• Trang chủ
  • > Sách
  • > Phát triển trí tuệ và nhận thức
  • > Ngôn ngữ và kỹ năng vận động của trẻ 16-18 tháng tuổi
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Ngôn ngữ và kỹ năng vận động của trẻ 16-18 tháng tuổi

Ngôn ngữ và kỹ năng vận động của trẻ 16-18 tháng tuổi

  • Tác giả:
  • Thể loại: Phát triển trí tuệ và nhận thức
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 05/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Một khi trẻ nhận ra rằng mọi thứ đều có tên, chúng sẽ đặt tên mọi thứ trong thế giới của mình.

Vốn từ vựng của trẻ

Khi được yêu cầu mang đến cho bạn món đồ chơi yêu thích của trẻ, trẻ sẽ vui vẻ làm theo. Bảo trẻ chuẩn bị đi công viên, bạn sẽ thấy trẻ nhanh chóng ra cửa đợi sẵn. Nhưng khi nhắc đã đến giờ đi ngủ, trẻ chắc chắn sẽ có hành động chống đối, ví dụ như chạy trốn.

Đến tháng thứ 16, trẻ có thể hiểu được hầu hết những gì bạn nói, mặc dù trẻ chỉ mới bập bẹ những từ vô nghĩa. Theo các chuyên gia về ngôn ngữ trẻ em, khả năng nắm bắt ngôn ngữ nói là bước quan trọng đầu tiên giúp trẻ có thể nói lưu loát sau này. Trẻ được rèn kỹ năng tiếp thu ngôn ngữ ngay từ khi nằm trong bụng mẹ khi nghe giọng nói của mẹ. Ở tuổi chập chững, trẻ sẽ dành nửa đầu của năm thứ hai của mình để hoàn thiện khả năng tiếp thu ngôn ngữ này, tích lũy vốn từ vựng và dần nắm vững các quy  tắc ngữ pháp rắc rối mà không cần phải nói nhiều.

Tại sao học ngôn ngữ cần nhiều thời gian?

Để phát triển khả năng ngôn ngữ, từ chỗ chỉ biết nhận thông tin từ các cuộc trò chuyện đến lúc có thể diễn đạt các ý tưởng, những gì trẻ quan sát và cảm xúc bằng lời nói là một kỳ công. Lời nói không chỉ đại diện cho các sự vật mà còn đại diện cho những hành động, sự kiện, cảm xúc và các mối quan hệ. Ngoài ra, việc nắm vững ngôn ngữ đòi hỏi phải hiểu cặn kẽ các quy tắc cú pháp, ngữ pháp và biết cách vận dụng chúng.

Các mức độ nắm vững ngôn ngữ

Theo ông Greg Sonnen- bác sĩ nhi khoa tại Trung tâm y tế Đại học Baylor (Dallas), cũng như với hầu hết các mốc phát triển khác của trẻ, chuẩn để đánh giá sự phát triển ngôn ngữ của trẻ khá mơ hồ. Một số trẻ 16 tháng tuổi chỉ có thể nói vài từ, trong khi những trẻ khác đã có thể nói hơn 10 từ. Kỹ năng phát âm của trẻ vẫn còn kém, và nhiều khi chỉ có bố mẹ có thể hiểu được những gì bé nói.

Lời đầu tiên

Những lời đầu tiên mà trẻ biết hầu như là các danh từ, ví dụ tên người, tên con vật, hoặc những thứ khác trẻ gặp trong thế giới của mình. Đầu tiên trẻ sẽ học những từ đơn hay cụm từ đơn giản, trung bình khoảng một hoặc hai từ mới mỗi tháng. Sau đó, thường ở tháng thứ 18, có thể sớm hay muộn hơn một chút, trẻ bất ngờ sẽ trải qua giai đoạn bùng nổ ngôn ngữ, bắt đầu khi trẻ học được đến 10 từ mới một ngày và nâng cao kỹ năng tiếp thu ngôn ngữ của mình với tốc độ nhanh hơn so với trước đây.

Một khi con bạn đã làm chủ được một số từ, trẻ sẽ bắt đầu học cách diễn đạt suy nghĩ của mình một cách chính xác hơn. Lúc đầu, trẻ sẽ làm được điều này bằng cách lặp lại theo bạn. Ví dụ, khi đã được dạy nói "mèo", trẻ sẽ la to "mèo" khi thấy con mèo ở nhà đào bới các chậu hoa, bởi vì trẻ đã từng thấy bạn la con mèo như vậy khi nó phá phách.

