• Trang chủ
  • > Sách
  • > Nuôi con bằng sữa mẹ
  • > Kinh nghiệm quý về những vấn đề thường gặp khi nuôi con bằng sữa mẹ
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Kinh nghiệm quý về những vấn đề thường gặp khi nuôi con bằng sữa mẹ

Kinh nghiệm quý về những vấn đề thường gặp khi nuôi con bằng sữa mẹ

  • Tác giả:
  • Thể loại: Nuôi con bằng sữa mẹ
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 02/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Nuôi con bằng sữa mẹ thành công, chị Thuỳ Trang (Facebook Nguyễn Thuỳ Trang) đã chia sẻ những vấn đề thường gặp của các mẹ sữa để các mẹ có thẻ rút kinh nghiệm và tự tin làm đúng ngay từ đầu. Mình copy và giữ nguyên văn nội dung dưới của tác giả vì tôn trọng tác giả và cũng để thể hiện rõ quan điểm của tác giả. Các mẹ có nhu cầu trao đổi kinh nghiệm, vui lòng liên hệ ở link fb cuối bài nhé! Chúc các mẹ thành công trong công cuộc nuôi con bằng sữa mẹ!

1) Phải ăn nhiều mới có sữa cho con bú, đặc biệt là ăn các món lợi sữa mà đầu bảng là cháo móng giò.  Sữa mẹ được tạo ra dưới ảnh hưởng của hormone và các chất điều tiết trong cơ thể qua ba giai đoạn. 

Giai đoạn 1: bắt đầu từ khoảng tuần 16-20 của thai kỳ đến khoảng 72 giờ sau khi sinh, là giai đoạn tạo sữa non đầu tiên.

Giai đoạn 2: bắt đầu từ 72 giờ sau sinh và kéo dài đến khoảng 6 tuần kế tiếp, là giai đoạn chuyển tiếp từ sữa non sang sữa già.

Giai đoạn 3: bắt đầu từ tuần thứ 6 sau khi sinh đến khi cai sữa, bầu vú mẹ khi này không còn thường xuyên căng đầy, sữa không còn hiện tưởng tự nhiên chảy ướt áo, khiến nhiều mẹ lo lắng lầm tưởng mình bị thiếu sữa rồi hoang mang, stressed dẫn đến thiếu sữa thật.

Mẹ đừng lo lắng, cứ ôm con cho bú theo nhu cầu thì con bú bao nhiêu sữa mẹ sẽ được sản xuất THEO NHU CẦU CỦA CON bấy nhiêu. Mẹ nên ăn uống đủ chất, đa dạng nhóm chất, tăng lượng rau xanh, hạn chế khẩu phần ăn nhiều chất béo dễ làm tắc tia sữa, uống nhiều nước, không cần phải ăn cháo móng giò để nhiều sữa, mẹ có thể ăn đu đủ xanh giàu vitamin rất tốt cho bầu vú. Chất và lượng sữa phụ thuộc rất ít vào khẩu phần ăn của mẹ mà phụ thuộc vào các hormone được tạo ra khi tinh thần mẹ thoải mái, lượng hormone oxytocin giúp tăng tiết sữa dạt dào khi mẹ được da tiếp da với con ngay sau sinh và con được mút ti mẹ liên tục những giờ đầu chào đời.

2) Chỉ khi mẹ béo tốt, khỏe mạnh, vui vẻ, hạnh phúc thì sữa mẹ mới tốt và đầy đủ dinh dưỡng. 

