hãy bày tỏ quan điểm với bác sĩ, y tá hoặc bà đỡ rằng mẹ muốn được cho con bú ngay lập tức sau sinh. Hãy yêu cầu được gần bé thật sớm, hạn chế để bé với những người khác. Nhiều bệnh viện cho phép bé được da tiếp da với mẹ ngay khi mẹ vẫn còn trên bàn mổ. Nếu sức khỏe bé cho phép, bác sĩ sẽ cho bé nằm trên ngực mẹ ngay khi mẹ vẫn đang được bác sĩ khâu. Nếu sức khỏe của bé chưa cho phép, có thể mẹ sẽ được da tiếp da với bé tại phòng hồi sức.

Mẹ có thể cho bé bú trong quãng thời gian da tiếp da này, dù mẹ đã được gây mê theo phương pháp nào thì cũng không hề gây cản trở tới việc cho con bú.

Hãy chú ý rằng: ở nhiều bệnh viện tại Việt Nam, ngay khi bé chào đời, y tá sẽ “nhanh nhảu” pha bình sữa nhỏ cho bé trong khi cha mẹ còn loay hoay chưa biết nên làm gì. Nếu đây là lần đầu tiên mẹ sinh bé, hãy tìm hiểu kỹ về việc nuôi con sữa mẹ, thực tập vài tư thế cho bú, và khi đến bệnh viện sinh, hãy yêu cầu bằng lời nói hoặc bằng văn bản về việc được da tiếp da và cho con bú mẹ ngay sau sinh, tuyệt đối không được cho bé bú sữa công thức.       

3. Cho con bú sớm

Mặc dù việc mẹ sinh mổ có thể khiến “sữa về” chậm hơn so với những mẹ sinh thường nhưng sẽ không ảnh hưởng gì đến cả quá trình nuôi con sữa mẹ cả.

Khớp ngậm đúng là điều kiện quan trọng để khởi đầu việc nuôi con bằng sữa mẹ và cũng để tránh tình trạng bị đau núm vú. Dù ôm con theo tư thế nào thì mẹ cũng cần chú ý: để cơ thể bé sát với mẹ, ngực bé cần áp vào ngực mẹ, cằm chạm vào bầu vú và mũi bé cần phải cách khỏi vú mẹ. Với những mẹ sinh mổ, tư thế ngồi và đặt bé lên chiếc gối đỡ trên đùi mẹ là thích hợp nhất và cũng không bị đau vết mổ.

Dù bé có ra đời bằng phương pháp nào thì cũng cần cho bé bú mẹ cả vào buổi đêm để bé có thể nhận được nhiều sữa non của mẹ cũng như tạo điều kiện để bé “thực hành” bú mẹ. Cữ bú đêm còn giúp giảm tình trạng căng sữa và giúp ổn định lượng sữa.

4. Trường hợp không thể cho bú sớm

Tất nhiên việc da tiếp da và cho bé bú ngay sau khi chào đời là lý tưởng nhất nhưng không phải mẹ nào sau khi sinh mổ cũng có thể làm như vậy. Có những trường hợp mẹ được gây mê toàn phần và chưa đủ khả năng cho bé bú, hoặc cũng có thể do bé cần được nằm trong lồng kính trong vài ngày đầu. Để không bỏ lỡ lợi ích của việc cho con bú từ sớm, mẹ hãy vắt sữa non trong những khi chưa được gặp bé. Sữa non có thể coi là một loại “siêu sữa” và chứa lượng đạm và kháng thể đậm đặc hơn nhiều so với sữa già. Sữa non cũng giúp bé thải phân su dễ dàng hơn.

5. Khi về nhà

Sau khi được xuất viện, lượng sữa mẹ sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của bé. Nghỉ ngơi là hết sức quan trọng đối với mẹ sau sinh, lại càng quan trọng với những mẹ sau sinh mổ. Hãy “viện cớ” cho con bú mà nằm nghỉ ngơi thật nhiều.

Nhiều mẹ sinh mổ cho biết rằng thường hồi phục lâu hơn so với những mẹ sinh thường. Hãy dành khoảng 6 tuần để cơ thể hồi phục hoàn toàn, không nên cầm, nhấc những vật nặng hơn khối lượng em bé.

6. Kết luận

Đừng để ai “hù dọa” rằng sau khi sinh mổ không thể cho con bú sữa mẹ được. Nếu cần thêm sự hỗ trợ, khuyến khích, hãy tìm đến những Hội sữa mẹ, Hội nuôi con bằng sữa mẹ,… để tìm kiếm thông tin và sự chia sẻ. 

Bạn nên đọc
Quảng cáo