Bắt đầu từ câu

Theo tiến sĩ Stephanie Leeds, giám đốc nghiên cứu giáo dục và trẻ em của trường Cazenovia (New York), lâu dần trẻ sẽ biết cách nối các từ trong vốn từ vựng ngày càng tăng thêm của mình thành những câu ngắn. Trẻ sẽ không bận tâm với những thứ không quan trọng như giới từ, mạo từ, hoặc bất cứ từ nào mà trẻ thấy không có ý nghĩa. Những thứ đó sẽ được học sau. Thay vào đó, trẻ đã có thể nối vài từ thành cụm có ý nghĩa. Ví dụ, khi bắt gặp con mèo cào chậu hoa trẻ sẽ nói “mèo hư” thay vì nói cả câu "Mi là một con mèo hư!".

Những câu đầu tiên của trẻ được các chuyên gia gọi là "ngôn ngữ vắn tắt" và thường bao gồm hai từ. Mặc dù ngắn ngủi nhưng những câu nói đầu tiên này cho thấy một cấp độ mới về thông tin liên lạc giữa trẻ và thế giới. Ví dụ,  khi nghe thấy tiếng xe của cha mình rẽ vào ngõ, trẻ sẽ chạy ra cửa sổ kêu to: "Bố đã về !", hoặc khi đến các sân chơi trẻ sẽ hét lên: "Chơi xích đu!"

Tất cả mọi thứ là một câu mệnh lệnh

Với bản chất ích kỷ của hầu hết trẻ ở độ tuổi này, các câu đầu tiên thường là các câu mệnh lệnh. “Máy thu âm” nhỏ của bạn sẽ kêu lên: "Thêm sữa!" hoặc "Tìm Teddy!" như là cách để kiểm tra khả năng mới của trẻ: biểu đạt mọi nhu cầu của trẻ với bạn. Lúc đầu, trẻ có thể dùng từ chưa chính xác. Ví dụ, trẻ có thể gọi một con lạc đà, sư tử, ngựa vằn ở sở thú là "con chó" vì tất cả những con này đều có bốn chân, có lông, và có đuôi. Nhưng thứ tự các chữ trong câu nói của trẻ gần như luôn luôn đúng.

"Hãy chú ý đến thứ tự các từ con dùng. Bé hiếm dùng sai."Penelope Leach - Tiến sĩ, tác giả quyển Your baby & Child (Knopf) khuyên. "Ví dụ, nếu con gái bạn reo lên, "Thấy xe buýt", có nghĩa là cô bé rất hào hứng khi nhìn thấy một chiếc xe buýt. Nhưng nếu cô nói: "Xe buýt, nhìn!" thì có khả năng cô bé gọi bạn đến để cùng xem chiếc xe. Và để nói về con mèo phá phách, một cậu bé sẽ nói: "Mèo hư!" Còn nếu muốn chỉ cho người khác thấy con mèo đã phá phách thế nào, bé sẽ nói: "Con mèo, hư!"

Tại sao nên nói chuyện với bé ?

Chắc bạn cũng đã biết rằng, các nghiên cứu đã chứng minh rằng nếu cha mẹ nói chuyện với trẻ từ nhỏ, sử dụng từ ngữ đa dạng và luôn kiên nhẫn khích lệ trẻ nỗ lực tập nói sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng ngôn ngữ tốt nhất. Con đầu lòng thường phát triển các kỹ năng ngôn ngữ nhanh hơn so với anh chị em của chúng, có lẽ vì được cha mẹ dành nhiều thời gian một kèm một hơn. Ngoài ra, cũng có thể do con thứ thường bị ảnh hưởng xấu bởi kỹ năng ngôn ngữ chưa hoàn thiện của anh/ chị mình.

Bạn lo lắng gì?

Bạn có thể băn khoăn về việc phát triển ngôn ngữ của trẻ bất kể con mình như thế nào. Điều đó là bình thường. Dù chúng ta vẫn nghe kể về chuyện vài bé 12 tháng tuổi đã nói rành rọt, nhưng hãy yên tâm. Ngay cả khi con bạn có vẻ chậm biết nói hơn các bé đồng trang lứa, miễn là bé biết lắng nghe các cuộc trò chuyện xung quanh, hiểu được hầu hết những gì bé nghe, và có thể giao tiếp thông qua nét mặt và cử chỉ, bé chỉ đang tích lũy vốn từ và sẽ nói khi đến lúc thích hợp.

