• Trang chủ
  • > Sách
  • > Ăn dặm
  • > Bảy chiêu để con hết kén ăn
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Bảy chiêu để con hết kén ăn

Bảy chiêu để con hết kén ăn

  • Tác giả:
  • Thể loại: Ăn dặm
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 03/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Là một người thích nấu ăn, tôi thật sự rất muốn các con tôi ăn khỏe, thậm chí là sành ăn. Tôi muốn con háo hức mỗi khi đến giờ ăn, hớn hở nếm thử món mới và đưa ra lời nhận xét với mẹ. Tôi cũng muốn con có khẩu vị riêng, không kén ăn món nào, cởi mở trong việc nếm những món ăn mới của những nền văn hóa ẩm thực khác nhau, chấp nhận những khác biệt trong thói quen ăn uống và không bảo thủ trong lĩnh vực này. Vì vậy tôi và chồng đã bàn bạc thảo luận và lên một kế hoạch để giúp con trở thành một đứa trẻ sành ăn, hay ít nhất là không kén ăn.

1. Mẹ không phải đầu bếp phục vụ mình con

Nhiều chuyên gia dinh dưỡng đã nhắc đi nhắc lại một sự thật hiển nhiên rằng: trẻ sẽ không bị bệnh hoặc nhịn ăn vĩnh viễn nếu con từ chối một hoặc hai bữa ăn; nhưng cha mẹ đôi khi hành động như thể con sẽ teo lại và chết. Vì thế, hầu hết các bậc cha mẹ cứ cố ép con ăn bằng mọi giá. Tuy nhiên, càng chiều chuộng hay ép uổng, con sẽ càng làm mình làm mẩy trong các bữa ăn.

Hãy để bữa ăn diễn ra bình thường, như một lẽ tự nhiên và con phải hiểu rằng, mẹ không phải đầu bếp phục vụ một mình con. Vào giờ ăn, các món được dọn ra bàn và tôi nói với các con hôm nay có những món gì, con có quyền không ăn, nhưng còn cũng không có thứ gì khác để ăn nữa. Lưu ý rõ là, trong nhà không có sẵn đồ ăn trong tầm tay con; con phải hiểu: không ăn bữa này, con sẽ phải chờ đến bữa tiếp theo mới có đồ ăn.

2. Phát triển vị giác cho con bằng hương vị

Trẻ em có vị giác tinh tế hơn người lớn, vì thế, khi cho con ăn dặm, tôi đã cố gắng giữ lại nhiều hương vị tự nhiên của thực phẩm nhất và nêm nếm rất ít. Khi con đã có thể tự ăn, ngồi ăn cùng gia đình, tôi bắt đầu cho thêm nhiều hương vị vào cho món ăn, tất nhiên không phải là cho thật nhiều muối và đường.

Một chút tỏi hay hành, ngò, các loại rau thơm có thể khiến cho món ăn thơm ngon hơn, và con sẽ ngay lập tức nhận ra điều đó bởi khẩu vị và cái mũi rất thính của mình.

Những món phù hợp sẽ được nấu cùng nhau để con hiểu thêm về cách dùng hương vị cho từng loại thực phẩm. Tôi cho rằng, sành ăn là ở đó.

3. Chiến thuật cho các món rau

Các món rau thường bị trẻ con ghét bỏ; có ai tự đặt câu hỏi vì sao chưa? Thật ra rau không hề dở, và cũng chẳng thể tự nhiên bị ghét, phần lớn lý do là ở thái độ của người lớn chúng ta.

Một khi bố mẹ cứ cố ép con ăn rau, con sẽ cố tình chống đối lại - như một cách thể hiện sự độc lập hay cá tính của mình. Thường thì trong những cuộc chiến như thế, bố mẹ là người thua cuộc.

Hãy đối xử bình thường với rau như những món khác, đôi lúc còn áp dụng tâm lý, ra điều kiện với con. Con phải thế này, phải thế kia… mới được ăn rau. Hoặc bảo ăn rau thì sẽ thế này thế nọ - với thái độ bất cần để con tò mò phải ăn cho biết. Càng giấu kín, rào kỹ, ngăn cản, con sẽ càng tìm cách để được ăn rau.

