• Trang chủ
  • > Sách
  • > Chăm sóc bé hàng ngày
  • > Khen, chê con như thế nào để định hình hành vi của bé khi lớn lên?
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Khen, chê con như thế nào để định hình hành vi của bé khi lớn lên?

Khen, chê con như thế nào để định hình hành vi của bé khi lớn lên?

  • Tác giả:
  • Thể loại: Chăm sóc bé hàng ngày
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 11/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Mỗi một đứa trẻ khi sinh ra giống như một tờ giấy trắng và từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành tờ giấy đó sẽ liên tục được ghi các thông tin từ bên ngoài. Đó là những lời nói của bố mẹ, của những người thân trong gia đình, của mọi người xung quanh… Những thông tin này sẽ in hằn vào não trẻ dẫn lối cho những hành vi của trẻ cho đến mãi về sau. Bạn muốn con mình tin gì? Tin chúng được yêu thương hay bị ghét bỏ? Tin chúng là đứa trẻ lịch sự, biết giúp đỡ người khác, cận thận hay vô tâm, ích kỷ, nhút nhát…? Những giá trị này phụ thuộc rất nhiều vào lời nói hằng ngày của bạn đặc biệt là những lời khen, khi con làm đúng, lời chê khi con làm sai. Những lời nói này có thể rất ngẫu nhiên nhưng đôi khi lại ảnh hưởng không nhỏ tới hành vi của trẻ khi lớn lên.

1.  Khen con thế nào cho đúng
        
Khen con ở mức độ nào để trẻ có vừa cảm thấy mình là người có giá trị, tăng sự tự tin cho trẻ nhưng lại không biến chúng thành người kiêu ngạo, tự mãn và hiếu thắng vốn không phải là dễ. Khi con làm điều gì đúng bạn đừng chỉ khen một cách chung chung, ôi con giỏi quá hay con thông minh quá! Hãy khen cụ thể vào từng hành động của trẻ, vào quá trình trẻ đã hoàn thành việc đó ra sao và nếu kèm cảm xúc vui sướng của bố mẹ sẽ càng khiến trẻ cảm thấy thích thú hơn. Chẳng hạn, khi trẻ tự giác chào thật to ai đó, mà mỗi khi bạn phải nhắc nhiều lần lắm trẻ mới chịu chào và bạn tất nhiên phải khen khích lệ hành động này của con rồi. “Ồ hôm nay mẹ rất vui khi con gái mẹ đã chào bác Hạnh thật to, thật dõng dạc, con đúng là một em bé thân thiện đấy!” Khi trẻ giúp bạn làm việc gì đó cũng vậy, bạn nên nhìn vào mắt trẻ nói với trẻ rằng bạn rất biết ơn trẻ và rằng bạn rất tự hào vì con bạn là một em bé biết giúp đỡ người khác. Khi trẻ loay hoay mãi cuối cùng cũng hoàn thành một trò chơi xếp hình nào đó mà trước đây trẻ đều bỏ cuộc giữa chừng, bạn có thể khen sự kiên nhẫn, sự cố gắng của con và rằng bạn vui biết bao khi con đã làm được việc đó. Tùy từng trường hợp mà bạn nên lựa chọn lời khen sao cho phù hợp, để tâm vào điều đó chứ không phải chỉ khen cho có. Trẻ em rất nhạy cảm và đủ tinh ý để nhận ra xem liệu bạn có khen chúng thật lòng hay không?

2.  Chê con thế nào cho đúng

“Ôi thằng nhà em cẩu thả lắm, chả được cái tích sự gì cả, mặc cái áo cũng không xong!” Một lời nói mang tính nửa đùa, nửa thật trong câu chuyện của bạn nhưng bạn có tin nó lại ảnh hưởng rất lớn đến trẻ không? Nếu bạn luôn nói với con rằng con cẩu thả, làm cái gì cũng hỏng thì trước mỗi việc gì đó con đều cho rằng mình là đứa trẻ hậu đậu nên mình chẳng thể làm gì được đâu. Chính cái suy nghĩ đó đã làm mất sự tự tin của trẻ và càng khiến cho kết quả tồi tệ hơn. Vậy nếu trẻ làm chưa đúng bạn phải nói như thế nào? Bạn nên nhìn vào điểm tốt của con để nói trước, và hãy nhìn bằng quá trình chứ không phải chỉ tại thời điểm đó. Nếu con tô mãi vẫn chưa xong một bức tranh thay vì nói con chậm chạp, bạn hãy nhìn xem con tô có tiến bộ hơn hôm qua không? từ đó ghi nhận sự cố gắng của con, khuyến khích và động viên con hoàn thành nốt những phần chưa xong. Nếu con bạn dù đã được nhắc nhở rất nhiều lần nhưng gặp người lớn vẫn không chịu chào! Bạn đừng vội vàng kết luận rằng con hư hay không biết nghe lời, bạn nên giải thích với trẻ vì sao trẻ cần chào hỏi mọi người? Và tốt nhất bạn hãy làm gương cho trẻ, bạn muốn trẻ làm gì, hãy làm điều đó trước. Bên cạnh đó bạn cũng có thể kể cho trẻ nghe các câu chuyện mà nhân vật chính có những hành động chưa tốt giống như trẻ là một đồ vật hay con vật nào đó mà trẻ yêu thích? Rồi hỏi trẻ xem nhân vật đó làm vậy có đúng  hay không? Và lần sau nên làm như thế nào? Để trẻ được tự nói, tự cảm nhận, trẻ sẽ nhớ lâu hơn và cũng tự sửa mình.

 Điều cấm kỵ nhất trong việc chê con là đừng đem con mình so sánh với bất kỳ đứa trẻ nào khác. Bạn nên nhớ con bạn là một cá thể riêng biệt và chúng không giống với bất kỳ ai cả, vì vậy hãy chỉ so sánh con bạn với chính nó của ngày hôm qua để thấy sự tiến bộ của con mà thôi.

Khi nhận xét về một điều gì đó chưa tốt ở con như sự nhút nhát, hay xấu hổ… bạn không nên nói trước mặt con, đừng đem những điều trẻ làm chưa được đó thành câu chuyện phiếm giữa những người lớn với nhau. Trẻ con vốn dĩ rất yếu đuối, trong quá trình trưởng thành trẻ cần sự khích lệ nhiều hơn là chê bai. Những điều chê bai vốn dĩ dễ nói ra hơn là những lời khen, vì vậy để làm được điều này bản thân bố mẹ cũng cần phải học hỏi và phải nhìn trẻ bằng ánh mắt bao dung bao hàm cả sự chân thành và tình yêu thương đối với trẻ. Suy cho cùng, bạn chê con cũng chỉ là mong con có sự cải thiện, sự tiến bộ, nhưng nếu điều đó lại thành vết thương tinh thần cho con, khiến con tự ti thì chẳng phải đã đi ngược lại điều bạn mong muốn hay sao.

Bạn nên đọc
Quảng cáo