 Sữa mẹ luôn là thức ăn hoàn hảo nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trong mọi hoàn cảnh, kể cả khi ngừoi mẹ bị ốm, bị bệnh. Chỉ khi người mẹ bị suy dinh dưỡng trầm trọng trong một thời gian dài hay mẹ bị mắc những chứng bệnh nan y, sức khỏe mẹ bị giảm sút nghiêm trọng thì mẹ có thể cân nhắc về việc tiếp tục cho con bú vì sức khỏe của mẹ chứ chất lượng sữa của mẹ không bị ảnh hưởng. Nhiều mẹ ngộ nhận cho rằng nếu mẹ ức chế, tức giận thì bé ti dòng sữa mẹ stressed đó không tốt nhưng hormone cortisol hầu như không đi vào sữa mẹ bởi các cơn nóng giận hàng ngày, kể cả khi mẹ phải trải qua những khủng hoảng nghiêm trọng như thiên tai, chiến tranh thì chỉ một lượng rất nhỏ cortisol vào sữa mẹ cũng bị ức chế bởi các yếu tố an thần và hormone an thần endorphins có trong sữa mẹ. Hormone cortisol gây ức chế hormone tạo sữa và tiết sữa, gây ảnh hưởng đến lượng sữa được tạo ra chứ không ảnh hưởng đến chất lượng sữa hay “truyền” stress sang con. Khi mẹ tiếp xúc với vi khuẩn, mầm bệnh hay bản thân mẹ bị bệnh thì trong sữa mẹ sẽ có kháng thể chống lại loại bệnh đó được gọi là “hệ miễn nhiễm thích ứng” nên bé có thể an tâm khi bú mẹ hoàn toàn là bé cũng được nhận đủ kháng thể cần thiết để tập phản ứng dần với mầm bệnh. Khi mẹ bị bệnh nên cho con bú mẹ trực tiếp hoặc vắt sữa mẹ ra cho bé bú luôn trong ngày để con nhận được nhiều kháng thể nhất chống lại bệnh của mẹ.

3) Mẹ mới sinh/ sinh non/ sinh mổ chưa có sữa. 

 Sữa non đã có sẵn trong bầu vú mẹ từ trước khi người mẹ chuyển dạ sinh (giai đoạn 1: bắt đầu từ khoảng tuần 16-20 của thai kỳ đến khoảng 72 giờ sau khi sinh, là giai đoạn tạo sữa non đầu tiên) vì vậy mẹ sinh non/ sinh mổ/ sinh thường đều đã có sẵn sữa non cho con yêu của mình. Cho bé được tiếp da với mẹ liên tục ít nhất 1 giờ ngay sau sinh và cho bé bú mẹ trực tiếp tối đa theo nhu cầu thì hormone tạo sữa càng tăng và cơ chế sản xuất sữa của cơ thể mẹ càng hiệu quả. Sữa non chỉ có 2-5ml chứa lượng kháng thể đậm đặc gấp 8-12 lần lượng kháng thể của sữa già và được tiết từng lượng nhỏ phù hợp với dung tích dạ dày, khả năng tiêu hóa của trẻ sơ sinh, do đó lúc này nhiều mẹ hoang mang khi hút bằng máy không ra nổi 1 giọt sữa, nhưng mẹ cứ yên tâm tiếp da với con và ôm con cho ti trực tiếp thì sữa luôn đủ cho bé nhé.

4) Bé khóc, miệng bé mút mát liên tục do đói vì sữa mẹ chưa về, vì mẹ không đủ sữa. 

 Trẻ sơ sinh vừa mới lọt lòng mẹ không hề biết cảm giác đói no do trong bụng mẹ, bé không ăn qua dạ dày, bé luôn tìm kiếm và mút mát theo phản xạ gốc là phản xạ tìm vú, đây là phản xạ sinh tồn của bé giúp gửi tín hiệu tích cực cho cơ thể mẹ giúp gia tăng hormone. Lúc này bé không đói, không cần bổ sung bất kỳ nguồn dinh dưỡng nào ngoài sữa mẹ, bé chỉ cần được da tiếp da với mẹ và bú mẹ trực tiếp liên tục theo nhu cầu (khoảng 14 cữ trong ngày đầu tiên, 10 cữ sau tuần đầu và 8 cữ sau tháng đầu). Nếu người chăm sóc bé không hiểu về phản xạ gốc này của bé sẽ ngộ nhận là bé đói và bổ sung 30ml sữa công thức như hướng dẫn pha sữa của nhà sản xuất khiến dạ dày bé nhỏ như viên bi của bé chỉ có dung tích 5ml bị dồn căng cứng, dẫn đến kick thích nôn trớ từ sơ sinh, khi lặp đi lặp lại nhiều lần trong những ngày đầu đời sẽ khiến bé dễ bị chứng trớ sữa thương xuyên hoặc nặng hơn tiến triển thành bệnh trào ngược thực quản sau này. Trong 72 giờ đầu sau sinh, cơ thể bé sơ sinh không cần ăn thật nhiều qua dạ dày vì cơ thể bé có cơ chế cung cấp năng lượng liên tục như cách bé vẫn được cung cấp năng lượng trong bụng mẹ , được gọi là “cơ chế điều tiết đối ứng” – sử dụng năng lượng từ mô dự trữ của bé một cách hiệu quả để dành thời gian cho các niêm mạc hệ tiêu hóa và các niêm mạc khác trong cơ thể được hoàn thiện bởi sữa non của mẹ.

