- Trang chủ
- > Sách
- > Dành cho bố
- > Chồng có thể giúp gì cho vợ khi mới sinh?
- Cỡ chử:
- - Nhỏ
- + Lớn

Chồng có thể giúp gì cho vợ khi mới sinh?
- Tác giả:
- Thể loại: Dành cho bố
- Nguồn:
- Ngày cập nhật: 11/08/2017
- Lưu vào tủ sách của tôi
- Chia sẽ:
Chúng tôi đã phỏng vấn rất nhiều bà mẹ xem điều gì giúp họ được nhiều nhất sau khi sinh con.
Các bố có thể giúp vợ mình sau khi sinh như thế nào?
Sau khi trải qua một cuộc vượt can, phụ nữ cần sự giúp đỡ cả về thể chất lẫn tinh thần.
Khía cạnh tinh thần là để giúp cô ấy có được khoảng lặng ngoài những lúc phải tập trung chăm sóc em bé xinh xắn và bé bỏng của bạn.
Khía cạnh thể chất là để cô ấy có thời gian dành cho bản thân mình. Khi các nhu cầu cơ bản của con người được đáp ứng, cô ấy mới có thể nạp lại đủ năng lượng để quan tâm đến mọi thứ xung quanh (bao gồm cả bạn!)
Chăm sóc một cá thể suốt 24 tiếng mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần là một công việc đòi hỏi khắt khe. Đó cũng là một công việc cô đơn vì suốt cả ngày chẳng ai nói chuyện với bạn.
Vì thế khi bạn đi làm về, cô ấy cần sự giúp đỡ của bạn. Hãy nhớ rằng khi bạn ra ngoài đi làm, đó là công việc ban ngày của bạn. Khi cô ấy ở nhà chăm sóc bé, đó cũng là công việc ban ngày của cô ấy. Nhưng khi cả bạn và cô ấy cùng ở nhà, chăm sóc bé là việc cả hai cần chia sẻ với nhau.
Hãy giúp cô ấy rót đầy “tài khoản ngân hàng” tình yêu của cô ấy
Sau cả ngày cho đi sự chăm sóc (thường là ngủ rất ít), việc nhận lại được một ít sự chăm sóc là rất quan trọng. Nếu bạn giúp cô ấy rót đầy “tài khoản tình yêu”, cô ấy sẽ không cảm thấy bị phá sản.
Cũng giống như một tài khoản ngân hàng, nếu bạn cứ rút tiền ra mà không nạp vào thì cuối cùng sẽ chẳng còn đồng nào. Bạn cảm thấy như thế nào khi kiểm tra số dư tài khoản và thấy không còn một xu? Có thể bạn sẽ cảm thấy lo lắng, suy sụp, cáu gắt, giận dữ, cảm thấy mất kiểm soát cuộc sống của mình và không thể mua được các nhu yếu phẩm cần thiết.
Ngược lại, khi bạn kiểm tra số dư và thấy tiền nhiều hơn mong đợi, tự nhiên bạn cảm thấy toàn bộ gánh nặng tan biến đi.
Việc chăm sóc bản thân và chăm sóc người khác cũng giống vậy – và cô ấy sẽ cảm thấy chính xác giống như trên nếu cô ấy không nhận được sự quan tâm chăm sóc kịp thời. Đặc biệt là trong thời gian đầu sau sinh, khi cô ấy bị thiếu ngủ và phải dành trọn thời gian chăm sóc bé, cô ấy rất cần sự hỗ trợ của bạn để có thể nghỉ ngơi và giữ sức khỏe, để có thể chăm sóc con bạn tốt hơn. Như vậy là cả hai bên cùng có lợi.
Ở một số nền văn hóa, phụ nữ sau sinh được nằm nghỉ ngơi 40 ngày, có người nấu ăn và chăm sóc, để có thể phục hồi sức khỏe. Mang thai, sinh con và cho con bú quả là một công việc to lớn của con người.
Những việc bố có thể làm cho mẹ
Đây không phải là danh sách những việc cần phải làm mà chỉ là một số ý tưởng để bạn có thể chọn ra nếu việc giúp cô ấy là quan trọng đối với bạn (hy vọng là như thế!).
