• Trang chủ
  • > Sách
  • > Phát triển trí tuệ và nhận thức
  • > Câu chuyện về “khủng hoảng tuổi lên 2” của bé
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Câu chuyện về “khủng hoảng tuổi lên 2” của bé

Câu chuyện về “khủng hoảng tuổi lên 2” của bé

  • Tác giả:
  • Thể loại: Phát triển trí tuệ và nhận thức
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 05/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Một ngày kia, tôi chứng kiến một đôi vợ chồng trong nhà hàng nọ, tôi biết họ bởi họ đều là những người bản lĩnh, tham vọng và tự tin, mà mọi người hay nói vui là VIP. Tôi thấy họ đang cố gắng dỗ dành một cô bé tóc vàng óng ánh, cô bé không muốn mặc áo khoác và thể hiện quyết tâm bằng cách lăn ra đất gào thét. Ngoài trời lúc này rất lạnh. Đôi vợ chồng che giấu sự lo lắng phía sau nụ cười nhưng không đánh lừa nổi bất kì ai và cố gắng kiềm chế cơn giận đang ngày một tăng lên bằng những câu nói nhẹ nhàng nhưng cương quyết: "Nào con yêu, con mặc áo thôi, bố mẹ không muốn chúa tể băng giá ăn thịt con đâu". Cuối cùng, bà chủ tịch rời khỏi nhà hàng, một tay lôi con bé vẫn đang gào thét vẫn chưa chịu mặc áo khoác, trong khi người đàn ông với khuôn mặt cương quyết ấy thanh toán cho nhà hàng và xin lỗi mọi người với vẻ thảm hại. Khi ánh mắt chúng tôi gặp nhau, tôi chỉ tay về hai đứa nhỏ, hai quả bom nổ chậm của tôi để thể hiện sự cảm thông và chia sẻ với ông ấy.

Có những thời điểm chúng ta sẽ thấy đồng cảm với những ông bố, bà mẹ đang trải qua giai đoạn khó khăn này. Anh bạn cùng ăn tối với gia đình tại nhà tôi hôm chủ nhật, trở lại bấm chuông lúc 8 giờ tối. Anh ta vừa lái xe 30 cây số rồi vội leo cầu thang đến không kịp thở, quay lại chỉ để tìm con gấu bông cho con. Khi tìm được, anh chẳng kịp uống nước lại nhanh chóng lên xe về nhà nơi con anh đang gào thét, dứt khoát không chịu lên giường nếu không có con gấu bông quen thuộc.

Nhưng thỏa thuận là thế mà: một đứa bé lên 2 buộc bạn hạn chế những đòi hỏi. Bạn không còn chú ý đến sự xấu xí của đồ chơi, chỉ cần đứa bé chơi một cách yên ổn. Bạn cũng sẽ quên đi đã có ngày bạn tự nhủ không bao giờ cho con ngồi bô giữa phòng khách, nhưng khi bé lên 2, bạn cũng sẽ quên đi điều đó vì bạn quá vui sướng khi con chịu ngồi vào bô.

Nếu bạn tự nhủ sẽ nhanh chóng thoát khỏi cảnh này thì "hãy quên chuyện đó đi". Ngược lại, hãy chuẩn bị tinh thần cho những chuyện tồi tệ nhất, như vậy bạn sẽ cùng bé vượt qua được giai đoạn khó khăn này. Khi lên 2 tuổi là một thời điểm mà một đứa bé trước đây luôn làm hài lòng ba mẹ, đột nhiên nhận ra bản thân cũng có một loạt các lựa chọn hay ho và kinh khủng. Bé có thể đi xuống nhà với bạn hoặc ở lại trong phòng, bé không thể tự quyết định, bé phản đối bằng cách gào thét vì dù bạn có quyết định thế nào đi nữa, bé cũng phải làm "ngược lại", chỉ để chứng minh rằng bây giờ bé có thể hoàn toàn tự quyết định được cuộc sống cho bản thân.

Có hôm tôi phải mất cả một buổi sáng để cố gắng tránh mọi ép buộc với thằng cu. Và mọi cố gắng của tôi được đền đáp bằng một cảnh tượng đáng thương vào buổi trưa:

Con muốn uống nước cam.

Tất nhiên rồi con yêu, cốc nước cam xinh xắn của con đây.

Con muốn uống nước chanh.

Nước chanh. À, được rồi. Mẹ sẽ cho con một cốc nước chanh thay vì nước cam nhé.

