- Trang chủ
- > Sách
- > Bệnh trẻ em thường gặp
- > Ra sức cho uống oresol - sai mà không biết
- Cỡ chử:
- - Nhỏ
- + Lớn

Ra sức cho uống oresol - sai mà không biết
- Tác giả:
- Thể loại: Bệnh trẻ em thường gặp
- Nguồn:
- Ngày cập nhật: 08/08/2017
- Lưu vào tủ sách của tôi
- Chia sẽ:
Ép uống cho bằng được
Tiếp nhận cháu nhỏ Vũ Đình Vinh (2 tuổi), cháu trai đầu của gia đình anh chị Vũ Đình T., 27 tuổi (Thạch Thất, Hà Nội) mà chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Cháu mệt gần như chỉ nằm ngủ lim dim trên tay bố mẹ. Môi cháu khô cong và bong vẩy lên. Nhìn sắc diện của cháu mệt lả đi mà chúng tôi không khỏi xót ruột vì tình trạng mất nước mà cháu đang gặp phải. Chúng tôi còn ngạc nhiên hơn nữa khi được anh chị thông báo cháu mới bệnh được có 2 ngày. Lại trên tay anh chị là la liệt các gói oresol nên việc mất nước càng làm chúng tôi ngạc nhiên hơn. Dung dịch oresol là dung dịch bù nước và điện giải được sử dụng rộng rãi. Nhưng tại sao trong tay có nhiều dung dịch loại này mà cháu nhỏ vẫn mất nước. Hỏi ra thì té ngửa ra cách cho uống của anh chị rất phản khoa học.
Chuyện là con trai đầu của anh chị mới chỉ được 2 tuổi. Hôm trước bà có mang một số con lươn, chạch bảo là người dưới quê bắt ngoài đồng. Bà thấy ngon nên bà mua đem về cho cháu ăn. Cháu mới ăn được 1 bữa tối thì cháu bị nôn thốc nôn tháo sau đó 2 tiếng. Ban đầu cho cháu ăn cháu mới nôn, sau đó không cho ăn cũng nôn, đang ngồi chơi cũng nôn, uống sữa cũng nôn, uống nước cũng nôn.
Trong một đêm mà cháu nôn trớ lên tục đến 4 lần. Đến ngày hôm sau cháu lại nôn trớ thêm 10 lần nữa. Vốn là người hay tự chữa bệnh cho con, chị thấy bảo nôn trớ là mất nước, mất muối ghê lắm nên chị ra sức cho con uống oresol vào ngày hôm sau. Cứ thấy cháu nôn 1 lần là chị lại chạy đi lấy oresol để cho uống. Nhưng khốn thay cứ uống được ngụm oresol nào thì một lát sau cháu lại nôn trớ ra luôn. Hai mẹ con đánh vật nhau với nôn trớ và oresol. Cứ thế tiếp diễn trong 1 ngày liên tục. Số lần nôn trớ và sau đó là đi ngoài bao nhiêu lần thì chị không nhớ nữa. Chỉ nhớ 1 điều rõ ràng là cháu cứ mệt dần, không đi chơi, không chạy nhảy, nằm thiếp đi trên tay mẹ và môi khô cong lên. Hoảng quá, chị vội vàng bế con đi tới gặp chúng tôi. Cháu đã bị mất nước mức độ trung bình không do bệnh lý gây ra mà do chính cách chăm sóc chưa đúng gây ra, cụ thể ở đây là cách cho uống oresol.
Sai ở chỗ nào?
Nôn trớ là tống ra khỏi dạ dày dịch dạ dày và thức ăn. Trong đó có thành phần nước và điện giải. Tùy độ tuổi mà mỗi lần nôn trớ các cháu nhỏ thường tống ra khỏi dạ dày chừng 70-100ml thể tích dịch. Khi nôn trớ thì các cháu bị mất nước và điện giải là đúng. Mặc dù tình trạng mất nước và điện giải không nhiều bằng tiêu chảy cấp, nhưng nó đủ sức gây ra các rối loạn nước và điện giải cho trẻ nhỏ.
Mất nước và điện giải thì phải bù nước và điện giải. Điều đó cũng đúng luôn. Nhưng không phải là uống thế nào thì uống.
Gia đình anh chị Vũ Đình T. đã sai cơ bản ở chỗ này. Nôn trớ là phản ứng tống ra khỏi của dạ dày. Ngay sau phản ứng nôn trớ dạ dày thường bị kích thích mạnh. Nếu cho uống ngay sau lúc này thì sau đó bé lại nôn ra ngay. Càng uống càng nôn. Càng nôn càng khát. Càng khát càng thích uống. Càng thích uống lại càng nôn mạnh hơn. Đó là vòng xoáy luẩn quẩn. Hậu quả là mẹ ra sức hòa oresol, bé ra sức uống, nước và điện giải chưa kịp hấp thu vào cơ thể bé lại ra sức nôn. Kết quả chưa kịp đạt được thì lại tiếp thêm một lần mất nước và điện giải tiếp theo. Bé cứ thế lả dần đi mà bố mẹ không hay. Bản thân bệnh lý chưa gây ra nôn mức độ dữ dội như vậy nhưng do cách chăm sóc chưa đúng đã làm cho nôn dữ dội hơn và kết quả là bé bị mất nước càng ngày càng nặng.
Vậy thì phải cho bé bù nước và điện giải đúng cách.
Uống đúng cách là uống như nào?
Là uống đúng loại, đúng lượng, đúng lúc và đúng dạng pha chế.
