• Trang chủ
  • > Sách
  • > Sự phát triển của bé theo tuần
  • > Sự phát triển của bé sơ sinh tuần đầu tiên
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Sự phát triển của bé sơ sinh tuần đầu tiên

Sự phát triển của bé sơ sinh tuần đầu tiên

  • Tác giả:
  • Thể loại: Sự phát triển của bé theo tuần
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 13/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Vậy là thiên thần đã xuất hiện trong ngôi nhà nhỏ của bố mẹ - một thiên thần thật gần gũi thân thương và đáng yêu nhưng cũng khiến bố mẹ bối rối và vất vả nhiều... Tuy nhiên, những khó khăn sẽ giảm đi đáng kể nếu bố mẹ hiểu rõ hơn về bé và sự phát triển của bé. Vậy hãy cùng Webtretho chuẩn bị tinh thần nhé.

Bé chỉ thích nhìn bạn mà thôi

Ở khoảng cách quá 20 - 25cm, trẻ sơ sinh không thể nhìn rõ các vật, vậy nên bé chỉ có thể nhìn rõ gương mặt bạn khi bạn ẵm bé lên gần. Đừng lo nếu lúc đầu bé không nhìn thẳng vào mắt bạn vì khi này, bé sơ sinh có khuynh hướng hay nhìn vào lông mày, đường chân tóc và miệng bạn khi bạn trò chuyện. Tuy nhiên trong vòng tháng đầu tiên, khi đã nhận biết được bạn rồi, bé sẽ thích giao tiếp bằng mắt với bạn nhiều hơn.

Trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với ánh sáng và có thể nhìn nhận 3 chiều. Bạn để ý sẽ thấy bé chớp mắt khi bạn đưa 1 món đồ lại gần mắt bé. Các nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh thích nhìn gương mặt hơn các hình thù hay màu sắc. Những vật chuyển động, có màu sáng, độ tương phản cao như trắng và đen rất hấp dẫn với bé nhưng vẫn không thể bằng khuôn mặt của bạn đâu. Bạn hãy ẵm con lên gần để cho bé có cơ hội nhìn và nhận ra các đặc điểm riêng của gương mặt bạn. Khi bạn hay chồng/vợ bạn cho bé uống sữa, bạn có thể chầm chậm nghiêng đầu qua trái qua phải để xem bé có nhìn theo không. Bài tập này giúp luyện cơ mắt cho bé. (Đừng lo lắng nếu mắt con có vẻ bị lác (lé). Điều này là bình thường với mắt trẻ sơ sinh trong tháng đầu tiên hay sau đó một chút.). Cũng ngay từ bây giờ, bằng trực giác, bé sơ sinh đã có thể nhận diện khuôn mặt cũng như những cử chỉ, thậm chí đôi khi còn có thể bắt chước theo. Hãy thử kề mặt bạn lại gần mặt bé, và làm một số cử chỉ như thè lưỡi hay nhướng mày lên vài lần rồi chờ xem bé có bắt chước không. Ngay cả khi con bạn chưa bắt chước lại thì thật ra bé vẫn đang rất chú ý và học hỏi. Nếu bạn tương tác với con và bé không có vẻ phản ứng gì cả thì cũng đừng lo lắng. Có thể bé đang buồn ngủ hoặc đang choáng ngợp trước nhiều thứ mới lạ và cần nghỉ ngơi đấy thôi.

Vấn đề cân nặng

Nếu cho con bú sữa mẹ, bạn có thể băn khoăn không biết bé đã bú đủ hay chưa vì dường như lúc nào cũng thấy bé có vẻ đói bụng cả. Có thể lắm, vì sau khi bú xong khoảng 2-3 tiếng là bé đã “tiêu hóa” xong số sữa đó rồi. Một số dấu hiệu để nhận biết bé đã bú đủ: Sau khi cho bé bú, bạn sẽ có cảm giác như sữa được rút cạn, ngực mình nhẹ hơn; da bé có màu sắc tươi tắn và khi bạn thử ấn nhẹ da bé bạn sẽ cảm nhận sự đàn hồi của da (da sẽ không đàn hồi nếu bị thiếu nước); bé phát triển cả cân nặng và chiều dài; bạn có thể nghe thấy tiếng bé nuốt khi bú mẹ (trong không gian yên tĩnh); bé đi phân vàng hoặc phân đen đều đặn và một ngày tè ướt tối thiểu 5 đến 6 cái tã giấy (hoặc 8 đến 9 cái tã vải). Dù bạn đang nuôi con bằng sữa mẹ hay sữa công thức thì cũng nên nhớ rằng mỗi đứa trẻ có một tốc độ tăng trưởng khác nhau, và sẽ có một vài khoảng thời gian bé tăng trưởng chậm lại. Ngoài ra, nếu lúc chào đời con đã nặng ký sẵn thì tốc độ tăng trưởng của bé sẽ chậm hơn một chút để đạt cân nặng và kích thước phù hợp với độ tuổi.

