• Trang chủ
  • > Sách
  • > Sự phát triển của bé theo tuần
  • > Sự phát triển của bé sơ sinh tuần thứ 2
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Sự phát triển của bé sơ sinh tuần thứ 2

Sự phát triển của bé sơ sinh tuần thứ 2

  • Tác giả:
  • Thể loại: Sự phát triển của bé theo tuần
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 13/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Tuần đầu tiên làm quen với môi trường ngoài bụng mẹ, bé đã học được rất nhiều: biết thở, biết ăn bằng chính cơ thể mình. Tuần thứ hai tiếp tục là lúc bé khám phá một thế giới hoàn toàn mới lạ. Và không chỉ có bé, mẹ cũng sẽ phải đối mặt với những điều rất mới mà bé mang đến, cả niềm hạnh phúc lẫn những vất vả.

Một thế giới hoàn toàn mới

Ở trong bụng mẹ thật ấm cúng nên giờ phải mất một thời gian bé yêu của bạn mới làm quen được với những khung cảnh, âm thanh và cảm giác khác nhau của cuộc sống bên ngoài. Thời gian này bạn chưa thể nhận ra được cá tính của con đâu, vì bé hầu như chỉ ngủ, thời gian thức khá ít và cũng chưa hoạt động nhiều. Bạn có thể nhận thấy con thường trở nên khó chịu và quấy vào cuối ngày. Điều này bình thường thôi, có thể do bé bị choáng ngợp trước những hình ảnh và âm thanh mới lạ. (Ngay cả khi nhà bạn khá yên tĩnh thì vẫn có rất nhiều thứ mới mẻ đối với bé.) Nghe một âm thanh lạ cũng có thể khiến nhịp tim của bé thay đổi, khi đó, bạn hãy mát-xa, ôm ấp hoặc đu đưa nhè nhẹ để giúp bé dịu lại.

Bé mới chỉ biết dùng cách khóc để giao tiếp với bạn thôi nhưng bạn có thể giao tiếp với bé thông qua giọng nói và cử chỉ vuốt ve. (Bây giờ bé đã có thể phân biệt được giọng nói của bạn với những người khác.) Khi nghe thấy giọng hoặc nhìn thấy bạn, bé có thể kêu “a, a,” và nếu trong phòng có đông người, bé sẽ luôn đưa mắt tìm kiếm bạn. Bé cũng thích được ẵm, vuốt ve, hôn, mát-xa.

Rốn của bé

Sau khi bé chào đời, bác sĩ sẽ cắt dây rốn cho bé, chừa lại phần cuống rốn. Bạn để ý sẽ thấy một vài tuần sau đó, cuống rốn sẽ rụng. Trong khi cuống rốn chưa rụng bạn nên dùng khăn nhúng nước để tắm cho con thay vì nhúng cả người bé xuống nước để giữ cho vùng rốn khô ráo. Khi cuống rốn rụng hẳn bạn sẽ được nhìn thấy chiếc rốn xinh xắn của con yêu.

Khóc dạ đề

Nếu suốt 3 tuần, tuần nào con bạn cũng khóc hơn 3 tiếng đồng hồ trong 3 ngày liền và bác sĩ không tìm ra nguyên nhân, thì rất có thể đó là bé khóc dạ đề - tức bé khóc không rõ nguyên nhân, không dỗ được dù bé hoàn toàn khỏe mạnh.Khi khóc dạ đề, bé có thể thật sự khó chịu, hết duỗi rồi lại co chân lên và "xì hơi". Bé có thể khóc và tỏ ra khó chịu bất cứ lúc nào trong ngày nhưng thường nhiều nhất là từ 6 giờ tối đến nửa đêm. Rất may là khóc dạ đề không kéo dài lâu. 60% các bé sẽ hết sau tháng thứ 3, 90% hết sau tháng thứ 4.

Cuộc sống của bạn: Rối loạn tâm lý sau sinh

Nghe có vẻ ngược đời vì vào khoảng thời gian bạn nghĩ mình sẽ vô cùng hạnh phúc thì bạn lại thấy tinh thần mình sa sút, mệt mỏi, dễ cáu giận, dễ bị tổn thương. Thực tế có nhiều lý do khiến cho một nửa số phụ nữ mới được làm mẹ bị chứng rối loạn sau sinh.

Nguyên nhân: Trong suốt tuần đầu ở nhà với bé, bạn rất dễ bị stress vì thiếu ngủ, vì cơ thể chưa hồi phục sau cuộc vượt cạn, rồi bạn phải chăm con nhưng chưa đủ kinh nghiệm và không có ai phụ giúp. Việc thay đổi nội tiết tố sau khi sinh cũng ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn, đặc biệt nếu bạn từng bị hội chứng tiền kinh nguyệt. Quan điểm cho rằng người mẹ làm được tất cả (mà không cần nhờ ai giúp đỡ) và rằng phụ nữ mới sinh phải cảm thấy hạnh phúc càng làm cho bạn căng thẳng hơn. Bạn cần biết rằng tâm trạng ấy là hoàn toàn bình thường. Hãy chia sẻ cảm xúc với những người thân yêu mà bạn tin tưởng như chồng, cha mẹ, họ hàng hay một người bạn thân; trò chuyện với các bà mẹ mới sinh khác (trực tiếp hay trò chuyện qua mạng) cũng sẽ giúp bạn thấy mình không đơn độc.

Tranh thủ dành thời gian cho bản thân. Nhờ chồng hoặc ông bà trông bé để bạn có thể ghé thăm bạn bè, đi mua sắm, hoặc đơn giản chỉ để có thời gian thư giãn trong lúc tắm. Bạn cũng có thể ẵm con ra ngoài trời chơi hoặc đi dạo, hít thở không khí trong lành cho thư thái.

Tạm dẹp công việc sang bên. Thật đấy! Nên nhớ rằng bạn đang nghỉ thai sản. Hãy tắt điện thoại, tránh sử dụng máy tính và dành thời gian này để thắt chặt tình cảm với gia đình.

Nhờ trợ giúp nếu tình trạng này kéo dài hơn 2, 3 tuần vì khi đó có thể bạn đã bị “trầm cảm sau sinh”. Có đến 20% phụ nữ mới sinh bị tình trạng nghiêm trọng này. Bạn hãy tìm đến bác sĩ ngay nếu thấy mình có bất cứ triệu chứng nào sau đây: mất ngủ, dễ khóc, buồn bã kéo dài, không quan tâm hầu như tất cả mọi thứ, khó tập trung, thay đổi khẩu vị, lo lắng, luôn cảm thấy mình có lỗi, hoảng loạn (triệu chứng bao gồm tim đập nhanh, chóng mặt, rối loạn, cảm thấy khổ sớ), hoặc nghĩ đến việc tự sát. Bị trầm cảm sau sinh không có nghĩa bạn là một người mẹ không tốt, nhưng bạn hãy tích cực chữa trị nhé, vì tinh thần có khỏe mạnh thì bạn mới sống vui vẻ và chăm bé tốt được.

 

Bạn nên đọc
Quảng cáo