• Trang chủ
  • > Sách
  • > Chăm sóc đặc biệt
  • > Chậm phát triển ngôn ngữ và vận động và những vấn đề của trẻ sinh thiếu tháng
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Chậm phát triển ngôn ngữ và vận động và những vấn đề của trẻ sinh thiếu tháng

Chậm phát triển ngôn ngữ và vận động và những vấn đề của trẻ sinh thiếu tháng

  • Tác giả:
  • Thể loại: Chăm sóc đặc biệt
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 11/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
So với sinh đủ tháng, trẻ được sinh trong khoảng từ 32 đến 36 tuần có khả năng bị chậm phát triển ngôn ngữ và chậm vận động đến ba lần.

Khác với suy nghĩ trước đây, một nghiên cứu của bệnh viện Phụ nữ Hoàng gia Úc cho thấy trẻ được sinh ra trong giai đoạn này có nhiều nguy chậm phát triển và có vấn đề về hành vi.

Nghiên cứu này theo dõi sức khỏe lâu dài và sự phát triển của trẻ được sinh ra trong khoảng tuần 32 đến tuần 36, dựa trên các đánh giá lâm sàng của bác sĩ sản khoa.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Phó giáo sư Jeanie Cheong- một bác sĩ Nhi khoa sơ sinh của bệnh viện Phụ nữ Hoàng gia ở Melbourne, cho biết phần lớn những nghiên cứu đang có chủ yếu chỉ tập trung vào trẻ sinh non trước tuần 32 của thai kỳ.

"Cho đến tám hoặc chín năm trước đây, trẻ em sinh ra từ tuần 34 tuần trở đi đã không được theo dõi chặt chẽ để nghiên cứu bởi chúng hầu như không mắc bệnh gì sau khi sinh", Cheong nói với báo The Guardian Úc.

"Do đó, người ta cho rằng chúng có thể phát triển theo quỹ đạo thông thường như những trẻ sinh đủ tháng, và hiếm khi được theo dõi."

Các nhà nghiên cứu gần đây ngày càng thấy rằng trẻ sinh trong giai đoạn từ tuần 32 đến trước tuần 37 tuần cũng có thể bị chậm trễ nhận thức và chậm phát triển so với trẻ cùng độ tuổi nhưng được sinh đủ tháng.

Mặc dù, các nghiên cứu ở Úc trước đây cũng đã từng nhận ra điều này qua việc khảo sát các bậc cha mẹ có con sinh non và sinh đủ tháng, hoặc qua kết quả kiểm tra ở trường học dựa trên dữ liệu NAPLAN.

"Khác với các nghiên cứu trước đây, chúng tôi theo dõi trẻ từ lúc chúng được sinh ra cho đến khi quay trở lại để được tiến hành các đánh giá lâm sàng dành cho trẻ em sinh thiếu tháng và đủ tháng. Chúng tôi không dựa vào bảng câu hỏi có sẵn để tránh định kiến và sai sót ", Cheong nói.

Các nhà nghiên cứu tuyển chọn 402 trẻ sơ sinh ở bệnh viện La Prem để khảo sát. Một nửa là trẻ sinh đủ tháng, từ 37 tuần trở đi. Phần còn lại được sinh từ tuần 32 đến tuần 36 của thai kỳ.

Tất cả trẻ sẽ được đánh giá để tham gia nghiên cứu khi chúng tròn hai tuổi. Với trẻ sinh non, thời điểm hai tuổi bắt đầu được đánh giá sẽ tính theo ngày dự sinh vốn dĩ của các bé. Nhằm tránh sự khác biệt trong việc phát triển bộ não của các bé này so với những bé sinh đủ tháng.

Kết quả là: So với trẻ sinh đủ tháng, trẻ sinh ra trong giai đoạn từ 32 đến 36 tuần sẽ bị chậm phát triển ngôn ngữ và các kỹ năng vận động đến ba lần, chậm phát triển nhận thức như khả năng thực hiện nhiệm vụ và làm theo hướng dẫn đến hai lần. Các bé sinh thiếu tháng cũng gặp khó khăn trong việc đối phó với những tình huống xã hội khác.

“Sự khác biệt giữa các nhóm có ý nghĩa lâm sàng”, Cheong nói. Phát hiện này được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Nhi khoa Hoa Kỳ hôm thứ Ba.

"Không phải tất cả trẻ sinh sớm đều gặp phải những vấn đề này. Nhưng với tổng số 21.000 trẻ em sinh sớm (trong giai đoạn 32 đến 36 tuần) ở Úc mỗi năm, thì dù là một tỷ lệ nhỏ cũng có ảnh hưởng đến một số lượng trẻ em đáng kể", Cheong nói.

"Tuy vậy, những phụ huynh có con sinh non cũng đừng quá lo lắng. Đôi khi vì một số lý do y học, một số trẻ buộc phải được sinh sớm. Nhưng chúng sẽ được các bác sĩ sản khoa lập sẵn hồ sơ để theo dõi vì họ biết rằng trẻ sinh thiếu tháng có khả năng bị chậm phát triển. "

“Nếu có quan ngại về sự chậm phát triển của con mình, các phụ huynh của trẻ sinh non hãy nên nói chuyện với bác sĩ”, cô nói thêm. Bởi vì sẽ có những biện pháp có thể giúp cải thiện việc chậm phát triển ngôn ngữ.

Các nhà nghiên cứu cũng đã tiến hành quét MRI cho những trẻ sinh đủ tháng lúc chúng tròn hai tuổi để đánh giá sức khỏe thể chất cũng như mức độ phát triển nhận thức và hành vi của các bé này. Họ hy vọng điều này sẽ giúp họ, thông qua các nghiên cứu mới trong tương lai, xác định thêm được những vấn đề chậm phát triển mà trẻ sinh non sẽ gặp phải. Từ đó, dễ dàng có biện pháp theo dõi và hỗ trợ.

Cheong cho biết các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ có đủ kinh phí để đánh giá lại các em vào lúc tám tuổi để tìm hiểu xem việc chậm phát triển của trẻ có diễn ra trong suốt thời thơ ấu hay không, có thêm vấn đề chậm phát triển nào nữa không, hoặc những vấn đề nào đã được cải thiện.

Tiến sĩ Michael Gannon- bác sĩ sản khoa và cũng là Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Úc, cho rằng nghiên cứu này rất thiết thực. Ông nói: “Sinh non thỉnh thoảng không tránh khỏi những biến chứng nguy hiểm như tiền sản giật, khi ấy cả mẹ và con đều bị nguy hiểm”.

Tuy vậy, cũng có những trường hợp mà bác sĩ sản khoa và thai phụ quyết định cho trẻ chào đời sớm vì những lý do ít nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như đau lưng dai dẳng khi mang thai, đa phần xảy ra ở người mẹ mang đa thai.

"Các nghiên cứu như thế này sẽ giúp các bậc phụ huynh hiểu vì sao các bác sĩ sản khoa thường cho rằng sẽ không an toàn cho cả mẹ lẫn con nếu  sinh bé vào giữa tuần 36 và 37", Gannon nói.

"Các bác sĩ không chỉ cân nhắc những khó khăn trong quá trình sinh nở mà còn xem xét những rủi ro khi quyết định cho một em bé chào đời sớm hơn dự tính."

Bạn nên đọc
Quảng cáo