• Trang chủ
  • > Sách
  • > Nuôi con bằng sữa mẹ
  • > Dinh dưỡng tối ưu cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Dinh dưỡng tối ưu cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Dinh dưỡng tối ưu cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

  • Tác giả:
  • Thể loại: Nuôi con bằng sữa mẹ
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 02/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:

NHỮNG CON SỐ NỔI BẬT

• Mỗi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có quyền được nuôi dưỡng tốt theo Công ước về Quyền của trẻ em.

• Suy dinh dưỡng có liên quan đến 45% trẻ em tử vong.

• Năm 2013, trên toàn cầu có 161 triệu rưỡi trẻ em dưới 5 tuổi bị đánh giá còi cọc, 50.8 triệu trẻ em bị đánh giá là cân nặng thấp hơn so với chiều cao và 41.7 triệu trẻ em bị thừa cân và béo phì.

• Khoảng 36% trẻ sơ sinh từ 0 đến 6 tháng được bú mẹ hoàn toàn

• Rất ít trẻ em được ăn thực phẩm bổ sung an toàn vệ sinh và đầy đủ dinh dưỡng; ở một số quốc gia, có ít hơn ¼ trẻ em 6-23 tháng đáp ứng các tiêu chí về đa dạng thực phẩm và số lượng bữa ăn phù hợp với lứa tuổi.

• Ước đoán có khoảng 800.000 trẻ em dưới 5 tuổi có thể được cứu sống mỗi năm, nếu tất cả trẻ em 0-23 tháng được tối ưu việc bú sữa mẹ (ND – bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời và sau đó ăn dặm song song với bú mẹ đến 2 tuổi và lâu hơn nữa).

KHÁI QUÁT

Theo ước tính, suy dinh dưỡng gây ra 3.1 triệu ca trẻ em tử vong hàng năm, chiếm 45% nguyên nhân gây ra tử vong ở trẻ em. Dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là phần then chốt để cải thiện sự sống còn và thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh của trẻ. Hai năm đầu đời của trẻ cực kì quan trọng, vì dinh dưỡng tối ưu trong thời gian này làm giảm tỉ lệ mắc bệnh và tử vong, giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính và thúc đẩy sự phát triển tốt hơn về toàn diện.

Bú mẹ tối ưu có tính quyết định trong việc cứu sống khoảng 800 000 sinh mạng trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) khuyến cáo:

• Cho con bú sớm ngay trong vòng 1 giờ sau khi sinh

• Cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời

• Sau 6 tháng, cho trẻ ăn dặm các thực phẩm dinh dưỡng và an toàn (dạng rắn) song song với việc duy trì bú sữa mẹ đến 2 tuổi và lâu hơn.

Tuy nhiên, nhiều trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không được đáp ứng dinh dưỡng tối ưu. Ví dụ như chỉ có khoảng 36% trẻ sơ sinh 0-6 tháng trên toàn cầu được bú sữa mẹ hoàn toàn trong khoảng thời gian 2007-2014.

Các khuyến nghị đã được cải tiến để chú ý đến nhu cầu của trẻ sơ sinh được sinh ra từ người mẹ bị nhiễm HIV. Thuốc kháng vi-rút hiện nay cho phép những trẻ này có thể bú mẹ hoàn toàn tới 6 tháng tuổi và việc tiếp tục bú mẹ đến ít nhất 12 tháng tuổi giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV rõ rệt.

BÚ MẸ

Việc bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đem lại nhiều lợi ích cho trẻ sơ sinh và các bà mẹ. Đứng đầu trong số này là bảo vệ trẻ khỏi các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa, là bệnh không chỉ xảy ra ở các nước đang phát triển mà còn cả ở các nước công nghiệp. Cho bú sớm trong vòng 1 giờ sau sinh giúp bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi các chứng nhiễm trùng mắc phải và giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh. Nguy cơ tử vong do tiêu chảy và các bệnh nhiễm trùng khác có thể tăng lên ở những trẻ sơ sinh không được bú mẹ hoàn toàn hoặc không hề được bú mẹ.

Sữa mẹ còn là nguồn dinh dưỡng giàu năng lượng đối với trẻ 6-23 tháng tuổi. Sữa mẹ cung cấp ½ và hơn ½ nhu cầu của trẻ trong độ tuổi 6-12 tháng, và 1/3 nhu cầu năng lượng của trẻ 12-24 tháng tuổi.Sữa mẹ còn là nguồn dinh dưỡng giàu năng lượng khi trẻ bị bệnh và làm giảm tử vong ở trẻ bị suy dinh dưỡng.