Nấu cho cô ấy bất cứ bữa ăn nào, ví dụ nấu bữa ăn sáng trước khi bạn đi làm hoặc đảm nhiệm việc chuẩn bị bữa tối bất cứ lúc nào có thể. Hãy nhớ cô ấy cần ăn đủ ba bữa đầy đủ dinh dưỡng mỗi ngày (chất đạm giúp cô ấy no và đường huyết ổn định hơn. Ngoài ra bữa ăn cũng cần có đủ chất béo tốt, rau củ, rau lá xanh, các loại đậu, hạt…), cũng như cần uống nhiều nước. Khi chăm con nhỏ, người ta thường hay bỏ qua các bữa ăn dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Ăn quá nhiều thức ăn chế biến sẵn làm cho chúng ta ngán và cơ thể mệt mỏi.
Tạo điều kiện cho cô ấy đi massage thường xuyên nếu có thể. Ẵm bé trên tay suốt cả ngày, đặc biệt là sau khi sinh, sẽ làm lưng cô ấy không dễ chịu chút nào. Nếu không đủ điều kiện tài chính, hãy tự nguyện massage cho cô ấy mà không đòi hỏi cô ấy đáp lại điều gì.
Khuyến khích cô ấy giao lưu và tìm sự hỗ trợ từ cộng đồng các bà mẹ khác, và thường xuyên cùng cô ấy kiểm tra lại xem cô ấy có cảm thấy mình đảm đương nổi vai trò mới không.
Chỉ ra cho cô ấy thấy những việc mà cô ấy làm rất tốt.
Hãy nói với cô ấy rằng bạn tự hào về cô ấy / bạn yêu cô ấy nhiều như thế nào.
Không gây áp lực về việc quan hệ tình dục với cô ấy – việc gần gũi sẽ sớm quay trở lại, tuy nhiên thúc ép sẽ dẫn đến mâu thuẫn và sự oán giận trong mối quan hệ giữa hai bạn.
Mang cho cô ấy một ly nước khi cô ấy đang cho con bú. Uống không đủ nước sẽ khiến cô ấy mệt mỏi, nhìn kém, mất nước, và táo bón.
Hãy để cô ấy trao đổi về cuộc chuyển dạ và sinh con của mình, đặc biệt nếu cô ấy đã trải qua một ca sinh khó hoặc không như ý. Nếu cô ấy có vẻ gặp khó khăn với những trải nghiệm sinh nở (mà điều này ngày càng phổ biến), hoặc nếu bạn nghi ngờ cô ấy bị chấn động cảm xúc từ việc sinh nở, hoặc chỉ là bạn không thể cùng cô ấy trò chuyện về đề tài này, bạn có thể nhẹ nhàng gợi ý cô ấy nên nói chuyện với một chuyên gia tư vấn.
Nói cho cô ấy biết nhà cửa có bừa bộn hơn bình thường cũng không vấn đề gì và giúp một vài công việc lau chùi dọn dẹp.
Hãy để cô ấy được khóc và tự do thể hiện cảm xúc chứ đừng cố gắng “chỉnh” cô ấy – chỉ an ủi cô ấy mà thôi.
Nói với cô ấy bạn cảm kích cô ấy về điều gì.
Để cô ấy ra ngoài đi cắt tóc, làm móng tay móng chân, v.v…
Để cô ấy đi mua sắm một vài bộ áo quần mới - sau khi sinh, có thể cô ấy không mặc vừa đồ bầu lẫn đồ trước đó nữa và việc này khiến cô ấy rất khổ sở.
Chuẩn bị bồn tắm cho cô ấy
Thuyết phục cô ấy cứ tranh thủ lúc bé ngủ để đi tắm và bạn sẽ lo cho bé nếu bé có thức giấc. Bạn cũng có thể đề nghị mình sẽ ẵm bé đi ra ngoài chơi để cô ấy có thời gian thư giãn trong lúc tắm. Những người mới làm mẹ luôn ở trong trạng thái báo động và nếu nghe tiếng bé khóc thì họ sẽ lập tức tắm vội vàng để lao ra với bé!
Hãy hiểu rằng phụ nữ ở nhà chăm con có thể cảm thấy bị cô lập
Khi bé khóc cả ngày và dỗ hoài không nín, mẹ cũng muốn khóc theo.