Trẻ con thật là thú vị phải không nào?

Ngoài ra, rau cũng nên là món được dọn lên đầu tiên trong bữa ăn. Lúc này, con đang đói ngấu nghiến, con có thể ăn hết phần rau mà không phàn nàn gì.

4. Cả nhà cùng ăn tối

Một bữa ăn chung sẽ đem đến cho con rất nhiều điều hữu ích. Con cảm nhận được không khí ấm áp của gia đình, con nói chuyện với bố mẹ, con phát triển được vốn từ vựng và chia sẻ được với cả nhà những câu chuyện của mình.

Hãy để chuyện ngồi vào bàn ăn như một chuyện tự nhiên nhất trên đời, đừng hối thúc, đừng ép uổng, đừng dọa nạt. Đến bữa, ai cũng ngồi vào bàn và bắt đầu ăn. Bố mẹ có thể khen vài món ngon như thế nào. Nếu con muốn rời bàn, đừng cản. Chỉ cần thỏa thuận với con là, con có quyền không ăn, nhưng con cũng không có gì để ăn nữa. Và con được phép quay lại bàn khi mọi người vẫn còn ăn, chứ không có bữa riêng cho con, tức là không có ngoại lệ ở đây (giống điều 1.).

Khi con rời khỏi bàn, chơi gì đó hay vào phòng riêng, con đang muốn gây sự chú ý đặc biệt. Bố mẹ đừng cầm chén chạy theo con nhé. Hãy ăn uống bình thường. Một khi nhận ra mục đích gây chú ý không đạt được, con sẽ quay lại bàn ăn sớm thôi.

5. Con có quyền thử một miếng

Bị buộc phải ăn một món gì đó khiến nó dở tệ gấp 1.000 ngàn vị thật của nó; đấy là do tâm lý. Và chuyện con ăn trong khủng hoảng có thể làm con nôn sau đó, ghét món ăn đó và ghét luôn chuyện ăn uống, cho nên cha mẹ đừng ép con ăn. Với những món ăn mới, cho con thời gian để thích nghi. Con có quyền thử một miếng và nói lên cảm nhận của mình chứ. Đó là sự công bằng trong gia đình. Nhận xét của con đôi khi sẽ giúp mẹ lên tay trong chuyện bếp núc nữa ấy chứ!

6. Đặt điều kiện

Nếu không ăn hết phần này, con sẽ không được ăn món tráng miệng.

Đó là một trong những điều kiện rất có hiệu quả với trẻ con. Trước đó, hãy đảm bảo rằng những món tráng miệng của mẹ vô cùng hấp dẫn, dù đôi lúc nó chỉ là trái cây ướp lạnh hay sữa chua với trái cây cắt nhỏ mà thôi.
Thêm một chiến thuật nữa: tạo sự cạnh tranh.

Mẹ thấy con chưa đụng vô miếng gà nào hết? Mẹ chuyển miếng gà cho anh/chị/em của con nhé?

Thái độ bình thản và tự nhiên, không hề mang ý đe dọa nhé các mẹ. Con sẽ lên tiếng khẳng định chủ quyền của mình ngay, và giống như để khẳng định điều đó, con sẽ ăn sạch sành sanh dĩa của mình.

7. Chừa bụng cho món tráng miệng

Công bằng mà nói thì, món kem hay sữa chua trái cây bao giờ cũng hấp dẫn. Các loại bánh cũng thế. Những món ăn này làm cho cuộc sống trở nên ngọt ngào và dễ chịu hơn. Người lớn còn thích, thì không thể trách trẻ con sao lại mê các món tráng miệng đến thế. Đừng ép con ăn quá nhiều, hãy cho con ăn vừa đủ và chừa bụng cho món tráng miệng nữa.

Như thế, bữa ăn sẽ trôi qua trong nhẹ nhàng và vui vẻ, đặc biệt con sẽ luôn háo hức cho đến tận cuối bữa ăn.

 

Bạn nên đọc
Quảng cáo