• Trang chủ
  • > Sách
  • > Ăn dặm
  • > Cho con uống bao nhiêu nước là đủ?
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Cho con uống bao nhiêu nước là đủ?

Cho con uống bao nhiêu nước là đủ?

  • Tác giả:
  • Thể loại: Ăn dặm
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 03/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Bạn vẫn được khuyên nên uống ít nhất 8 cốc nước mỗi ngày. Nhưng còn con bạn thì sao? Trẻ em nhỏ hơn người lớn nên tất nhiên sẽ cần ít nước hơn đúng không?

Theo Viện Y khoa thuộc Học viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, trẻ em vẫn nên uống lượng nước tương đương như người lớn. (Trẻ sơ sinh là ngoại lệ vì sữa mẹ và sữa bột mà bé uống đã cung cấp đủ nhu cầu.) Đừng bối rối trước khối lượng nước ấy, bạn sẽ cho bé uống vào lúc nào ư? Hãy cung cấp cho con những loại thức uống lành mạnh tốt cho sức khỏe trong các bữa ăn, và đều đặn giữa các bữa, bất cứ khi nào cảm thấy khát. Chuyên gia nhi khoa cho bạn hay một dấu hiệu cho thấy bé đã được uống đủ nước, là “đi tiểu mỗi vài giờ”. Tất nhiên, nếu bé chơi đùa vận động nhiều, hoặc thời tiết nắng nóng thì sẽ cần thu nhận nhiều nước hơn để bù lại sự thoát hơi nước diễn ra mạnh.

Vì sao uống nước lại quan trọng đối với trẻ trong độ tuổi đi học?

Dù không chứa chất dinh dưỡng gì, nhưng H2O vô cùng cần thiết cho sức khỏe của bé. Nước giúp cho việc tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón và đóng vai trò quan trọng giúp máu lưu thông tốt. Nó cũng giúp vận chuyển các chất dinh dưỡng và oxy đến các tế bào, đệm khớp, bảo vệ các cơ quan và các mô, giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, và duy trì sự cân bằng điện giải (natri)...

Nước giữ cho các cơ quan trong cơ thể hoạt động tốt, đó là điều đặc biệt quan trọng với trẻ em vì cơ thể chúng đang trong quá trình phát triển. Uống nước cũng giúp các bé thể hiện tốt hơn ở trường. Không được uống đủ nước, con bạn sẽ có thể bị mất nước, dẫn đến đau đầu, cáu kỉnh, thiếu tập trung và buồn ngủ… làm ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bé, khiến bé không thể thể hiện được hết sức mình trong học tập.

Bạn còn có thể đã nghe các số liệu thống kê đáng báo động về tình trạng trẻ em trong độ tuổi đi học bị thừa cân hoặc béo phì + tình trạng này thường dẫn đến các bệnh khi trưởng thành như bệnh tim và tiểu đường. Vậy nên hãy giúp con mình có một khởi đầu cuộc sống lành mạnh bằng cách khuyến khích bé uống nước hoặc nước trái cây không đường thay vì các loại nước trái cây chứa nhiều đường hay nước uống có ga. Và đừng quên trở thành một hình mẫu tốt cho bé. Nếu con bạn nhìn thấy bố mẹ uống nước, chúng cũng sẽ muốn uống theo.

Nước rất quan trọng khi thời tiết nóng.

Bởi vì nước giúp kiểm soát nhiệt độ cơ thể, đó là tuyến đầu phòng thủ giúp cơ thể chống lại các bệnh liên quan đến nhiệt và mất nước như kiệt sức và say nắng. Trẻ em có thể bị mất nước tại bất kỳ thời gian của năm, nhưng xảy ra nhiều nhất trong những tháng nắng nóng mùa hè.Kiệt sức do nhiệt xảy ra khi cơ thể mất nước qua mồ hôi quá nhiều. Các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, lo lắng, và mướt mồ hôi. Những trẻ vui chơi bên ngoài nhiều và quên uống nước sẽ có thể gặp phải trường hợp này. Hay với say nắng, một tình trạng có thể dẫn đến tử vong, cơ thể không còn có thể tự làm mát được nữa, và nhiệt độ của nó tăng lên đến một mức độ nguy hiểm. Mất nước gây nên say nắng, nhưng tình trạng này chủ yếu xảy ra khi ở một nơi nóng nực. Vậy nên: đừng bao giờ để con bạn một mình trong xe; và nếu bạn nghĩ con mình có thể đã bị say nắng, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.