"Hầu hết trẻ hoàn thiện các kỹ năng ngôn ngữ ở độ tuổi mầm non. Sau đó, bạn có thể thấy phiền phức vì bé nói chuyện liên hồi.”

Phát triển kỹ năng vận động

Từ 16 đến 18 tháng, trẻ sẽ nhanh cứng cáp hơn. Trẻ bắt đầu đi những bước chập chững, tay giơ cao để giữ thăng bằng. Dần dần, trẻ sẽ quen với việc thả lỏng hai tay bên hông khi tập đi. Tháng thứ 18, trẻ bắt đầu đi với hai chân dang rộng, chập chững rồi từ từ bước vững hơn. Thậm chí trẻ bắt đầu tăng tốc và cố thử chạy. Một cột mốc mới: trẻ nhặt một vật lên và mang theo khi tập đi, điều đó thể hiện khả năng thăng bằng tốt hơn và cơ bắp khỏe mạnh hơn.

Chấp nhận rủi ro

Trẻ ở giai đoạn này bắt đầu bộc lộ thiên hướng mạo hiểm. Hầu hết trẻ lúc này đã có thể đi cầu thang có tay vịn.  Đến tháng thứ 18, nhiều trẻ có thể leo lên ghế.

Dù vậy, không cần lo lắng, trẻ thận trọng hơn bạn nghĩ. Trong một nghiên cứu gần đây, các bé 16 tháng tuổi đã được tập cho đi bộ trên một tấm gỗ hẹp hoặc một tấm gỗ rộng. Các bé dễ dàng vượt qua tấm gỗ rộng nhưng rất khôn ngoan tránh xa tấm gỗ hẹp và chỉ đi qua khi tấm gỗ hẹp có tay vịn.

Từ giả vờ đến tưởng tượng

Ở tuổi này, trẻ luôn thích chơi trò bắt chước. Khi bạn rửa xe, trẻ cũng muốn cầm giẻ rửa cùng bạn. Khi thấy anh đang làm bài tập về nhà, trẻ cũng sẽ xin giấy và bút để làm "bài tập về nhà" của mình. Trẻ thích thú khi chơi với đồ chơi xe đẩy mua hàng như ở siêu thị và bộ đồ chơi dụng cụ làm bếp. Đến 16 tháng, trẻ đã phát triển các kỹ năng vận động và khả năng nhận thức, không chỉ sao chép những gì người khác làm mà trẻ còn hiểu ý nghĩa những hành động bắt chước đó.

Bắt đầu tự tin

Đến một ngày, bạn sẽ nhận ra rằng trẻ không chỉ bắt chước những người xung quanh. Trẻ giả tiếng xe khi  lái xe đồ chơi của trẻ dọc theo hành lang. Trẻ giả tiếng chó sủa khi bò quanh chân bạn, hoặc dùng búp bê để thay thế người. Trẻ đội cái chảo trên đầu và coi đó là chiếc mũ mới của mình, hoặc lấy quả chuối giả làm điện thoại. Nói cách khác, bé ghi nhớ những gì đã nhìn thấy người lớn làm trước đây và bây giờ lặp lại.

“Trẻ từ 16 đến 18 tháng, chuyển từ trò bắt chước người lớn thành trò chơi giả vờ. Điều này có nghĩa là trẻ có khả năng tưởng tượng và nhận thức để giả vờ tưởng tượng vật này là vật khác. Điều đó cho thấy sự phát triển trong tư duy của trẻ”, Tiến sĩ Leeds cho biết và cũng lưu ý rằng: “Trò chơi giả vờ của trẻ là nền tảng cho việc học tập trong tương lai. Bởi vì môn đọc và viết chính là sự diễn đạt mang tính hình tượng. Vì vậy khả năng tưởng tượng là một bước phát triển quan trọng.”

Các mốc phát triển của trẻ

Trẻ biết làm gì:

  • Tháng thứ 16: đi cầu thang, bắt chước người khác, và hiểu hầu hết những gì bạn nói
  • Tháng thứ 17: nhớ những người đã gặp và nơi đã đến, biết lắc lư theo nhạc, và ném đi một quả bóng
  • Tháng thứ 18: Nhớ nội dung sách và sẽ phản đối nếu bạn cố tình bỏ sót trang khi đọc cho trẻ nghe, biết nói câu hai từ, và biết lấy vật này giả vờ làm vật khác.

Bài viết lần đầu được đăng trên tạp chí American Baby, tháng ba năm 2006.

Tác giả: Holly Robinson- một người mẹ năm con, sống ở ngoại ô Boston.

Bạn nên đọc
Quảng cáo