- Trang chủ
- > Sách
- > Phục hồi sau sinh
- > Những sự thật phũ phàng sau sinh mà mẹ nào cũng phải trải qua
- Cỡ chử:
- - Nhỏ
- + Lớn

Những sự thật phũ phàng sau sinh mà mẹ nào cũng phải trải qua
- Tác giả:
- Thể loại: Phục hồi sau sinh
- Nguồn:
- Ngày cập nhật: 10/08/2017
- Lưu vào tủ sách của tôi
- