• Trang chủ
  • > Sách
  • > Chuyển dạ
  • > Chuẩn bị tốt để có một ca sinh nở thuận lợi
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Chuẩn bị tốt để có một ca sinh nở thuận lợi

Chuẩn bị tốt để có một ca sinh nở thuận lợi

  • Tác giả:
  • Thể loại: Chuyển dạ
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 08/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Dân gian thường dùng kinh nghiệm để dự đoán về sự sinh nở dễ hay khó như: người mẹ cao thì sinh nở dễ dàng hơn, người mẹ có xương hông rộng thì sinh nở dễ dàng hơn,... nhưng những kinh nghiệm này chưa đủ bởi chưa xét đến hết những yếu tố khác. Ngoài những yếu tố chủ quan thuộc về người mẹ thì còn những yếu tố khách quan khác nữa. Những yếu tố quyết định một ca sinh nở thuận lợi bao gồm:

Sản lực

Là sức đẩy thai nhi ra ngoài, bao gồm sức co thắt của tử cung, sức co thắt cơ thành bụng và sức co thắt của hậu môn, trong đó sức co thắt của tử cung là chủ yếu. Những trường hợp khó đẻ do lực đẩy thai nhi ra ngoài quá yếu là tử cung co bóp yếu.

Tử cung co bóp yếu là do thai phụ không có đủ sức khỏe. Có người ngay từ lúc mới bắt đầu chuyển dạ đã yếu, có người trong quá trình đẻ đã yếu đi, có thể do thời gian đau đẻ kéo dài, phương pháp rặn đẻ không đúng, la hét quá nhiều gây ra mệt mỏi…

Cũng có những trường hợp do tâm lý quá lo lắng, sợ hãi nên làm ảnh hưởng đến cơn co bóp tử cung.

=> người mẹ phải có chế độ ăn uống và vận động hợp lý suốt thai kỳ để có sức khỏe tốt, cần tìm hiểu những kiến thức về mang thai và chuyển dạ, tránh tâm lý lo lắng, sợ hãi, khi chuyển dạ không nên la hét. Hiện nay, nếu tử cung co bóp yếu, có thể dùng thuốc kích thích co bóp tử cung nhưng nếu tình hình nghiêm trọng hơn phải tiến hành mổ.

Đường sinh

Đường thai nhi đi qua từ tử cung mẹ ra ngoài, bao gồm khung xương chậu (đường sinh cứng), cổ tử cung, đáy chậu, âm đạo (đường sinh mềm), trong đó khung xương chậu có ý nghĩa quyết định quan trọng.

Xương chậu quá hẹp, không cân xứng với đầu thai nhi sẽ gây khó khăn khi sinh. Nếu xương chậu hẹp, nhưng thai nhi nhỏ thì thai phụ vẫn có thể áp dụng phương pháp đẻ thường. Ngược lại, xương chậu bình thường nhưng thai nhi quá to, không thể lọt qua, dẫn đến đầu thai nhi và xương chậu không cân xứng. Vì vậy, suốt thai kỳ, thai phụ nên có dinh dưỡng hợp lý, tăng cân vừa phải, thai nhi có trọng lượng phù hợp, tránh tâm lý “ăn cho hai người” trong thời gian bầu bí.

Song, cũng có trường hợp khung xương chậu đủ rộng nhưng thai nhi không thể đến được khung xương chậu. Đây là những trường hợp khung chậu bình thường nhưng do dây rốn quấn cổ hoặc dây rốn quá ngắn.

Ngoài ra, còn có hiện tượng cổ tử cung (đường sinh mềm) mở chậm khiến ca sinh nở kéo dài. Để khắc phục tình trạng này, hiện nay đã có thuốc làm mềm vùng cổ tử cung. 

Thai nhi

Bao gồm sức khỏe của bé, kích thước của thai nhi, thai nhi có bị dị tật hay không, vị trí ngôi thai có thuận không?

Ngôi thai đóng một vai trò quan trọng. Ngôi đầu sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ca sinh nở. Ngôi bất thường như ngôi mông sinh sẽ khó; ngôi ngang, ngôi trán, ngôi mặt cằm sau thì không thể sinh được mà phải mổ lấy thai. Tuy nhiên, những trường hợp có ngôi thai bất thường có thể áp dụng các biện pháp như: yoga giúp em bé tự xoay đầu, hoặc bác sĩ cố gắng xoay em bé trong tử cung người mẹ bằng một thủ thuật gọi là ngoại xoay thai.

Sức khỏe của thai nhi tốt, tim thai điều hòa sẽ giúp ca sinh nở thuận lợi. Những thai nhi có dị tật bẩm sinh thường phải mổ lấy thai.

Tình trạng nhau tiền đạo hoặc nhau thai bong sớm cũng gây cản trở cho quá trình sinh nở bình thường. 

Sức khỏe người mẹ

Người mẹ ốm yếu quá sẽ không đủ sức rặn và dễ mất máu sau sinh. Trong thai kỳ, người mẹ cần có chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, nhưng đồng thời phải vận động vừa phải để đảm bảo không bị béo phì và có được cơ thể dẻo dai.

Người mẹ có những bệnh lý như: bệnh tim, phổi, thận, cao huyết áp, cường giáp… thì không nên sinh thường do lo ngại những biến chứng trong khi sinh.

Người mẹ đã từng có mổ trước đó trên tử cung như mổ lấy thai, thì việc sinh thường sẽ khó khăn hơn. Đối với những trường hợp có mổ bóc nhân xơ tử cung hoặc mổ tạo hình tử cung trước đó thì phải mổ lấy thai lại.