Uống đúng loại là uống các dung dịch bù nước và điện giải. Cho uống nước trắng là sai lầm vì bé không thể hết khát, nên sẽ uống vô tội vạ chỉ làm cho muối bị loãng ra thêm càng gây ra thiếu muối nghiêm trọng. Uống sữa cũng kém hữu ích vì cơ thể chưa thể tiêu hóa sữa mà đang cần nước và muối hơn. Loại dung dịch bù nước và điện giải đúng nhất và phổ thông là gói bột tự pha dung dịch uống oresol. Trong gói này có chứa sẵn muối, đường và chúng ta chỉ cần cho nước vào pha là ổn. Có 3 dạng gói là gói hòa với 1 lít nước, 500ml nước và 250ml nước.
Uống đúng lượng là uống theo sự mất nước. Bé nôn trớ bao nhiêu lần thì bù nước ngần ấy dịch. Mỗi lần nôn trớ mất từ 70-100ml dịch tùy độ tuổi. Bạn cần bù tối thiểu ½-2/3 số dịch này là đạt yêu cầu. Lượng dịch này đủ ngăn chặn không cho biến chứng mất nước và điện giải gây ra. Sau đó sẽ tiến tới bù nước và điện giải đủ hoàn toàn. Như vậy với em bé 3 tuổi, nôn 10 lần thì lượng dịch mất khoảng 700ml. Bạn cần bù tối thiểu 350ml dịch cho bé. Sau đó tiến tới bù đủ 700ml.
Trong những trường hợp bé vừa có nôn trớ và vừa có tiêu chảy thì bạn cần cho uống theo lượng nước bị mất theo 2 con đường này. Tính theo mức độ mất nước thì bạn cần bù đủ lượng nước mất theo giá trị nếu là mất nước nhẹ thì bù nước với mức 50ml/kg. Mất nước mức độ vừa thì bù với lượng nước là 100ml/kg. Mất nước mức độ nặng thì cần điều trị tại bệnh viện và đa phần cần truyền dịch. Thế nào là mất nước mức độ nhẹ và vừa? Dựa theo cân nặng bị hao hụt. Nếu hụt dưới 5% khối lượng cơ thể thì mất nước mức độ nhẹ. Nếu hao hụt từ 5-10% khối lượng cơ thể thì mất nước mức độ vừa. Nếu mất từ 10-15% thì đó là mất nước mức độ nặng.
Uống đúng lúc là uống khi bé đã giảm phản ứng nôn trớ. Không nên cho bé uống ngay sau vào thời điểm nôn trớ vì bé sẽ bị nôn trớ ra ngay. Bạn cần cho bé uốn sau khi bé nôn từ 15-30 phút trở đi. Khi đó nhu động dạ dày đã tạm bình ổn và bé có thể tiếp nhận được. Bạn phải tính toán cho uống đủ làm sao trong 4h đầu tiên phải bù đủ lượng nước bé đã bị mất. Ví dụ, bé bị mất 500ml nước theo tính toán thì cần cho uống đủ từ 250-300ml nước trong vòng 4h đầu tiên. Nếu đạt được 500ml trong 4h đầu thì quá tốt. Bé không thể uống liền một lúc 500ml như người lớn được. Cách tốt nhất là cứ 5 phút bạn cho bé uống 1 thìa cà phê (tương đương với 5ml), như vậy trong 1h đầu tiên bạn đã cho bé uống được 60ml. Trong 4h đầu bạn sẽ bù được 240ml. Đây là mức dịch lý tưởng. Nếu không làm được thì cứ 15 phút bạn lại cho uống 10ml, tương đương với 2 thìa cà phê. Cứ thế tiếp diễn thì trong 4h đầu bạn sẽ bù được 200ml. Đây cũng là mức dịch chấp nhận được.
Bé không phải là chê không uống mà vồ lấy vồ để mà uống do bé đang khát. Bé sẽ đòi uống ngay sau khi nôn. Bé sẽ uống lấy uống để, uống cho bằng hết khát, uống vượt qua cả số dịch mà bố mẹ mong chờ. Nhưng bạn cần khống chế mức dịch bù vào theo quy định nếu không bé sẽ nôn trớ cho ra bằng sạch. Bạn nhớ là chỉ cho bé uống chỉ sau khi qua 15 phút tính từ lúc có phản ứng nôn trớ.
Nếu bé nôn trớ dữ dội, việc chỉ cho uống dung dịch oresol đơn thuần là rất vô ích. Bạn cần thiết lập uống oresol kết hợp với cho uống thuốc chống nôn. Uống thuốc chống nôn trước, tối thiểu được 30-45 phút. Sau đó mới thiết lập chế độ bù oresol.
Nếu bé không nôn trớ nhiều, bạn có thể cho bé dung dịch bù nước nhanh hơn. Cứ 5 phút bạn cho uống 2 thìa cà phê. Như vậy trong 1 tiếng đầu tiên bạn đã bù được 120ml. Trong 4h đầu tiên bạn đã bù được 480ml. Đây là mức dịch rất hoàn hảo.
Uống đúng loại dịch pha chế là đúng loại gói pha. Có 3 loại gói bột pha là 250ml, 500ml và 1 lít. Bạn không thể lấy gói hòa trong 250ml đem hòa với 500ml nước vì như vậy muối sẽ rất thiếu. Bạn cũng không thể lấy gói hòa cho 500ml đem hòa với 250ml nước vì như thế nước sẽ rất thiếu. Phải uống đúng loại thì mới có tác dụng.
Tất cả mọi gói oresol đã hòa ra thì chỉ dùng được trong 24h đầu tiên tính từ khi pha. Bạn không được sử dụng tiếp tục vì tiếc của sử dụng sang ngày thứ 2 vì như vậy bé sẽ bị tiêu chảy. Dung dịch này cũng không được bảo quản theo hình thức để ở trong tử lạnh và uống dần. Bạn nên tuân theo nguyên tắc 24h là an toàn.
BS. Yên Lâm Phúc