5) Không phải bé nào cũng biết bú mẹ, bé cần được học cách bú đúng. 

 Việc tìm vú mẹ và ngậm đúng khớp là bản năng của con nếu con được tôn trọng tự nhiên (được tiếp da với mẹ liên tục 1 giờ sau sinh và tự tìm vú mẹ ti trực tiếp), không bị can thiệp sớm bởi bình sữa, núm ti giả thì con không bao giờ cần phải “học bú đúng”. Con đã học cách ngậm đúng theo động tác mút tay từ trong bụng mẹ rồi. Mẹ cho con bú phải chú ý trước tiên đến tư thế bú đúng rồi sau đó mới cần quan tâm đến khớp ngậm. Tư thế bú đúng là: cả người bé úp sát vào người mẹ, tai-vai-hông của bé thẳng hàng cho dù bú nằm hay bú ngồi, cằm bé cắm sâu vào bầu vú mẹ, đầu bé ngửa ra tối đa (góc giữa cằm và cổ khoảng 140 độ), đầu vú mẹ ngang đầu mũi bé (chứ không phải ngang miệng bé), mẹ nâng đỡ cổ và thân con (chứ không điều khiển đầu và cổ con). Khớp ngậm đúng có các đặc điểm như sau: lưỡi của bé đưa ra phía trước đè lên nướu dưới/ chạm môi dưới, miệng bé mở rộng, hai môi loe rộng như cá đớp mồi, bé không chỉ ngậm đầu vú mà ngậm rất sâu vào quầng vú mẹ. Khi bé ngậm khớp đúng thì mẹ không có cảm giác đau hay khó chịu, khớp bám rất chắc cho dù đôi lúc bé ngưng bú, sữa mẹ sẽ xuống nhiều và liên tục nhưng bé sẽ không bị sặc, chỉ có những bé có tư thế bú và khớp ngậm chưa đúng thì mới bị sặc sữa khi sữa mẹ về nhiều.

6) Bé chỉ cần bú mẹ 1 tư thế cho thật tốt. 

 Cho con bú duy nhất một tư thế gây nhiều trở ngại và bất lợi cho khả năng nuôi con sữa mẹ hoàn toàn và lâu dài. Mỗi tư thế bú giúp thông suốt và làm trống tối ưu cho một số tuyến sữa nhất định vì vậy xoay vòng các tư thế bú khác nhau giúp tối ưu mọi tuyến sữa và tia sữa, giúp hạn chế tắc sữa và tạo sữa hiệu quả. Mẹ có thể cho bé bú ngồi hoặc bú nằm mà không lo sữa tràn vào các xoang tai mũi họng gây viêm nhiễm vì sữa mẹ giàu kháng thể như một loại nước rửa tự nhiên nếu bị tràn vào các khoang tai mũi họng, bú mẹ tư thế nằm an toàn ngay cả khi bé bị sặc sữa.

7) Bầu vú nhỏ không đủ sữa cho con. 

 Sữa mẹ được tạo ra ngay trong khi bé bú mẹ chứ không phải được sản xuất sẵn từ trước chứa sẵn trong ngực mẹ, lượng sữa được tạo ra trong mỗi cữ bú không phụ thuộc vào kick thước của bầu vú mẹ mà phụ thuộc vào nhu cầu bú mút của con – sữa được sản xuất theo cơ chế cung-cầu, con càng bú nhiều thì cơ thể mẹ càng dồi dào sữa. Bầu vú to hay nhỏ, chỉ cần mẹ hiểu đúng cơ chế sản xuất sữa thì đều tự tin nuôi con sữa mẹ hoàn toàn. Nếu mẹ có bầu ngực nhỏ thì số cữ bú trong ngày của con sẽ tăng lên, thời gian giữa các cữ bú ngắn lại nhưng TỔNG SẢN LƯỢNG 1 ngày bé bú không kém hơn bé bú bà mẹ có bầu ngực lớn hơn (vd 60mlx12 cữ = 70mlx10 cữ = 80ml x9 cữ), ta cần nhìn vào TỔNG LƯỢNG SỮA TRONG 1 NGÀY chứ không phải cân đo đong đếm lượng sữa từng cữ bú của bé, muốn biết mẹ có đủ sữa cho bé hay không cần nhìn vào các dấu hiệu bú đủ để quan sát đánh giá bé chứ không phải ngộ nhận ngực nhỏ thiếu sữa mà vội bổ sung sữa công thức cho con.

