• Trang chủ
  • > Sách
  • > Nuôi con bằng sữa mẹ
  • > ‘Cai sữa cho con – hãy để tự nhiên làm công việc đó’
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
‘Cai sữa cho con – hãy để tự nhiên làm công việc đó’

‘Cai sữa cho con – hãy để tự nhiên làm công việc đó’

  • Tác giả:
  • Thể loại: Nuôi con bằng sữa mẹ
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 02/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
"Chỉ mong các mẹ nhớ đến hạnh phúc vô bờ bến của hai mẹ con trong việc cho con bú mẹ trước khi quyết định cai sữa cho con", nhà thơ Đinh Hoàng Anh chia sẻ về chuyện cho con bú đến khi 7 tuổi của mình.

Chào nhà thơ Đinh Hoàng Anh, được biết chị là bà mẹ không có khái niệm cai sữa cho con, khi bé Gấu mãi tận đến khi 7 tuổi mới thôi bú mẹ. Tại sao chị lại không có ý định đó?

Khi sinh con, mình có khá nhiều sữa, tuy nhiên trong những ngày đầu sữa về chưa nhiều, cũng hay bị tắc. Thỉnh thoảng vẫn cho Gấu bú thêm sữa ngoài. Nhưng Gấu không thích bú bình lắm. Nên sau một tháng khi sữa mẹ về đều đặn, Gấu tự bỏ bú bình. Khi đưa bình vào miệng, Gấu chỉ ngậm, nhay nhay chứ không bú. Và cho đến 3 tuổi Gấu rất ghét các loại sữa bột. Mãi sau này mới tập uống dần dần, nhưng cũng hay bị nôn.

Về khái niệm cai sữa, thực lòng mình không có quan điểm gì đặc biệt, nhưng mình sống theo cảm nhận. Cảm nhận của mình rất mạnh, nên khi Gấu hai tuổi, mọi người bảo hãy cai sữa, mình đắn đo mãi.

Gấu chỉ bú mẹ tới 6 tháng, rồi mới ăn dặm. Và sữa của mình rất nhiều, rất tốt, nên việc bú liện tục tới hai tuổi là hết sức tự nhiên. Mỗi khi bú Gấu rất mãn nguyện, không chỉ vì được no, mà mình có cảm giác như Gấu thấy được an toàn, được mẹ bảo vệ bằng nguồn năng lượng vô hình.

Chẳng hạn như khi Gấu bị sốt, hay bị mệt, Gấu có thể bú hàng giờ, và không khóc. Ti mẹ là nơi Gấu tìm đến trong mọi lúc, sợ hãi, giật mình, đói, giận dỗi...., và khi ngậm Gấu lập tức cảm thấy bình an.

Cho nên mình không nỡ cai sữa, không muốn dùng những phương pháp cai sữa trong dân gian để Gấu sợ ti mẹ. MÌnh không muốn lưu lại trong tiềm thức của Gấu ấn tượng xấu về nơi đã là nguồn yêu thương thắm thiết đối với con.

MÌnh cũng không thể dạy con là "bú mẹ là xấu hổ" được, vì con sẽ không hiểu, và mình cùng không muốn nói dối. Tại sao bú mẹ lại là xấu hổ?

Trên tất cả, mình không nỡ tước đoạt của con niềm vui lớn nhất, khi mà con chưa sẵn lòng từ chối. Vậy nên mình cứ nán ná mãi, và Gấu bú mẹ tới năm 7 tuổi, Gấu chỉ tự "cai" cách đây có vài tháng mà thôi.

Sau này khi lớn hơn, bé Gấu vẫn uống thêm sữa ngoài chứ, sữa mẹ không thôi liệu có đủ?

Về việc nuôi con bằng sữa mẹ, thì mình nghĩ rằng nếu người mẹ khỏe mạnh, đủ sữa thì hiển nhiên sữa mẹ là tốt nhất. Hơn nữa, theo mình cần quan sát đứa trẻ. Khi trẻ thích bú, lớn nhanh, chắc chắn là sữa mẹ tốt. Trẻ biết chọn mọi thứ tốt nhất cho mình, bằng bản năng. Chứ không phải theo các công thức của bác sĩ. Cho nên khi thấy Gấu không thích thú với sữa bột, mình cũng không băn khoăn lắm.

Trước sáu tháng, Gấu chỉ bú mẹ, và bú bất kỳ khi nào Gấu thích, không theo giờ giấc nào. Ngoài sáu tháng, Gấu bắt đầu ăn dặm. Lớn hơn, Gấu cũng ăn thêm các sản phẩm từ sữa, chỉ không uống sữa bột thôi, Gấu có uống sữa tươi, sữa thảo mộc.

Dựa vào kinh nghiệm của cá nhân chị, chị có lời khuyên hay bí quyết nào gửi đến các mẹ cũng muốn duy trì sữa mẹ lâu dài cho con như chị không?