Để bảo vệ chống lại tình trạng kiệt sức vì nóng như trên, hãy để bé dễ dàng “tiếp cập” với nước. Mang theo chai nước khi đi chơi, đi học… nhắc con nghỉ giải lao để uống nước, đặc biệt nếu bé vận động cơ thể nhiều. Từ 30 đến 40 phút trước khi con chơi thể thao, hãy cho bé uống từ một đến một cốc rưỡi nước. Bạn cũng không nên dựa quá nhiều vào thức uống thể thao có chứa muối và đường vì những đứa trẻ khỏe mạnh không bị mất nhiều muối trong mồ hôi, vậy nên chỉ nước là đủ rồi.

Nên cho bé uống gì?

+ Nước lọc. Rất nhiều đứa trẻ lười uống nước vì những lý do khác nhau, có thể vì nước không… ngọt, hoặc vì bé mải chơi. Bạn có thể khiến bé thích thú và tự nguyện uống nước hơn nếu bé có chiếc cốc / bình nước đặc biệt của riêng mình. Một mẹo nữa là thêm vài lát hoa quả tươi vào nước uống của bé, cam, chanh, dưa chẳng hạn.

+ Sữa. Nên là loại sữa ít hoặc không béo (đối với các bé từ 2 tuổi trở lên, riêng các bé nhỏ hơn cần chất béo để não phát triển). Hai cốc mỗi ngày cho các bé từ 8 tuổi trở xuống, ba cốc cho các bé lớn hơn. Trẻ em cần canxi và vitamin D trong các chế phẩm từ sữa, do đó nếu con bạn không thích uống sữa, hãy thử thay đổi hương vị của nó hoặc tìm những dưỡng chất này từ những nguồn khác.

+ Nước hoa quả. Cũng như sữa, nước hoa quả là một loại nước bổ sung cần thiết cho bé. Đây là nguồn cung cấp thêm Vitamin C, giúp tăng sức đề kháng. Giới hạn từ 4-6 ounce mỗi ngày cho các bé từ 6 tuổi trở xuống (khoảng từ ½ đến ¾ cốc). Khẩu phần của bé lớn hơn có thể từ 8-12 ounce một ngày. 100 % nước trái cây là tốt nhất, bạn hãy chú ý tham khảo nhãn sản phẩm vì các sản phẩm nước uống đóng chai hay đóng hộp thường có chứa thêm hương liệu, chất bảo quản, đường… (và cả calories nữa). Nước trái cây nguyên chất có thể được tính vào khẩu phần rau trái hàng ngày của bé + tuy vậy không cung cấp được lượng chất xơ như nguyên quả.

+ Thức uống thể thao. Nói chung, nên hạn chế sử dụng loại nước uống này vì chúng bổ sung nhiều calories và đường, ngoài ra rất ít dưỡng chất.

+ Nước ngọt. Tránh! Tránh! Vì nước ngọt chỉ chứa calories rỗng mà thôi.

Làm sao "nhắc" con uống nước khi bé ở trường?

Bạn có thể để bé tự trang trí, làm thành một chai nước độc nhất vô nhị cho mình để khiến việc uống nước trở nên vui thích hơn, và đó cũng là cơ hội để cháu thể hiện bản thân. Hãy chuẩn bị cho bé mỗi ngày đi học với một chai nước đầy; đồng thời dành thời gian dạy con tầm quan trọng của nước, bạn nhé.

Bạn nên đọc
Quảng cáo