• Trang chủ
  • > Sách
  • > Bệnh lý thai kỳ
  • > Chứng sạm da khi mang thai
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Chứng sạm da khi mang thai

Chứng sạm da khi mang thai

  • Tác giả:
  • Thể loại: Bệnh lý thai kỳ
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 08/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Trên mặt tôi có những mảng da sạm màu liệu có phải là triệu chứng bình thường không?

Đối với phụ nữ đang mang thai, sự xuất hiện các vùng da sạm còn gọi là “mặt nạ thai kỳ“ là triệu chứng phổ biến. Đó chính là hiện tượng nám da xuất hiện trong thai kỳ (melasma gravidarum).

Phụ nữ có nước da tối màu thường dễ bị nám da hơn so với phụ nữ da sáng. Triệu chứng này cũng dễ xảy ra nếu trong gia đình bạn có người từng bị nám khi mang thai. Ảnh hưởng của nám trở nên rõ rệt hơn với từng kỳ thai.

Các mảng da sạm có thể xuất hiện xung quanh môi trên, mũi, xương gò má và trán, đôi khi có hình dạng như một chiếc mặt nạ. Chúng cũng có thể xuất hiện trên má hoặc trên lớp da dọc theo xương hàm. Nám da cũng có thể phát triển ở cẳng tay và những phần khác trên cơ thể có tiếp xúc với ánh nắng.

Ngoài ra, bạn có thể nhận thấy các vùng da vốn có sắc tố đậm như đầu vú, tàn nhang, các vết sẹo và da ở vùng kín sẽ trở nên sạm màu hơn khi mang thai. Hiện tượng này cũng thường xảy ra đối với các vùng da bị cọ xát nhiều như nách, vùng bẹn.Những thay đổi này là do sự biến đổi nội tiết tố trong thai kỳ làm kích thích thêm sự sản xuất Melanin trong cơ thể (chất tự nhiên tạo ra màu cho tóc, da và mắt ). Triệu chứng này một phần cũng do sự tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gây ra.

Những vùng da bị tăng độ sạm sẽ mờ đi trong vài tháng sau khi sinh và da của bạn sẽ trở về màu sắc như bình thường, tuy nhiên ở một số trường hợp, những thay đổi về sắc tố da không hoàn toàn biến mất.

Tại sao xuất hiện những đường sẫm màu chạy dọc vùng bụng?

Các đường sẫm màu còn gọi là linea nigra. Trước khi mang thai vốn đã có một đường gọi là linea alba chạy dọc từ rốn đến xương mu. Có thể bạn không nhận thấy nó vì nó có màu trùng với phần da bụng.
Sự gia tăng việc sản sinh melanin gây ra nám da trên mặt cũng chính là tác nhân làm sạm đường viền ở bụng. Sau khi sinh vài tháng, vùng da này sẽ mờ đi trở lại như màu của nó lúc trước khi mang thai.

Tôi có thể làm gì để ngăn nám da trong thai kỳ?

Nám da thai kỳ thông thường sẽ tự biến mất sau khi sinh nhưng bạn cũng có thể làm một vài điều sau để giảm thiểu triệu chứng này trong thời gian chờ đợi:
Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời. Đây là yếu tố quyết định bởi vì sự tiếp xúc với tia cực tím (UV) từ ánh nắng sẽ làm tăng thêm biến đổi sắc tố da. Bạn nên dùng kem chống nắng hàng ngày (có công thức bảo vệ da khỏi tia UVA và UVB) loại có chỉ số SPF 30 hoặc cao hơn, kể cả khi trời nắng hay không, và thường xuyên bôi lại suốt khoảng thời gian trong ngày nếu bạn ở ngoài trời.

Thực tế, nếu bạn không có ý định ra khỏi nhà hoặc không dành nhiều thời gian hoạt động ngoài trời,thì cũng nên có thói quen bôi kem chống nắng vào mỗi buổi sáng vì chúng ta có tiếp xúc với một lượng tia UV nhất định khi bạn đi bộ, lái xe hoặc thậm chí khi ngồi cạnh cửa sổ.

Khi bạn ở bên ngoài, hãy nhớ mặc áo khoác và đội mũ rộng vành cũng như mặc áo tay dài nếu bạn bị sạm da ở cánh tay. Nên hạn chế thời gian ở ngoài trời nắng, đặc biệt là vào tầm giữa 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều và tuyệt đối không nằm phơi nắng ở bãi biển với mong muốn có một làn da nâu khoẻ khoắn.

Chỉ sử dụng kem dưỡng và sữa rửa mặt loại nhẹ. Những chất trong mỹ phẩm gây kích ứng da có thể làm tình trạng trở nên xấu đi. Nếu nám da làm bạn khó chịu hãy dùng kem che khuyết điểm mà không nên dùng các sản phẩm tẩy trắng da trong khi đang mang thai. Những thay đổi về da sẽ sớm tự biến mất sau khi sinh.

Chăm sóc da như thế nào sau khi sinh?

Bạn nên tiếp tục bảo vệ da khỏi ánh nắng măt trời sau khi đã sinh em bé. Dùng kem chống nắng, che chắn da và tránh tiếp xúc ánh nắng vào buổi trưa. Hầu hết với mọi trường hợp, sự sạm da sẽ dần dần mất đi mà không cần bất cứ liệu pháp nào.
Tuy nhiên, đối với một số chị em, các biện pháp ngừa thai có chứa estrogen (như thuốc viên, miếng dán và vòng tránh thai) có thể gây nám da. Nếu sự biến đổi da gây khó chịu cho bạn, hãy xem xét phương pháp khác để kế hoạch hóa gia đình.

Nếu da bạn vẫn còn bị nám sau vài tháng và gây khó chịu thì bạn nên đến bác sĩ da liễu để tư vấn biện pháp chữa trị. Bác sĩ có thể chỉ định cho bạn sử dụng kem tẩy trắng có chứa hydroquinone (một số loại còn chứa kem chống nắng), một loại thuốc đắp có chứa tretinoin -chất trị mụn trứng cá (Retin-A), hoặc thuốc có chứa thành phần hóa học như axit glycolic. Tuy nhiên, bạn cần phải báo cho bác sĩ biết nếu bạn đang trong thời kỳ cho con bú hoặc có kế hoạch mang thai lần kế tiếp sớm để kiểm tra kỹ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc. 

Bạn đừng mong đợi vào một kết quả tức thời, có khi phải mất vài tháng mới thấy được tiến triển. Trong một số trường hợp hiếm gặp, bác sĩ da liễu có thể dùng liệu pháp laser để làm sáng làn da bị sạm, nhưng đó không phải là phương án ưu tiên. Dù bạn chọn phương pháp nào thì điều cốt yếu là phải tiếp tục bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời trong suốt quá trình điều trị và duy trì tiếp sau đó.

Sự thay đổi màu sắc da khi mang thai có phải là dấu hiệu của bệnh tật?

Một số thay đổi màu sắc ở da có thể là triệu chứng của ung thư da hoặc các chứng bệnh khác,vì vậy bạn cần đến khám tại bác sĩ khi thay đổi sắc tố da có kèm theo triệu chứng đau, mềm da, đỏ tấy hoặc chảy máu hay nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào về màu sắc, hình dạng và kích cỡ của một nốt ruồi . Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu để xác định nguyên nhân của những thay đổi đó và tìm ra phương án chữa trị thích hợp.

Bạn nên đọc
Quảng cáo