• Trang chủ
  • > Sách
  • > Phát triển cảm xúc và quan hệ xã hội
  • > “Làm gì để không còn nổi giận khi con mè nheo, phản kháng” - P1
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
“Làm gì để không còn nổi giận khi con mè nheo, phản kháng” - P1

“Làm gì để không còn nổi giận khi con mè nheo, phản kháng” - P1

  • Tác giả:
  • Thể loại: Phát triển cảm xúc và quan hệ xã hội
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 07/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Có 1 cuốn sách mà sau khi đọc xong mình thấy rất tâm đắc đó chính là cuốn sách của tác giả Kawai Michiko. Nó là một trong số ít những cuốn sách tâm lí về nuôi dạy trẻ mà mình cảm thấy thích thú và học hỏi được nhiều nhất sau khi đọc. Những lời khuyên của tác giả Kawai Michiko đã giúp cha mẹ hiểu thấu đáo hơn tâm lí của con trẻ trong những tình huống trẻ mè nheo, phản kháng và từ đó điều chỉnh được cảm xúc của bản thân, và dần trở nên kiềm chế được cơn cáu giận với con mình.

Nhưng điều còn tuyệt vời hơn cả đó là những lời khuyên ấy không chỉ áp dụng với con trẻ ở thời kì phản kháng, mè nheo 1-10 tuổi mà ngay cả khi con bạn đã bước vào thời kì thanh niên (giai đoạn phản kháng lần 2) cũng vẫn áp dụng rất hiệu quả. Ngay cả với mối quan hệ trong gia đình, ứng xử giữa vợ chồng, bạn bè thì những lời khuyên của tác giả Kawai Michiko cũng đã giúp ích cho bản thân mình rất nhiều. Câu nói cửa miệng của mình mỗi khi có vấn đề gì bức xúc hoặc cơn nóng giận có thể nổ ra tranh cãi là mình sẽ thầm nhắc nhở bản thân “相手の気持ちを受け止める”‐”Đầu tiên hãy tiếp nhận cảmxúc/suy nghĩ của người khác”. Bạn biết đấy ai cũng có nhu cầu muốn được người khác tiếp nhận/cảm thông với những cảm xúc hay suy nghĩ của mình, và nhu cầu này còn cao hơn cả việc giải quyết vấn đề.

1.      Cha mẹ sẽ nổi cáu và mệt mỏi với con mình vào những lúc nào?

Là những lúc con lăn ra ăn vạ khi không được đáp ứng theo ý muốn của chúng

Là khi đang mệt mỏi, đau đầu mà chúng nô đùa ồn ào không nghe lời

Là khi sáng phải hô hào gọi chúng dậy đi học mà chúng cứ nằm ỳ ra

Là khi chúng tranh giành đồ chơi với em, không chịu giúp việc nhà, không chịu học bài, chơi xong không chịu dọn đồ….

     Có thể nói là có muôn vàn lí do để cha mẹ muốn nổi điên với con, và nhiều khi chẳng có lí do đặc biệt gì cũng khiến cha mẹ thấy mệt mỏi với việc chăm sóc, nuôi dạy con cái. Đó là tâm lí chung của tất cả những ông bố bà mẹ đang nuôi con trên thế giới này cùng đang gặp phải.

  Có nhiều người không kìm nén được cơn giận sẽ buột miệng quát mắng đôi khi là đét vào mông trẻ vài cái để hạ nhiệt cơn giận của mình. Nhưng hầu hết khi cơn giận qua đi cha mẹ nào cũng cảm thấy có lỗi với con và đều ước rằng giá mà mình kìm nén được cơn cáu giận, đừng quát mắng con bằng những lời lẽ khó nghe và có thái độ khó chịu như lúc nãy thì tốt biết mấy. Nhưng làm thế nào để kiềm chế được những cơn cáu giận trước những đòi hỏi vô lí, những phản kháng và không chịu nghe lời cha mẹ của con trẻ nhỉ ?

     Đó là điều mà tác giả Kawai-mẹ của 3 đứa trẻ- cũng đã từng gặp phải. Sau khi nghe những lời khuyên từ trung tâm tư vấn bà đã tự rút ra những kinh nghiệm cho mình, và viết thành những quy tắc ứng xử và truyền lại những kinh nghiệm đã được áp dụng rất hiệu quả của mình cho những bà mẹ khác cùng biết bằng cách mở trung tâm tư vấn nuôi dạy con cho các bà mẹ.  

    Muốn kiềm chế cơn cáu giận với con thì điều đầu tiên đó là phải đòi hỏi thời gian để luyện dần dần chứ không có ai ngay lập tức có thể thành công được. Vì vậy các bậc cha mẹ muốn thử áp dụng những lời khuyên này thì hãy kiên nhẫn và dành thời gian để cùng thử nghiệm nhé.

2.    Bảy từ bí quyết giúp cha mẹ không nổi giận với con

1. “THỪA NHẬN”- Hãy tiếp nhận suy nghĩ và mong muốn của trẻ

2. “LẮNG NGHE”- Hãy chăm chú lắng nghe con bạn nói gì

3. “REFAIN-LẶP LẠI LỜI CON NÓI”-Nhắc lại một lần ý trẻ muốn nói

4. “THÔNG ĐIỆP CỦA CHA/MẸ LÀ”- Dùng chủ ngữ là mẹ (cha) để truyền đạt ý của mình cho trẻ

5. “REFRAMING- XÓA BỎ ĐỊNH KIẾN CỦA BẢN THÂN VỀ CON”- Hãy tháo cặp kính màu mang suy nghĩ định kiến về trẻ

6. “ĐẶT CÂU HỎI”- Đặt câu hỏi để dẫn dụ ra câu trả lời từ trẻ

7. “IM LẶNG”- Thi thoảng hãy im lặng và chờ đợi sự thay đổi từ trẻ

(Ngoài ra) 8. “TIN TƯỞNG”- Câu trả lời tự khắc sẽ xuất hiện ở ngay chính bản thân trẻ

3.      Bốn bước chuẩn bị trước khi áp dụng theo 7 từ khóa bí quyết

Trước khi bước vào thực hiện lời khuyên theo 7 từ khóa trên thì việc đầu tiên mà cha mẹ cần làm đó là

Bước 1: quan sát con bạn bằng cách ghi chép lại

     Ngay bây giờ bạn thử ngồi nhớ lại xem lúc nào con bạn lăn ra ăn vạ, hay không chịu nghe lời, những lúc ấy biểu hiện của con như thế nào nhỉ. Có thể bạn sẽ nhớ ra ngay chuyện con hay ăn vạ nhiều nhất nhưng chắc chắn là không thể nào nhớ hết được mọi tình huống phải không? Vì trẻ ăn vạ hay bướng bỉnh với muôn hình vạn trạng, mỗi ngày một biến đổi. Vậy thì việc đầu tiên cha mẹ nên làm đó là quan sát và ghi lại dưới dạng như nhật ký những lần ăn vạ, không nghe lời của con. Cha mẹ có thể viết dưới dạng những cuốn nhật kí với cách phân chia theo chủ đề như “Nhật kí ăn vạ lúc 1 -2 tuổi”, “Nhật kí hai anh/chị em cãi nhau”, “Nhật ký thời ký phản kháng”. Cha mẹ có thể viết để cho mình đọc, hoặc có thể chia sẻ cùng với bạn bè dưới dạng blog, facebook. Bởi vì ngay lúc trẻ nóng giận cha mẹ thường có xu hướng đưa suy nghĩ chủ quan của bản thân nhiều hơn, nên việc làm này sẽ vô cùng hiệu quả vì nó giúp cha mẹ có cái nhìn khách quan hơn với những hành động đó của trẻ khi ngồi đọc lại những quan sát được ghi chép lại này.