Người lớn mà được bú sữa mẹ khi còn nhỏ thì ít có khả năng bị thừa cân/béo phì. Trẻ em và thanh thiếu niên đã được nuôi bằng sữa mẹ thì thực hiện các bài kiểm tra về trí thông minh tốt hơn. Cho con bú cũng góp phần giúp mẹ sữa khỏe mạnh và hạnh phúc; nó làm giảm nguy cơ gây ung thư vú và ung thư buồng trứng và giúp tránh thai tự nhiên – việc cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu ức chế kích thích tố, làm mất kinh nguyệt. Đây là phương pháp tránh thai tự nhiên (mặc dù không phải là an toàn 100%), có tên là Lactation Amenorrhoea Method – Phương pháp vô kinh do cho con bú.

Người mẹ và các thành viên trong gia đình cần ủng hộ em bé được bú mẹ tối ưu. Các hành động giúp bảo vệ, xúc tiến và ủng hộ việc cho con bú bao gồm:

• Áp dụng các chính sách như Công ước Bảo vệ Sản phụ 183 và Khuyến nghị Số 191 của Tổ chức Lao động Thế giới, trong đó Khuyến nghị này bổ sung cho Công ước 183 bằng cách gợi ý một thời gian nghỉ thai sản dài hơn với nhiều phúc lợi hơn;

• Bộ Quy tắc Quốc tế về Tiếp thị các Sản phẩm thay thế Sữa mẹ và các Nghị quyết của Hội đồng Y tế Thế giới có liên quan tiếp theo đó;

• Thực hiện 10 Bước Cho con bú thành công được quy định trong Sáng kiến Bệnh viện Thân thiện với Trẻ em, bao gồm:

Da tiếp da giữa mẹ và con ngay sau khi sinh và cho con bú sớm trong một tiếng đầu đời;

Cho con bú theo nhu cầu (nghĩa là, cho con bú khi con có nhu cầu, cả ngày lẫn đêm);

Không cách ly mẹ và con;

Không cho em bé bất cứ thực phẩm hoặc chất lỏng bổ sung nào, ngay cả là nước, trừ khi cần thiết về mặt y tế;

• Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ y tế cho trẻ sơ sinh và tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ trong những lần tiếp xúc với trẻ nhỏ và người chăm sóc chúng, chẳng hạn như những lần khám tiền sản và sơ sinh, những lần khám định kì, khám bệnh và tiêm chủng;

• Và hỗ trợ cộng đồng, bao gồm các Hội Sữa mẹ và các hoạt động giáo dục và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

ĂN DẶM

Khoảng 6 tháng, nhu cầu về năng lượng và dinh dưỡng của trẻ bắt đầu vượt quá những gì được cung cấp từ sữa mẹ, và thực phẩm ăn dặm là cần thiết cho những nhu cầu này. Trẻ sơ sinh ở độ tuổi này cũng phát triển sẵn sàng cho các loại thực phẩm khác. Nếu chưa ăn dặm ở độ tuổi này hoặc thực phẩm ăn dặm không thích hợp, mức tăng trưởng của trẻ có thể bị chậm lại. Nguyên tắc hướng dẫn trẻ ăn dặm hợp lý là:

• Liên tục cho con bú theo nhu cầu đến tối thiểu 2 tuổi;

• Thực hành phương pháp Cho ăn đáp ứng (chẳng hạn như: đút cho trẻ nhỏ và hỗ trợ trẻ lớn hơn tự ăn. Đút chậm rãi và kiên nhẫn, khuyến khích trẻ ăn nhưng không thúc ép, trò chuyện với trẻ và duy trì giao tiếp bằng mắt

• Thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm;

• Bắt đầu từ 6 tháng với lượng nhỏ thức ăn và tăng dần lượng ăn theo thời gian;

• Tăng dần độ thô và mức độ phong phú của thực phẩm

• Tăng dần số cữ ăn dặm: 2-3 bữa/ngày cho trẻ 6-8 tháng tuổi và 3-4 bữa/ngày cho trẻ 9-23 tháng, với 1-2 bữa phụ;

• Dùng thức ăn dặm có bổ sung vi chất hoặc cho bé uống vitamin, khi cần;

• Và khi trẻ đau ốm, tăng lượng thức ăn lỏng bao gồm bú mẹ nhiều hơn và cho trẻ ăn những thực phẩm mềm, yêu thích.

Dinh dưỡng trong những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

Những gia đình và trẻ em trong những hoàn cảnh khó khăn cần sự hỗ trợ thiết thực và quan tâm đặc biệt. Bất cứ nơi nào có thể, bà mẹ và trẻ em nên ở cùng nhau và nhận sự hỗ trợ cần thiết để thực hiện phương án nuôi dưỡng thích hợp nhất lúc đó. Bú mẹ vẫn là phương thức nuôi dưỡng trẻ sơ sinh thích hợp hơn cả trong hầu hết các tình huống khó khăn, ví dụ như:

• Trẻ sơ sinh nhẹ cân hoặc thiếu tháng;

• Trẻ có mẹ nhiễm HIV;

• Trẻ có mẹ là vị thành niên;

• Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng;

• Và trẻ có gia đình phải chịu hậu quả của những tình trạng khẩn cấp phức tạp.

