• Trang chủ
  • > Sách
  • > Dành cho mẹ
  • > Nói với con về em bé: khi con 3-7 tuổi
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Nói với con về em bé: khi con 3-7 tuổi

Nói với con về em bé: khi con 3-7 tuổi

  • Tác giả:
  • Thể loại: Dành cho mẹ
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 11/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Nhiều chuyên gia khuyên rằng trong trường hợp bạn muốn nói cho con nghe về cái thai của mình, nếu con bạn đang trọng độ tuổi từ 3-7 tuổi, thì bạn nên đợi đến khi thai đã ổn định, khoảng sau tháng thứ 3 khi mà nguy cơ sảy thai đã giảm, hoặc sau khi bạn lấy được các kết quả kiểm tra và khám sàng lọc trước khi sinh.

Khi nào nên nói cho con biết?

Tốt nhất bạn có thể đợi đến khi chiếc bụng to rõ ràng hơn bởi bé sẽ rất khó khăn để tưởng tượng ra được em bé lớn lên như thế nào khi mà bụng mẹ trông vẫn không khác so với trước. Tin tức quan trọng này bạn cũng nên cho bé biết khi bạn quyết định thông báo cho tất cả mọi người cùng biết bởi chắc chắn một đứa trẻ sẽ khó mà giữ bí mật và cũng sẽ không hay nếu bé lại được biết về đứa em sắp có thông qua một người hàng xóm hay người trong gia đình mà không phải từ chính bố mẹ.

Nếu bạn cần phải giải thích cho bé nghe vì sao bạn cảm thấy buồn nôn, đau nhức cơ thể hay mệt mỏi trước khi bạn muốn thông báo chính thức về cái thai, bạn có thể cứ trả lời đơn giản rằng bạn cảm thấy không được khỏe. Đừng nên cho bé biết rằng bạn bị mệt là do đang mang thai vì có thể bé sẽ đổ lỗi cho em bé trong bụng mẹ, vì em mà mẹ không thèm chơi đùa với bé nữa.

Khi bạn quyết định nói cho gia đình và bạn bè biết tin vui của mình, đó cũng là lúc bạn nên nói cho bé nghe. Chọn những thời điểm để thông báo việc mang thai khi bé cảm thấy vui vẻ, thoải mái và không phải đang đấu tranh với những thay đổi mệt mỏi, muộn phiền nào, chẳng hạn như khi bé vừa bắt đầu đi nhà trẻ hoặc vừa khỏi ốm… Hãy cứ để mọi thứ diễn ra tự nhiên như những lần bạn kể chuyện cho bé, và lần này sẽ là câu chuyện về đứa em bé bỏng đang “sống” trong bụng mẹ, chờ đợi ngày ra đời để cùng chơi với anh/chị của nó. Nếu được, nên có sự có mặt của cả bố mẹ và hãy dành nhiều thời gian để cho bé tiếp thu câu chuyện cũng như giải đáp những thắc mắc của bé.

Phải làm gì khi bạn bị sảy thai sau khi nói cho bé nghe?

Nếu không may sau khi bạn nói với bé về cái thai trong bụng nhưng sau đó lại bị sảy thai, bạn có thể giải thích cho bé rằng em bé trong bụng không thể lớn lên và không đủ khỏe mạnh để chào đời, và rằng không lâu nữa bạn sẽ cố gắng để có một em bé khác thêm lần nữa.

Cũng chẳng sao cả nếu bạn để cho bé thấy bạn buồn hay khóc một chút. Có thể bé cũng sẽ buồn và khóc theo mẹ nhưng chủ yếu là do bé bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của mẹ chứ không phải do bé cảm nhận được sự mất mát của mình như thế nào.Bạn có thể giúp bé điều chỉnh cảm xúc của mình bằng cách lắng nghe bé nói chuyện và tự chăm sóc lại bản thân mình cả về tinh thần lẫn thể chất để bé có thế thấy được bạn đang cảm thấy tốt hơn và vui vẻ trở lại.

Nên nói với con như thế nào về em bé?

Trước khi chính thức nói với con về em bé trong bụng mẹ, bạn có thể bắt đầu đặt trước những nền tảng cho câu chuyện của mình. Ví dụ như đọc cho bé nghe những truyện về em bé, về anh chị em, hoặc bạn chỉ cho bé những đứa em nhỏ của những em bé khác khi đi chơi ngoài đường và nói rằng “Rồi con cũng sẽ có thêm một đứa em nhỏ như vậy đó!”

Bé thường sẽ rất thích thú khi được nghe kể về bố mẹ khi còn nhỏ. Bạn có thể kể cho bé nghe về việc bạn đã trông chờ những đứa em nhỏ (tức cô, cậu của bé) ra đời như thế nào, có thêm người để chơi cùng đã vui hơn ra sao… Nếu bạn không nhớ nhiều chuyện lắm, bạn có thể dựng lên những câu chuyện thật thú vị và vui vẻ để giúp cho bé chuẩn bị sẵn tâm lý cũng như giải tỏa những lo âu, căng thẳng của bé với sự xuất hiện của thành viên mới trong gia đình sắp tới. Khi bạn nói với bé về việc sẽ có thêm một em bé, hãy sử dụng những từ ngữ tươi vui, tích cực, đơn giản và thẳng thắn để cho bé dễ hiểu nhất. Chẳng hạn như: “Có một em bé nhỏ xíu đang lớn lên trong bụng mẹ, chỉ không lâu nữa thôi con sẽ có một đứa em gái/em trai để chơi cùng rồi!”

Hãy nhớ rằng bé có thể sẽ không hiểu được phải mất thời gian dài thế nào trước khi em bé chào đời. Bạn có thể liên hệ khoảng thời gian sinh nở với những thứ quen thuộc hơn với bé, chẳng hạn như mùa thu năm sau, hay gần Tết, Giáng sinh…

Bé sẽ phản ứng thế nào với tin vui của mẹ?

Con bạn có thể sẽ không có phản ứng gì với tin tức vừa được nghe, hoặc cũng có thể trở nên phấn khích hay lo lắng một chút. Nếu bé tỏ ra phấn khích, bạn có thể để bé giúp bạn thông báo tin vui này cho ông bà hoặc các thành viên khác trong gia đình. Cho dù mọi người đã biết tin trước đó, nhưng việc này sẽ giúp cho bé cảm thấy mình là một nhân vật rất quan trọng khi được thông báo cho cả thế giới biết rằng bé sắp sửa có một đứa em.

Dựa trên phản ứng của bé, bạn có thể nói nhiều hơn về em bé hoặc chuyển chủ đề khác. Đừng để bé bị quá tải bởi những sự việc mà bé không hứng thú để nghe. Nếu bé tỏ ra bối rối hoặc không vui vì mình sắp có thêm em, mẹ hãy quan tâm hơn tới bé, hỏi han lắng nghe và dỗ dành để bé cảm thấy dễ chịu hơn. Bố mẹ hãy giải thích với bé rằng sự xuất hiện của em bé mới nhiều lúc khiến người ta vừa hạnh phúc mà cũng vừa lo lắng, không chỉ bé mới cảm thấy như vậy. Và chỉ một thời gian nữa thôi, rồi bé sẽ phát hiện ra rằng việc có thêm một đứa em nhỏ sẽ vô cùng vui vẻ, thú vị chứ không có gì đáng lo hay đáng sợ cả.

Bạn nên đọc
Quảng cáo