- Trang chủ
- > Sách
- > Bệnh trẻ em thường gặp
- > Bảo vệ con trong mùa dịch: Phân biệt sốt xuất huyết và sốt siêu vi
- Cỡ chử:
- - Nhỏ
- + Lớn

Bảo vệ con trong mùa dịch: Phân biệt sốt xuất huyết và sốt siêu vi
- Tác giả:
- Thể loại: Bệnh trẻ em thường gặp
- Nguồn:
- Ngày cập nhật: 08/08/2017
- Lưu vào tủ sách của tôi
- Chia sẽ:
Sốt xuất huyết đang vào mùa dịch, muỗi vằn đã tấn công vào nhiều thành phố lớn. Phòng tránh bệnh là việc rất nên làm, tuy nhiên, chúng ta cũng cần trang bị kiến thức để phát hiện bệnh sớm nhằm điều trị kịp thời. Sốt xuất huyết thường rất hay bị nhầm lẫn với sốt siêu vi, việc không phân biệt được 2 loại sốt này có thể gây khó khăn cho việc điều trị, thậm chí nếu không điều trị kịp thời có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Vậy, phân biệt 2 loại sốt này thế nào?
Thế nào là sốt xuất huyết và sốt siêu vi?
Sốt xuất huyết hay chính xác hơn là sốt xuất huyết do virus là một nhóm các bệnh do một số họ virus gây ra. Phổ biến nhất là sốt xuất huyết Dengue. Sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm lây truyền do muỗi thường gặp nhất ở người. Trong những năm gần đây bệnh đã trở thành mối quan ngại lớn đối với sức khỏe cộng đồng trên bình diện quốc tế. Muỗi vằn là vật trung gian truyền bệnh, đây là loại muỗi sống ở những nơi bùn lầy nước đọng chung quanh nhà, hoặc các nơi ẩm thấp tối tăm trong nhà. Biểu hiện là xuất huyết da, niêm mạc và trụy tim mạch, dễ đưa đến tử vong nếu điều trị không kịp thời và không đúng mức.
Sốt siêu vi là thuật ngữ chỉ chung những trường hợp sốt do nhiễm các loại siêu vi trùng (virus) khác nhau. Một số trường hợp sốt siêu vi có thể chẩn đoán rõ ràng nhờ đặc điểm dịch tễ và các biểu hiện của bệnh. Nhiều trường hợp khác không thể chẩn đoán nguyên nhân. Hầu hết các trường hợp sốt siêu vi có biểu hiện đau đầu, đau nhức mình mẩy và nổi ban. Loại bệnh này chỉ điều trị triệu chứng như hạ sốt, chống mất nước, nghỉ ngơi, cách ly tránh lây nhiễm để tránh bùng phát dịch bệnh. Phần lớn sốt siêu vi không nguy hiểm và có thể tự hết, tuy nhiên cũng có một số bệnh nhanh chóng đưa đến tử vong đặc biệt là đối với trẻ em.
Triệu chứng của sốt xuất huyết và sốt siêu vi khác nhau thế nào?
Sốt xuất huyết gồm 2 triệu chứng chính là sốt và xuất huyết. Biểu hiện sốt của bệnh sốt xuất huyết thường khiến người bệnh nhầm lẫn với sốt siêu vi. Nhưng nếu quan sát kỹ, chúng ta có thể phân biệt được.
Biểu hiện của sốt xuất huyết là sốt cao 39 – 40 độ C, bệnh kéo dài liên tục từ 2 – 7 ngày, khó hạ sốt. Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh bị đau nhức hai bên thái dương và sau gáy, đau nhức hai bên hốc mắt. Bên cạnh đó, người bệnh cũng xuất hiện triệu chứng ho khan, rát họng…
Trong khi đó biểu hiện của sốt siêu vi là sốt theo từng cơn và sốt ở nhiệt độ cao từ 38 – 39 độ C, thậm chí có lúc là 40 – 41 độ C. Người bị sốt siêu vi thường chảy nước mũi, hắt hơi, viêm đường hô hấp. Các hạch khu vực đầu, mặt, cổ thường sưng to, mắt đỏ, chảy nước mắt…
Tuy nhiên, ở các trẻ, do chưa thể mô tả rõ những triệu chứng, những cảm nhận của cơ thể mình cho người lớn nên việc nhận biết những triệu chứng này là rất khó. Do vậy, trong mùa dịch sốt xuất huyết, nếu thấy bé có những biểu hiện nóng sốt kèm theo mệt mỏi, biếng ăn biếng chơi, mẹ hãy cho bé đi khám kịp thời.
Ngăn ngừa dịch sốt xuất huyết lan rộng
Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng bệnh vì vậy cách phòng bệnh tốt nhất là kiểm soát vật trung gian gây bệnh bằng cách giảm thiểu các khu vực có nước đọng, là nơi đẻ trứng của muỗi. Đậy kín các dụng cụ chứa nước, giảm tối đa các vật dụng có thể chứa nước mưa (lốp xe cũ, chén bát cũ...), hay nước sạch như bình bông, bàn cầu trong các phòng trống không có người ở, hầm nước ở các chung cư. Có thể dùng các loại sinh vật trong nước tiêu diệt trứng của muỗi. Trong thời điểm dịch, đôi khi phải cần đến phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng.
Các phương pháp bảo hộ cá nhân như mặc tất, vớ dài, dùng thuốc xua muỗi,... cũng nên được áp dụng.