Theo kinh nghiệm của mình, hãy để tự nhiên làm công việc của nó. Chừng nào trẻ còn bú nhiều, sữa sẽ tự tiết ra thôi. Bú mẹ không chỉ mang lại cho trẻ nguồn dinh dưỡng, đó là niềm hạnh phúc lớn lao của hai mẹ con. Nếu người mẹ cảm nhận sâu sắc điều này, sẽ không cảm thấy ức chế khi thức đêm, khi mệt mỏi do con bú quá nhiều. Nhưng khi cho con bú hãy chìm sâu vào kết nối giữa hai mẹ con, đừng mải nghĩ hoặc làm việc khác. Như thế sự kết nối năng lượng giữa hai mẹ con sẽ được tuôn chảy, và cả hai sẽ rất hạnh phúc.

Trong quá trình cho con bú rất lâu như thế (đến khi bé hơn 7 tuổi), phản ứng, thái độ của người nhà, hàng xóm, bạn bè hay những người quen biết chị như thế nào? Và chị có phản ứng lại ra sao?

Mình là người không mấy khi quan tâm đến phản ứng của những người xung quanh. Vì thế người nhà của mình cũng không phản ứng quá mạnh. Thường người ta chỉ can thiệp hay góp ý khi có người sẵn sàng nghe thôi.

Bố mẹ mình lâu lâu chỉ đùa "bú đến năm lên lão à". Cũng có lúc họ hàng, bè bạn bảo "cho bú lâu không tốt đâu", nhưng mình chỉ ậm ừ rồi bỏ qua. Chồng mình thì hoàn toàn đồng tình với mình. Anh ấy cũng là người sống bản năng, thuận theo tự nhiên. Có lẽ vì mình không để tâm nên Gấu cũng rất tự nhiên, không tỏ ra xấu hổ ngượng ngùng gì khi nói với tất cả mọi người rằng Gấu vẫn bú tí mẹ.

Cai sữa cho con là khái niệm rất thông thường, hầu như bà mẹ nào cũng phải cai sữa khi con đến tuổi (thường khi bé 1,5-2 tuổi)? Hầu hết các mẹ cho rằng cho con bú lâu là không tốt, sữa khi đó đã mất chất, hơn nữa bé lớn đùng mà còn bú mẹ thì xấu hổ, “học dốt”. Chị nghĩ sao về quan điểm này?

Về quan điểm của các bà mẹ, thì mình cũng biết. Nhưng quan điểm ấy không có cơ sở khoa học.

Thứ nhất, nếu sữa không tốt, khiến trẻ đau ốm, trẻ sẽ tự bỏ bú. Vì bản năng sinh tồn của trẻ rất mạnh, trẻ sẽ tự chọn cái gì là tốt cho mình.

Thứ hai, tại sao lại xấu hổ về việc bú mẹ? Cái này mình không hiểu và không đồng tình chút nào. Gấu nhà mình cũng không mặc cảm về chuyện đó. Còn bú mẹ lâu mà học dốt thì mình chưa nghe nói đến bao giờ. Mình cho rằng chẳng có cơ sở khoa học nào về chuyện này.

Theo mình các mẹ cai sữa cho con do điều kiện đi làm của mình thôi. Hơn nữa cho con bú rất mệt, vì trẻ có thể "lên cơn nghiện" vào ban đêm, khi cảm thấy bất an, mệt mỏi, khiến người mẹ sẽ không được ngủ ngon. Trong trường hợp như thế, cai sữa là biện pháp bảo vệ người mẹ nhiều hơn, theo mình là vậy.

Chị có ngại không khi chia sẻ câu chuyện cho con bú đến năm con 7 tuổi của mình?

Mình không ngại ngùng gì. Những người quen mình ai cũng biết Gấu vẫn bú mẹ.

Nhưng mình cũng chẳng thấy gì là tự hào. Mình cho rằng đó là việc rất bình thường, rất tự nhiên. Con bú khi nào con còn cần, và bỏ bú khi đã không cần nữa, vậy thôi mà. Không ép buộc, không bị vật vã, không khiến hai mẹ con đau lòng.

MÌnh nghĩ việc cho con bú rất riêng tư, mỗi mẹ có cách suy nghĩ khác nhau, và cơ thể các mẹ cũng không ai giống ai. Nên khó áp dụng trường hợp này cho trường hợp khác. Mình chỉ muốn nhắn nhủ các mẹ, là hãy lắng nghe bản thân, và con mình. Mỗi đứa trẻ là một sáng tạo độc đáo vô song của tạo hóa, và mỗi người mẹ hãy tham gia vào quá trình sáng tạo đó một cách sâu sắc.

Có thể tham khảo sách vở, kinh nghiệm của những người khác. Nhưng khi hành động hãy lắng nghe bản thân. Tiếng nói của tình mẫu tử rất mạnh mẽ và sáng suốt. Hãy để cho tiếng nói ấy lên tiếng và bạn sẽ biết phải làm thế nào.

Những lợi ích khi trẻ lớn vẫn được bú mẹ, theo chị cụ thể là gì?

Mình không biết rõ lắm về mặt dinh dưỡng, vì thấy con vẫn khỏe mạnh, không gầy, không béo phì, vẫn nhanh nhẹn hoạt bát.

Nhưng có một ích lợi mình thấy là con có sự tự tin, hồn nhiên, như kiểu con có chỗ để trú ẩn mỗi khi gặp điều gì không vui trong cuộc sống. Ốm - bú mẹ, buồn - bú mẹ, sợ - bú mẹ..., lập tức con được bình an ngay.

Sau khi con tự ý thức và tự cai sữa mẹ, cảm giác của chị thế nào?

Cảm giác của mình khi con tự cai sữa cũng bình thường, mọi cái diễn ra tự nhiên mà.

Khi con bắt đầu mọc răng, con ít muốn bú dần. Rồi một hôm con tuyên bố, từ nay con sẽ không bú mẹ nữa. Nói thế nhưng nhiều lúc vẫn thèm, phải vài tháng sau mới bỏ được. Nhiều lần con ôm mẹ rồi lại quay sang phía khác, hay úp mặt xuống gối, kiểu như đấu tranh tư tưởng. Mình thương con và hỏi: "Nếu con thích quá thì cứ bú, mẹ có cấm đâu". Con bảo: "Con vẫn thích lắm nhưng người con nó không cho con làm thế nữa".

Mình hiểu là ở đây có cái gì đó như bản năng bên trong khiến con tự quyết định như vậy. Nhiều khả năng khi mọc răng các cơ miệng không còn cảm giác thèm bú nữa.

Trao “quyền” cai sữa vào tay con thay vì mẹ tự quyết định, chắc hẳn chị cũng có cách nuôi dạy con rất khác biệt. Chị có thể chia sẻ thêm về điều này không?

Cùng với việc không cai sữa, mình cũng nuôi Gấu theo kiểu rất tự nhiên. Gấu lên ô tô đi công tác với mẹ từ 3 tháng tuổi, không kiêng cữ, ăn ngoài trời ngủ ngoài trời là bình thường. Ngoài ra còn đi chân đất, tắm hồ, bơi rất tốt, sinh hoạt ở các làng bản dân tộc cũng như ở khách sạn 5 sao, không phân biệt gì hết.

Có một điều rất đặc biệt mà mình cảm nhận được trong suốt quá trình nuôi dạy con. Mình thấy được gần mẹ nhiều là điều quan trọng lắm để trẻ khỏe mạnh, tự tin. Mẹ không chỉ nuôi con, chăm sóc con mà mẹ kết nối với con bằng thứ tình cảm vô hình. Hai mẹ con đã có sẵn sự kết nối từ trước. Sau khi con chào đời, con thích ôm mẹ, bú mẹ, nằm trên ngực mẹ vì về mặt bản năng, con cần được như thế. Những điều đó không ai có thể làm thay thế được mẹ.

Kể cả tiếng trái tim mẹ đập, cũng khiến con được bình an. Thế nên mới có chuyện bọn trẻ con rất thích được mẹ ôm ấp, và cứ hễ có mẹ nằm cạnh là ngủ rất say. Bé Gấu cũng vậy, kể cả xung quanh mọi người nói chuyện, bật nhạc, nhưng có mẹ nằm kề bên là ngủ say lắm.

Chị có hy vọng câu chuyện “lạ” của mình có thể phần nào giúp xóa tan và dần làm lu mờ khái niệm “cai sữa”, để từ đó bất cứ một em bé nào cũng được hưởng “đặc quyền đặc lợi” là được bú mẹ dài lâu?

Mình không cho câu chuyện của mình có gì "lạ". Cũng rất bất ngờ khi mọi người quan tâm đến nó nhiều vậy. Như mình đã nói, việc cho con bú là chuyện riêng tư, mỗi người mẹ hãy tự quyết định. Nhưng nếu như có đủ sữa, nếu như công việc cho phép, theo mình các bà mẹ hãy cho con bú tối đa. Tất nhiên cái này cũng tùy theo sức khỏe người mẹ.

Nhưng mà, chỉ mong các mẹ nhớ đến hạnh phúc vô bờ bến của hai mẹ con trong việc cho con bú mẹ. Những chuyện vớ vẩn như sợ ngực không đẹp, sợ thân hình sồ sề, sợ bị con "bám" quá...không nên và không thể ảnh hưởng tới việc nuôi con.

Mọi cái đơn giản lắm, chỉ là sống theo tự nhiên thôi.

Xin cảm ơn chị Hoàng Anh về những chia sẻ quý báu này!

Bạn nên đọc
Quảng cáo