Hãy nhớ rằng phụ nữ vốn dĩ nuôi con giữa một cộng đồng, nhận được nhiều sự giúp đỡ, hướng dẫn và quan tâm. Ngày nay nhiều phụ nữ phải tự chăm sóc con một mình và bận rộn đến nỗi không ăn được một bữa ăn tử tế, không có thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân. Bằng cách quan tâm, hỗ trợ vợ mình sau khi sinh, bạn sẽ giúp cô ấy có thêm nhiều năng lượng để chăm sóc người khác.
Những việc bố có thể làm cho em bé
Không có người phụ nữ nào giống người phụ nữ nào, vì vậy bạn nên hỏi cô ấy việc gì có ích nhất cho cô ấy vào lúc này.
Nếu bạn dùng hết toàn bộ năng lượng của mình để nấu ăn và lau chùi, nhưng tất cả những gì cô ấy cần là có bạn ở bên và trò chuyện thì mối quan hệ giữa hai bạn sẽ trở nên căng thẳng. Trao đổi là chìa khóa của mọi vấn đề. Những việc mà bạn không đủ thời gian để làm thì nên thuê người giúp việc, ví dụ làm vườn, lau nhà, ủi áo quần.
Dưới đây là những việc phổ biến nhất mà bạn có thể tham khảo để làm cho em bé của bạn:
Ẵm bé ra ngoài đi dạo để vợ bạn có một chút thời gian yên tĩnh.
Nửa đêm bé đòi bú, bạn hãy cho bé bú (nếu bé bú bình) hoặc ẵm bé đến cho mẹ (nếu bú mẹ)
Cho bé bú vào cữ sáng sớm (bằng sữa mẹ hút ra hoặc sữa công thức nếu bé được nuôi bằng sữa công thức) để mẹ bé có thể ngủ thêm chút nữa.
Dỗ bé khi bé khóc và vợ bạn cảm thấy bối rối hoặc khó chịu.
Giúp trông coi những đứa con lớn để vợ bạn có thể làm quen lại với cuộc sống có sự hiện diện của một em bé sơ sinh.
Học cách tắm và thay tã cho bé.
Các bà mẹ đều thấy việc phân công hẳn cho bố một nhiệm vụ xác định nào đó rất có ích. Ví dụ, nhiệm vụ của bố là tắm cho bé buổi tối hoặc ẵm bé đi dạo. Vì các bà mẹ biết rằng đó là những nhiệm vụ cố định hàng ngày của bố và họ được rảnh vào những lúc ấy nên không cần phải căng thẳng khi nghe tiếng bé khóc nữa.
Những việc nhà bố có thể làm
Dưới đây là những thứ bố có thể làm để không gian sống được thoải mái và dễ chịu hơn
Thuê một người giúp lau chùi dọn dẹp nếu điều kiện cho phép.
Nếu bạn nhìn thấy có nhiều áo quần cần phải giặt thì hãy bỏ vào máy giặt và treo lên phơi.
Tập trung lau dọn khu vực chính của căn nhà khi mẹ đang ẵm bé đi dạo. Cứ tưởng tượng như đó là không gian làm việc. Trong lúc đang chăm con mà nhìn thấy những đống lộn xộn xung quanh mình thì quả là căng thẳng.
Phụ trách nhiệm vụ làm sao để khách đến thăm không ở lại quá lâu hoặc đến thăm vào những thời điểm không phù hợp.
Thuê một nữ hộ sinh để chăm sóc bé và làm bớt các việc nhà hoặc để vợ bạn sai nhờ các việc vặt.
Trên đường đi làm về nên tranh thủ mua các món ăn nấu sẵn hoặc tự tay chuẩn bị bữa tối (sau khi nấu bữa tối thì dọn rửa).
‘Có mỗi việc chăm con cũng không xong!'
Hiểu rõ những biến đổi tâm lý khi mang thai: Chồng sẽ phải cảm thông và yêu chiều vợ hơn.
Các bố hãy nhìn lại xem, mình đã "vô tâm" thế nào với tuổi thơ của con?
Gần gũi với cha khiến trẻ hạnh phúc và thành công
Những điều bố cần chia sẻ với mẹ bầu