Không, con muốn uống nước cam.

Vậy thì đây, con yêu, nước cam của con đây.

Con không muốn, không muốn, không muốn...
        
Cơn điên bị đẩy lên đỉnh điểm từ mọi phía. Tôi đặt hai cốc nước xuống bàn và cố gắng nở nụ cười. Chỉ dùng một tay, thằng cu gạt tung hai cốc nước. Nó bắt đầu đạp chân thình thịch vào ghế và hét lên: “Mẹ đi đi. Mẹ xấu xa. Mẹ ở lại”. Chẳng khác gì một thằng say bét nhè giữa hội làng. Bất kỳ một lý do gì cũng có thể khiến nó gây hấn với mẹ.

Một tác giả người Mỹ định nghĩa giai đoạn này là: Những bài tập tính độc lập. Tôi thấy rất chính xác. Bọn trẻ con cần học để trở nên độc lập. Và nó chỉ có bạn để làm nền cho những bài tập đó.

Hơn nữa, sau một thời gian sờ soạng vào mọi thứ, con bắt đầu khám phá ra vai trò của các đồ vật và muốn học cách sử dụng chúng. Tuy nhiên, khả năng của bé lên 2 vẫn còn hạn chế nên bé không thể sử dụng các đồ vật này ngay lập tức. Tính kiên trì của bé còn hạn chế hơn, quá bực mình thì bé sẽ ném thẳng đồ chơi vào mặt bạn. Đồ chơi phù hợp với trẻ bao giờ cũng tính tới những yếu tố này. Cái cần cẩu của Fisher – Price có thể vẫn còn hơi phức tạp với một đứa trẻ lên 2 nhưng ít ra nút on/off cũng khiến bé cảm thấy đạt được một điều gì đó. Những đồ chơi không hợp với lứa tuổi sẽ rất dễ khiến bé nổi giận với cảm giác bất lực. Ngay cả khi bạn hết sức chú ý đến vấn đề này thì việc gặp phải những thứ đồ chơi kiểu đó hoàn toàn có thể xảy ra. Vào ngày sinh nhật, con gái tôi “tặng” cho ông anh trai một chiếc máy xúc bằng gỗ. Thằng bé Nicholas hài lòng đến nỗi nó muốn ngồi vào lái chiếc xe. Nhưng cái máy xúc chỉ dài có 25cm nên cậu nhỏ không thể ngồi vào trong. Và thế là Nicholas làm loạn cả bệnh viện với tiếng gào thét bực bội… Sự việc kéo dài khoảng vài phút, rồi nó quyết định đi xem các em bé mới sinh và một vòng bệnh viện bằng xe đẩy.
        
Với một đứa trẻ lên 2, bạn phải thu xếp mọi việc hết sức bình tĩnh. Quát mắng chúng ngay lập tức hay vào những lúc không phù hợp chẳng để làm gì và cũng đừng quên những gì bé đề nghị chỉ vì bạn thấy mệt mỏi. Nếu bạn nghe thấy một lời đề nghị yếu ớt: “Mẹ muốn ăn súp không?”, rồi một bàn tay đưa ra chiếc gạt tàn đầy mẫu thuốc trôi nổi trong sữa, tôi dám chắc không phải cảnh mà bạn muốn thấy khi về đến nhà sau một ngày làm việc mệt mỏi. Nhưng bạn đáp lại bằng cách gào thét lên: “Ai để gạt tàn trên bàn đây? Ai dạy con mời mọi người ăn uống kiểu như vậy hả?” thì bạn đang phá hỏng trò chơi của bé đấy. Nếu bạn khuyến khích con một cách khéo léo, rất có thể bạn sẽ có một khoảng thời gian yên tĩnh trong khi bé chuẩn bị nấu ăn với những thành phần ít nguy hiểm hơn. Nếu bạn gây sự với bé chỉ để bé chấp nhận lên giường ngủ thì có thể bạn sẽ phải lặp lại kịch bản đó hằng ngày. Nếu bạn bắt con ăn một món bé không thích, bạn khiến bé thấy đau khổ, vậy thì hãy chuẩn bị đối mặt với nhiều năm chiến tranh mà chẳng ai được lợi ích gì. Khi con bạn đang ở cái giai đoạn khó khăn này, hãy phản ứng một cách “khéo léo” và “ngoại giao”. Hãy vui vẻ và nhiệt tình với bé các mẹ nhé!

Bạn nên đọc
Quảng cáo