8) Không phải ai cũng may mắn có cơ địa nhiều sữa. 

 Mình đã từng trải qua những ngày hút sữa tráng bình và nhờ có kiến thức đúng đắn về sữa mẹ, đến giờ con trai mình 14 tháng tuổi mình vẫn dồi dào sữa tự tin nuôi con sữa mẹ hoàn toàn, mình hiểu rằng nhiều sữa hay ít sữa KHÔNG PHẢI DO CƠ ĐỊA, cũng KHÔNG PHẢI DO MAY MẮN mà do bạn làm đúng hay làm sai. Khoa học đã kết luận chỉ có 2% các bà mẹ không thể nuôi con sữa mẹ hoàn toàn do thể trạng bệnh lý, sự bất thường về cấu trúc bầu vú, 98% các bà mẹ còn lại có thể nuôi con sữa mẹ hoàn toàn. Với các bà mẹ có bầu ngực nhỏ, lượng sữa mỗi cữ bú khiêm tốn thì vẫn hoàn toàn tự tin nuôi con sữa mẹ bằng cách cho con bú nhiều cữ hơn trong ngày, thời gian giữa các cữ bú gần nhau hơn để đảm bảo TỔNG LƯỢNG SỮA trong ngày của bé vẫn đủ và đó là một cách kick sữa tuyệt vời khi liên tục gửi tín hiệu cho cơ thể cần nhiều sữa hơn để cung cấp cho nhu cầu của con. Sữa mẹ được sản xuất liên tục trong mỗi cữ bú, chỉ sau ½ giờ từ sau cữ bú trước đã bắt đầu sản xuất cho cữ bú tiếp theo, vì vậy với các mẹ lo mình thiếu sữa/ ít sữa hãy kiên trì massage 3 phút betibuti và cho con bú/hút thường xuyên sẽ có kết quả như mong đợi.

9) Dùng máy hút sữa 1 thời gian là sẽ mất sữa. 

 Mình đã trải nghiệm 6 tháng ròng hút sữa hoàn toàn vì con không ti mẹ mà chả thấy mất sữa tẹo nào mà chỉ thấy sữa lúc nào cũng dồi dào. Sữa mẹ được sản xuất theo nguyên tắc cung- cầu do đó mẹ càng cho con bú/ hút càng nhiều thì sữa sản xuất ra càng nhiều. mẹ nào bảo hút sữa 1 thời gian sẽ mất sữa có thể do mẹ hút sai cách hoặc mẹ giãn cữ hút quá xa làm cơ thể dần giảm sữa hoặc đơn giản là do áp lực máy hút sữa có vấn đề. Mình đã có 1 note riêng về việc dùng máy hút sữa, các mẹ có thể tham khảo. Máy hút sữa là một PHƯƠNG TIỆN HỖ TRỢ HỮU ÍCH nếu mẹ biết cách kết hợp sử dụng đúng chứ không nên lạm dụng. Các mẹ nên tìm nơi mua máy uy tín và người bán hàng có tâm, có kiến thức về sữa mẹ sẽ được hướng dẫn tận tình về cách sử dụng máy hút sữa đúng cách và hút sữa sao cho hiệu quả. Mình luôn muốn nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại một điều quan trọng khi dùng máy hút sữa đó là mẹ hút ra được bao nhiêu sữa KHÔNG nói lên được lượng sữa mẹ có mà chỉ thể hiện lượng sữa mẹ CÓ THỂ HÚT RA mà thôi. Cái máy hút sữa hiệu quả nhất là mấy cục sữa chụt choẹt kìa các mẹ, do đó các mẹ đừng lạm dụng máy hút sữa mà quên đi mấy cái cục sữa xịn thơm phức kia rồi hút không ra sữa/ ra ít sữa lại stress => lại hút được ít sữa hơn => lại stress hơn => mất sữa, đó là một vòng luẩn quẩn không lối thoát. Vì vậy khuyên các mẹ hãy coi máy hút sữa là CÔNG CỤ HỖ TRỢ, hãy học cách kết hợp hiệu quả, sử dụng hữu ích để mang lại hiệu quả tối đa trong công cuộc nuôi con sữa mẹ nha. 