Nếu bé tăng trưởng đúng chuẩn, nhìn khỏe mạnh và vui vẻ thì thường là bé đang phát triển tốt. Nhưng nếu đi khám định kỳ mà bác sĩ nói bé tăng trưởng có vấn đề thì có thể bé đã bú không đủ, cơ thể bé không hấp thu đủ dinh dưỡng hoặc chuyển hóa dinh dưỡng có vấn đề. Vài ngày đầu sau khi sinh, bé sẽ đi ngoài ra phân su (phân đặc và có màu xanh đậm) – đó là một chất có trong ruột của bé từ lúc còn nằm trong bụng mẹ. Khi bé bắt đầu bú sữa, phân su sẽ dần hết và chuyển sang màu vàng, nhưng màu sắc của phân có thể thay đổi từng ngày tùy vào loại thực phẩm mà mẹ ăn vào nếu bé bú mẹ hoặc tùy vào lượng và loại sữa công thức mà bé được uống, cũng như tùy thuộc vào việc bé có được cung cấp đủ nước thông qua lượng sữa bú vào hay không. Một ngày trẻ sơ sinh có thể đi ngoài từ 8 đến 12 lần, và cũng có thể chỉ một lần. Phân của trẻ bú mẹ sẽ mềm hơn trẻ bú sữa công thức, có thể nhìn giống như bị tiêu chảy vậy.

Cho con nằm sấp

Trẻ sơ sinh ngủ rất nhiều, và để tránh nguy cơ bị đột tử trong lúc ngủ, tư thế ngủ an toàn nhất là nằm ngửa. Tuy nhiên khi bé thức - càng về sau thời gian thức của bé càng nhiều hơn - bạn cần cho bé nằm sấp. Bé cần được nằm sấp mỗi ngày để cổ cứng cáp hơn. Vậy bạn hãy bắt đầu cho bé làm quen với tư thế này ngay bây giờ, nếu không, để thêm một thời gian nữa thì bé có thể sẽ không chịu đâu.

Cuộc sống của bạn: Những phiền toái khi cho con bú

Khoảng từ 2 đến 4 ngày sau khi sinh, sữa của bạn mới về, làm ngực căng lên và có thể gây đau nhức. Sữa tiết ra trước đó được gọi là sữa non, rất tốt cho bé. Sự thay đổi quan trọng này đôi khi lại gây ra một tác dụng không mong muốn cho các bà mẹ trẻ: Bạn có thể cảm thấy hơi hơi, hoặc khá khó chịu. Vì sao? Cơ thể bạn đang thúc đẩy các tuyến sữa tạo ra và vận chuyển sữa đến tập trung ở vú, trong khi bạn vẫn chưa quen với cảm giác bé mút vú mẹ, chưa kể nồng độ hormone sụt giảm rất nhiều sau khi sinh.

Ngực bạn có thể nhạy cảm, đau và nóng, có thể còn bị sưng và nhức nữa. Nhưng đừng vì đau mà nghĩ rằng mình không thể cho con bú nhé, tình trạng này sẽ biến mất khi cơ thể bạn đã quen dần. Trong khi chờ đợi bạn có thể tham khảo một vài cách giảm đau sau đây:

Tắm nước nóng

Dùng khăn ngâm vào nước nóng, vắt khô rồi đắp lên ngực trước khi cho bú

Nặn bớt một ít sữa ra trước khi cho bé bú. Ngực căng quá làm bé khó ngậm vú mẹ đúng tư thế, bé sẽ phải cố nhiều hơn để bú được sữa và sẽ càng làm cho bạn đau hơn.

Mặc loại áo ngực đặc biệt dành cho các bà mẹ con bú. Có nhiều người mặc cả lúc đi ngủ.

Cho bé bú đều đặn mỗi 2 hoặc 3 giờ. Càng cho bé bú thường xuyên, ngực bạn sẽ đỡ đau hơn.

Uống nhiều nước để cơ thể bạn không bị thiếu nước và giúp duy trì nguồn sữa.

Thay phiên cho bé bú cả 2 bên.

Đắp khăn lạnh lên ngực sau khi cho bé bú.

Bạn nên đọc
Quảng cáo