HIV VÀ DINH DƯỠNG CHO TRẺ SƠ SINH

Bú mẹ, đặc biệt là bú mẹ hoàn toàn từ sớm ngay sau sinh, là một trong các phương pháp quan trọng cải thiện tỉ lệ sống sót của trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, HIV có thể lây từ mẹ sang con trong thời gian mang thai, lâm bồn và cũng có thể qua sữa mẹ. Trong quá khứ, vấn đề thách thức là làm sao để cân bằng nguy cơ lây nhiễm HIV cho trẻ sơ sinh qua việc bú mẹ với những nguy cơ gây tử vong khác cao hơn là nhiễm HIV, cụ thể là suy dinh dưỡng và các bệnh nghiêm trọng khác như tiêu chảy và viêm phổi, trong số những trẻ bị phơi nhiễm HIV nhưng chưa bị nhiễm bệnh mà không được bú mẹ.

Bằng chứng về HIV và dinh dưỡng trẻ sơ sinh cho thấy việc đưa thuốc kháng vi-rút (ARV) cho các bà mẹ nhiễm HIV có thể làm giảm đáng kể nguy cơ truyền bệnh qua sữa mẹ và đồng thời cải thiện sức khỏe cho bà mẹ đó. Điều này giúp trẻ sơ sinh của các bà mẹ bị HIV có thể bú mẹ mà nguy cơ nhiễm bệnh thấp (1-2%). Các bà mẹ nhiễm HIV và con của họ, những người thường sống ở những nước mà bệnh tiêu chảy, viêm phổi và suy dinh dưỡng còn là những nguyên nhân phổ biến gây tử vong cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, qua đó có thể đạt được nhiều lợi ích từ việc bú mẹ với nguy cơ lây nhiễm HIV thấp nhất.

Từ năm 2010, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã khuyến cáo rằng các bà mẹ nhiễm HIV hãy sử dụng thuốc kháng vi-rút ARV và cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, sau đó bắt đầu ăn dặm kết hợp bú mẹ đến khi trẻ 1 tuổi. Chỉ cai sữa khi trẻ nhận được một chế độ ăn uống an toàn và đầy đủ dinh dưỡng mà không cần sữa mẹ.

Ngay cả khi không có thuốc kháng vi-rút ARV, các bà mẹ nên được tư vấn để cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục sữa mẹ sau đó, trừ khi hoàn cảnh xã hội và môi trường an toàn và hỗ trợ được cho việc nuôi dưỡng bằng sữa công thức cho trẻ sơ sinh.

SỰ HƯỞNG ỨNG CỦA TỔ CHỨC Y TẾ THẾ GIỚI WHO

Tổ chức Y tế Thế giới cam kết hỗ trợ các nước thực hiện và giám sát “Kế hoạch triển khai toàn diện về Dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”, được xác nhận bởi Các nước thành viên vào tháng 5, năm 2012. Kế hoạch bao gồm 6 mục tiêu, một trong số đó là tăng tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời lên 50% vào năm 2025. Các hoạt động giúp đạt được mục tiêu đó bao gồm các nguyên tắc trong “Chiến lược toàn cầu cvề Dinh dưỡng cho Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”, nhằm mục đích bảo vệ, thúc đẩy và hỗ trợ thích hợp cho việc nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Tổ chức Y tế Thế giới đã hình thành một Mạng lưới Giám sát và Hỗ trợ Toàn cầu cho Bộ Quy tắc Quốc tế về Quảng cáo Sản phẩm thay thế Sữa mẹ và các nghị quyết có liên quan tiếp theo của Hội đồng Y tế Thế giới WHA được gọi là NetCode. Mục tiêu của NetCode là bảo vệ và thúc đẩy việc cho con bú mẹ bằng cách đảm bảo rằng sản phẩm thay thế sữa mẹ không được quảng cáo không phù hợp. Cụ thể, NetCode đang xây dựng năng lực của các nước thành viên và các hội nhóm để tăng cường pháp chế cho Bộ Quy tắc của từng quốc gia, liên tục giám sát việc tuân thủ Bộ Quy tắc và có hành động ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới WHO và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF đã và đang phát triển những khóa đào tạo dành cho các nhân viên y tế thành những người có kĩ năng để hỗ trợ các mẹ sữa đang cho con bú, giúp họ vượt qua những khó khăn và theo dõi sự phát triển của trẻ em để họ nhận diện sớm nguy cơ về suy dinh dưỡng hay thừa cân/béo phì.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO cung cấp hướng dẫn đơn giản, mạch lạc và khả thi cho các quốc gia để thúc đẩy và hỗ trợ cải thiện nuôi dưỡng trẻ sơ sinh bởi các bà mẹ nhiễm HIV để ngăn chặn lây nhiễm từ mẹ sang con, dinh dưỡng tốt cho em bé và bảo vể sức khỏe của bà mẹ.

Bé Yêu (dịch)

Bạn nên đọc
Quảng cáo