10) Tại sao con nhà ngừoi ta bú mỗi lần 15-20p còn con nhà tớ chỉ bú 5p đã nhả ra, vậy là do tớ thiếu sữa nên con tớ không khoái bú. 

 Một sai lầm nghiêm trọng trong việc nuôi con là so sánh con nhà mình với “con nhà người ta”, mỗi bé là một cá thể đặc biệt do đó việc so sánh là khập khiễng, vớ vẩn. Ông bố A không y xì đúc ông bố B, bà mẹ A không cao to ngang ngửa bà mẹ B thì không có lý do gì bắt 2 em bé phải to lớn phát triển ngang nhau. Không có khoa học nào nghiên cứu đưa ra mẫu số chung về thời gian bú mẹ của một em bé trong mỗi cữ bú vì có nhiều yếu tố chi phối quá trình bú mẹ của em bé sơ sinh. Tư thế bú đúng giúp bé bú mẹ không bị khó chịu nên bé bú lâu hơn, khớp ngậm bé đúng thì bé bút hút hiệu quả nên nhanh no hơn do hút được nhiều sữa hơn. Bé lớn hơn đương nhiên thời gian bú ngắn hơn bé sơ sinh vì bé khỏe hơn, lực bú mút mạnh hơn, vắt sữa hiệu quả hơn nên bú no trong khoảng thời gian ngắn hơn. Ngay cả 2 em bé lớn ngang nhau thì cũng có bé bú nhanh bé bú chậm do lực bú mút của 2 bé khác nhau, hoặc đơn giản do nhu cầu 2 bé khác nhau, bé bú 20p thì 2-3h sau bé mới bú tiếp còn bé bú 5-10 p thì bé lại bú những cữ bú gần nhau hơn, quan trọng là TỔNG LƯỢNG SỮA 1 NGÀY của bé hấp thụ vẫn đủ thì chả có gì phải lo lắng cả. Việc của mẹ là hãy lắng nghe con mình và tôn trọng nhịp sinh học của con, cứ ôm con nằm phè ra bú thì chả bao h thiếu sữa. con còn bú mẹ thì sữa mẹ còn sản xuất, hãy luôn yên tâm là như vậy.

Hành trình nuôi con sữa mẹ là một hành trình dài nhưng thật dễ dàng nếu mẹ trang bị đầy đủ kiến thức và có sự hỗ trợ, ủng hộ từ gia đình. Để nói về sữa mẹ thì có thể tám cả ngày không hết nhưng trên là 10 vẫn đề mình gặp nhiều nhất khi tâm sự với các mẹ đang gặp khó khăn khi nuôi con sữa mẹ. Mình không phải là nhà nghiên cứu, mình chỉ là một bà mẹ sữa may mắn có cơ duyên được tiếp xúc với các nguồn tài liệu quý giá mà lại miễn phí nên muốn share lại với các mẹ kết hợp với kinh nghiệm của bản thân mình. Tài liệu về sữa mẹ trên 200 trang, các mẹ nên tìm đọc trên hội sữa mẹ bétibuti hoặc mua sách “68 ngộ nhận và giác ngộ về nuôi con sữa mẹ- sai và khó đúng và dễ” để ngâm cứu. Bài viết của mình chỉ là tổng hợp từ những gì mình đã đọc và mình nghĩ cần thiết nhất cho các mẹ vừa sinh còn đang mệt mỏi, hi vọng giúp các mẹ có thêm động lực chống lại mafia . Với các mẹ đã và đang làm sai thì minh lại cày tài liệu và làm lại cho đúng, đừng bao giờ nuối tiếc hay ân hận vì mình đã làm sai, thời gian không quay trở lại, mọi bà mẹ đều yêu thương con mình theo cách hoàn hảo nhất có thể rồi, sai thì sửa để làm tốt hơn nữa, hãy chia sẻ kiến thức cho các mẹ đi sau để ngày càng ít mẹ phải nói “giá như”, “ước gì”, để nhiều em bé sữa được hưởng trọn vẹn 72h vàng sữa non.

Bạn nên đọc
Quảng cáo