• Trang chủ
  • > Sách
  • > Phát triển thể chất
  • > Tại sao bú mẹ hoàn toàn nhưng bé không cứng cáp?
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Tại sao bú mẹ hoàn toàn nhưng bé không cứng cáp?

Tại sao bú mẹ hoàn toàn nhưng bé không cứng cáp?

  • Tác giả:
  • Thể loại: Phát triển thể chất
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 05/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng phù hợp nhất, có lợi nhất cho sự phát triển của bé cả về thể chất và trí não. Thế nhưng, cùng được bú mẹ hoàn toàn, tại sao có bé cứng cáp có bé thì lại không? Phải chăng có sữa mẹ "tốt hơn" và có sữa mẹ "chưa tốt"?

Câu trả lời là không có sữa mẹ nào là không tốt cả, sữa mẹ không khác nhau, mà chỉ khác ở sự tiếp nhận, hấp thu và "phát huy" những dưỡng chất có trong sữa mẹ ở mỗi bé là khác nhau. 

Trước hết, cách đánh giá một bé là "cứng cáp" hoàn toàn mang tính tương đối. Khi coi bé này là cứng cáp hơn bé kia thì có lẽ mẹ đang có ý nói tới việc: bé mọc răng sớm, bé biết lẫy/ngồi/bò/đi sớm hoặc bé mập hơn bé khác chăng? Nếu vậy thì điều này hoàn toàn không có ý nghĩa gì vì các bé vốn khác nhau, không có bé nào là giống bé nào.

Mỗi bé có một tiết điệu phát triển khác nhau, có bé sớm cứng cổ và chỉ hơn 2 tháng là lẫy được, nhưng cũng có bé hơn 4 tháng mới lẫy. Điều đáng nói là cả 2 bé đều được coi là hoàn toàn bình thường, không có bé nào "cứng cáp" hơn bé nào, không có bé nào "giỏi giang" hơn bé nào. Chẳng qua là cơ thể của bé có sự "lập trình" để tới thời điểm đó bé sẽ thực hành kỹ năng lẫy. Mặc dù có những tổng kết về các mốc phát triển như "3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi" nhưng nếu bé làm được kỹ năng đó sớm hơn hay trễ hơn những mốc này thì cũng vẫn hoàn toàn bình thường, không liên quan đến việc bé có khỏe hay không, hay là "có cứng cáp" hay không.

Việc bé mọc răng cũng vậy, khi mới sanh ra đời, bộ răng sữa của bé đã có sẵn ở đó rồi, còn chuyện chừng nào từng cái răng trong bộ răng đó mọc lên thì khó ai biết được. Ngay cả khi 1 tuổi mà bé vẫn chưa mọc răng thì cũng hoàn toàn không phải vì bé "không cứng cáp".

Về chiều cao cân nặng, cần phải xét đến chiều cao cân nặng của bé khi mới sinh (bé sinh ra 2,8 kg thì sao đòi hỏi phải tăng cân y chang bé sinh ra 3,5 kg?), và yếu tố di truyền nữa (cha mẹ thấp, nhỏ thì làm sao yêu cầu con thật cao lớn?) chứ không phải bé nào cũng phải có chiều cao cân nặng như nhau. Đâu phải mẹ nào đến năm 25 tuổi cũng phải nặng đúng 48 kg và cao đúng 1m58? Vậy thì sao lại bắt buộc bé đến khi 5 tháng phải nặng đúng 7 kg và cao đúng 65 cm? Ngoài ra, nếu mẹ cho bé bú nhiều sữa trước mà bé không bú được sữa sau thì cũng ảnh hưởng đến việc tăng cân của bé. 

Nhưng bên cạnh đó, việc "cùng bú mẹ hoàn toàn" là chưa đủ để đánh giá sự tương đồng giữa 2 bé, mà cần đánh giá việc chăm sóc bé chứ không phải cho bú như nhau là đủ. Ví dụ, ngoài việc cho bé bú mẹ hoàn toàn, ta cần xét tới: 

Bé có được chơi ngoài trời hàng ngày để cơ thể tổng hợp vitamin D hay không? Thiếu vitamin D thì dù sữa mẹ rất giàu canxi nhưng cơ thể bé không hấp thụ được

Bé có được tạo điều kiện để tự do vận động rèn luyện cơ bắp hay không, hay là bé được ông bà cha mẹ bế ẵm cả ngày khiến bé không có cơ hội "tập thể dục"

Bé có được tạo điều kiện ngủ sớm và ngủ đủ giấc hay không hay là bé thức khuya quá làm ảnh hưởng đến sự phát triển của bé, vì hóc môn tăng trưởng tiết ra nhiều nhất vào khoảng 11h đêm, do vậy những bé đi ngủ trễ sẽ không có được sự phát triển tốt nhất.

Tóm lại, còn rất nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của bé chứ không phải cứ bú mẹ như nhau là sẽ phải phát triển như nhau. 

Bạn nên đọc
Quảng cáo