Bước 2: Tìm ra điểm mấu chốt, nguyên nhân của vấn đề

     Khi nào thì con hay ăn vạ, hay là trong mỗi lần hai anh em cái nhau thì ai là người châm ngòi trước, khi nào mình giải quyết tốt cơn ăn vạ của con, khi nào thì càng nói con càng không nghe lời, những khi ấy thái độ của mình là gì nhỉ. Khi càng quan sát, ghi chép lại và mỗi lần đọc lại bạn sẽ nhìn thấy được nhiều điểm mấu chốt, đâu là vấn đề trong mỗi lần con ăn vạ, phản kháng từ chính những câu hỏi như trên.

     Các bậc cha mẹ chúng ta mỗi người đều mang một tâm lí là phản ứng lại ngay lập tức với những đòi hỏi, hay hành động của trẻ mỗi khi trẻ làm việc gì đó khiến ta không hài lòng, và tùy vào mức độ mà cảm xúc của chúng ta sẽ thay đổi, cáu giận, quát mắng hay có thể bình tĩnh phán đoán được. Ví dụ như người thì coi trọng việc tuân thủ thời gian, người thích sự phân biệt trắng đen rạch ròi, người thì muốn con trẻ sẽ phải như này như kia. Và khi trẻ không làm theo những gì mà chúng ta mong muốn thì lập tức bản thân sẽ cảm thấy khó chịu, dễ trở nên cáu giận. Những lúc ấy bạn hãy hỏi thử bản thân rằng “hành động nào của trẻ khiến bạn bực mình, lời nói nào của trẻ khiến bạn khó chịu, bạn đã phản ứng với trẻ như thế nào”. Bởi vì việc biết được bạn sẽ phản ứng với những hành động nào của trẻ, và phản ứng như thế nào sẽ rất quan trong trong việc rèn luyện giúp bạn kìm nén cơn nóng giận.

Bước 3: Thử suy nghĩ xem liệu bản thân mình có thể làm được gì

     Khi đã nhận ra được điể mấu chốt của vấn đề thì việc tiếp theo bạn nên nghĩ đến đó là câu hỏi “Bây giờ bạn muốn làm gì”, “Bây giờ bạn có thể làm gì”, và một lời khuyên như này “Quá khứ và người khác thì không thể thay đổi, nhưng tương lai và bản thân mình thì có thể thay đổi”. Nếu như chúng ta bỏ quá nhiều sức lực vào một việc mà biết chắc rằng không thể thay đổi nó (liệu bạn có thể thay đổi được con bạn không) thì tại sao bản thân mình không thử thay đổi cách làm xem sao. Đôi khi các bậc cha mẹ bị chính những cảm xúc, những kỳ vọng ảo tưởng về con cái làm che mờ hết đi sự thực và cái nhìn khách quan để phán đoán sự việc. Bạn hãy thử thay đổi, thử lấy việc hôm nay mình sẽ thử tiếp nhận tâm trạng của con như là mục tiêu phấn đấu cho hôm nay xem sao, và rồi kéo dài mục tiêu đó thành mục tiê dài hơi hơn.

Bước 4: Đầu tiên là cứ thử hành động xem sao

     Có rất nhiều bậc cha mẹ đã gặp phải tình trạng đó là đọc bao nhiêu cuốn sách hay, tìm hiểu trên mạng bao nhiêu kiến thức tốt về các phương pháp nuôi dạy con, kết cục là khi áp dụng theo lại không như mình mong muốn, hoặc áp dụng giữa chừng nhưng không thấy hiệu quả nản chí bỏ qua, hoặc thiếu động lực và tự tin để áp dụng theo các phương pháp đã đọc. Lời khuyên duy nhất dành cho các bậc cha mẹ khi này đó là “cách này không được thì hãy thử cách khác, ít nhất hãy thử làm xem sao, còn nếu không thử thì chẳng bao giờ bạn biết được nó có thành công hay không”.
        
Người dịch Nguyễn Thị Thu

Cuốn sách tham khảo

“今日から怒らないママになれる本” – 子育てがハッピーになる魔法のコーチング、川井道子

Tạm dịch: “Từ hôm nay mẹ sẽ không còn nổi giận với con nữa”-Bí quyết hiểu thấu tâm lí con trẻ để nuôi dạy con hạnh phúc- tác giả Kawai Michiko

Bạn nên đọc
Quảng cáo