Nước ối được bảo toàn và vỡ ối đúng lúc

Những trường hợp thai phụ bị thiểu ối (ít nước ối) do: bị rò rỉ màng ối, thai quá ngày, thai già tháng, thai phụ mắc các chứng bệnh như tiểu đường, cao huyết áp, lupus, thai phụ mang song thai, đa thai hoặc đang dùng thuốc tân dược liều cao để trị bệnh. Thiểu ối làm tăng nguy cơ suy thai và đẻ khó vì chèn ép dây rốn và thai khó bình chỉnh tốt trong chuyển dạ.

Vỡ ối trước khi đẻ thì tử cung khó mở, thai nhi không thể chui lọt qua đường đẻ thuận lợi, dẫn đến khó đẻ. Khi phát hiện có dấu hiệu vỡ ối, nên nhập viện sớm. Nếu xử trí chậm, vi khuẩn từ ngoài có thể xâm nhập vào tử cung gây nguy cơ nhiễm trùng tử cung, vùng chậu. Thai nhi có thể gặp nguy hiểm do nhiễm trùng sơ sinh, hô hấp, màng não, tiêu hóa.

Sự sẵn sàng của sản phụ khi chuyển dạ

Sự sẵn sàng của sản phụ khi chuyển dạ quyết định đến sản lực. Tuy nhiên, chúng tôi viết thành một mục riêng bởi nó đòi hỏi nhiều sự chuẩn bị. Khi có những dấu hiệu chuyển dạ, sản phụ thường có tâm lý bối rối, lo lắng và "cuống chân tay", không chuẩn bị kỹ lưỡng cho bản thân về sức khỏe và tâm lý. Hãy nhớ rằng rất ít người sinh ngay sau khi có dấu hiệu sinh, mà thường phải vài giờ, thậm chí 1 ngày đêm sau mới sinh. Do vậy, sản phụ có đủ thời gian để chuẩn bị sẵn sàng cho mình. Những điều cần chuẩn bị:

Ăn uống đầy đủ: việc chuyển dạ thường kéo dài nhiều giờ đồng hồ, hơn nữa, cơn đau khiến mất sức rất nhanh. Ngoài ra, sau khi sinh, một vài tiếng đồng hồ sau sản phụ mới có thể ăn uống trở lại, nếu trước khi sinh đã bị đói thì sau khi sinh cơ thể sẽ kiệt sức. Sản phụ cần tranh thủ ăn uống trong quá trình chuyển dạ, giữa những cơn đau để bổ sung năng lượng cho cơ thể kịp thời. Tốt nhất là nên ăn những món dễ tiêu và cung cấp nhiều năng lượng. Cấm kị việc không ăn uống gì mà đã vào phòng sinh.

Đi tiểu đều đặn: nếu nhịn tiểu, bàng quang trương to, không chỉ ảnh hưởng đến phần đầu chui ra của thai nhi mà còn ảnh hưởng đến các cơn co tử cung. Cố gắng đi đại tiện. Nếu cần có thể tiến hành thụt hậu môn.

Ngủ và nghỉ ngơi: lúc sinh sẽ mất rất nhiều sức lực, vì vậy khi mới chuyển dạ, sản phụ nên tranh thủ nghỉ ngơi giữa những cơn đau nhằm giữ sức khỏe.

Giữ tâm lý không sợ hãi, lo lắng: tâm trạng lo lắng, sợ hãi của thai phụ sẽ thông qua hệ thần kinh trung ương, ức chế tử cung co thắt, dẫn đến quá trình sinh bị kéo dài, thậm chí dẫn đến khó sinh và sau khi sinh xong, tử cung không co lại hoàn toàn, gây mất máu. Tâm trạng căng thẳng còn kích thích hưng phấn thần kinh giao cảm, huyết áp tăng lên làm cho thai nhi có thể bị thiếu ô-xi.

Không la hét ầm ĩ: bước vào giai đoạn chuyển dạ, những cơn đau xuất hiện, nhiều người không chịu nổi mà la hét ầm ĩ. Điều này rất có hại. Do la hét ầm ĩ, sản phụ sẽ hít vào cơ thể một lượng không khí rất lớn, khiến cho ruột bị trương lên dẫn đến việc không ăn uống được, đồng thời buồn nôn, buồn đi tiểu liên tục. Do bụng trương lên và đi tiểu khó khăn nên sản phụ thấy rất bức bí, lúc tử cung co thắt lại sẽ dùng sức rặn để mong thai nhi nhanh chóng lọt ra ngoài. Do đó, sản phụ sẽ thấy mệt rất nhanh, tử cung co thắt cũng không điều hòa nữa. 

Sự phối hợp giữa thai phụ với nhân viên y tế

Trong quá trình sinh nở, sự phối hợp giữa thai phụ với nhân viên y tế là hết sức quan trọng. Theo số liệu thống kê, có đến 70% sản phụ khi lên bàn đẻ đều không biết cách rặn đẻ đặc biệt với những người lần đầu mang thai.

Sản phụ cần biết cách thở và biết cách rặn có hiệu quả, không rặn sớm quá hay rặn không đúng sẽ làm cho cuộc chuyển dạ kéo dài gây nguy hiểm cho cả hai mẹ con như: bé bị ngạt trong bụng mẹ, mẹ bị mệt, tổn thương phức tạp đường sinh dục, chuyển dạ kéo dài gây băng huyết sau sinh…

 

Bạn nên đọc
Quảng cáo