• Trang chủ
  • > Sách
  • > Phát triển cảm xúc và quan hệ xã hội
  • > Để con trai bạn cởi mở hơn
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Để con trai bạn cởi mở hơn

Để con trai bạn cởi mở hơn

  • Tác giả:
  • Thể loại: Phát triển cảm xúc và quan hệ xã hội
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 07/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Bạn muốn con trai cởi mở hơn và biết cách thể hiện cảm xúc của mình? Bạn muốn con trai chủ động tâm sự với bạn hơn là phải tra hỏi bé mỗi lúc đi học về? Hơi khó đấy, vì các bé trai thường không quen với kiểu trò chuyện này đâu. Nhưng thế không có nghĩa là chúng không có nhu cầu tâm sự về bản thân, về những khó khăn hay cảm giác của mình. Chỉ là, chúng không biết cách mà thôi.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào một người mẹ đang khao khát muốn biết con mình đang nghĩ gì có thể khuyến khích bé chia sẻ? Sau đây là một vài gợi ý.

Hợp tác

Bạn có thể dùng những hoạt động đơn giản để bắt đầu một cuộc trò chuyện với các bé. Hoạt động ấy có thể là cho bé chơi tung hứng, lăn bóng, chơi xếp hình, tô màu hoặc xếp Lego... và nhiệm vụ của bạn chỉ là ngồi bên cạnh, quan sát, thỉnh thoảng đưa cho bé vài khối hình. Tuy không giao tiếp nhiều bằng mắt hay kỳ vọng điều đó xảy ra, nhưng các bạn vẫn đang tương tác với nhau bằng cách tạo ra hay hoàn tất một điều gì đó, và cuộc trò chuyện sẽ bắt đầu. Khi lớn lên, các bé trai cũng sẽ sử dụng những hoạt động này như phương tiện chủ yếu để tương tác với mọi người.

Bạn có thể hỏi xem bé muốn xây cái gì, và quan sát cảm xúc khi bé mô tả mong muốn ấy. Bạn cũng có thể tham gia bằng cách gợi ý: “Mình có nên xây một cái hào quanh lâu đài chỗ này không con? Nó trông sẽ như thế nào nhỉ?” Thường thì những câu nói bâng quơ sẽ nảy sinh từ đây. Bằng câu hỏi: “Có cá mập trong hào không con?” bạn có thể sẽ nhận được từ con mình những câu trả lời như giờ ăn trưa hôm nay bạn Đăng đã ném thức ăn lung tung, hoặc bé có thể hỏi bạn rằng người ta có thể sống mà không cần có não hay không… Hãy bám theo mạch chuyện ấy.

Chú ý là trong quá trình chơi, có thể bạn sẽ phải chấp nhận những khoảng im lặng lâu một chút khi con đang mải mê suy nghĩ nhé.

Chơi cùng nhau

Ở một số văn phòng nước ngoài, người ta trang bị những thùng rác có gắn một cái rổ nhỏ ở phía trên để nhân viên thư giãn bằng cách ném từ xa những quả bóng giấy ngay vào thùng rác. Các bé trai cũng rất thích chơi như thế. Tôi có quen một vài bà mẹ đã “biến tấu” một chút trò bóng rổ bằng cách xếp những túi giấy mua hàng rồi ngồi xuống gần con trai mình, cùng nhau lần lượt lốp những quả bóng bàn vào những chiếc túi. Bạn không nhất thiết phải dùng bóng mà có thể thay bằng những khối xốp. Một cách khác nữa là tung những chú gấu bông vào rổ quần áo. Trò chơi này đơn giản, có thể lặp đi lặp nhiều lần với kết quả nhanh, rõ ràng, gọn gàng và bé trai rất thích.

Chơi cạnh nhau

Trẻ lên ba nên được khuyến khích chơi cạnh nhau, kiểu chơi mà hai bé ngồi cạnh nhau nhưng chơi những trò khác nhau. Hãy thử ngồi kế bên con trai bạn và tô màu khi bé tô màu, hoặc xây tháp kế bên cái tháp mà bé đang dựng.

Khi bố mẹ thử phương pháp này, hãy ngồi cạnh con khi bé làm gì đó và nhẹ nhàng hướng dẫn hoặc thỉnh thoảng hỏi vài câu về việc bé đang làm. Một vài lần thuyết minh của con sẽ trở thành đường dẫn cho cả câu chuyện (“Đây là con cá mập đang ăn thịt người đấy, và sau đó người máy sẽ đến bắt nó,”) từ đó bạn có thể đặt nhiều câu hỏi (“Hành tinh nào màu cam con nhỉ? Có tất cả bao nhiêu cá mập trên thế giới hả con? Robot có thật không con? Mình có thể làm một con robot được không nhỉ?”)

Điều cốt lõi là bạn phải kìm nén để không nói và không hỏi quá nhiều. Hãy tuân theo những điều cơ bản: “Nó trông rất tuyệt,” hay là “Con cần một mảnh ghép khác không?” Nhiệm vụ của con là hoàn tất tòa tháp, bức tranh hoặc bộ xếp hình, bé sẽ tự tìm ra cách riêng hợp với trình độ của mình. Và cho dù không nói lời nào thì trẻ vẫn rất quý những lúc có bạn kề bên.

Nhận diện và vượt qua khó khăn

Bé trai sẽ không chú tâm đâu nếu bạn cứ nói mãi về việc chúng nên xử sự thế nào. Thay vào đó bạn có thể thử những câu ngắn để cho con biết cảm xúc mà bé đang trải qua là gì. Có thể là, “Con đang tức giận. Vì chiếc xe của con không chạy.” “Anh Tí đánh trúng con, khiến con bị đau.” Việc này ban đầu có thể khiến bạn cảm giác mình thật ngớ ngẩn, tuy nhiên, khi nói những lời ấy là bạn đang chỉ cho con mối liên hệ giữa cảm xúc và từ ngữ bé có thể dùng để diễn đạt chúng.

Lặp lại những câu khẳng định ngắn kia khi bé đã tương đối bình tĩnh lại. Sau nhiều lần như vậy, bé sẽ nắm được mối liên kết giữa cảm xúc và từ ngữ thích hợp để gọi tên cảm xúc ấy. Ít nhất thì con bạn có thể gật hay lắc đầu khi bạn hỏi về cảm xúc của bé.

Một khi con đã gọi tên được cảm xúc, bạn có thể bắt đầu giảng cho con nghe những hành động của con có thể tác động thế nào đến người khác: “Con đánh bạn Huy, nên bây giờ bạn ấy giận con, và không muốn chơi với con nữa.” Hãy khuyến khích bé liên kết hành vi của mình và phản ứng của người khác, từ đó bé có thái độ đúng mực và biết cảm thông hơn.

 

Bạn nên đọc
Quảng cáo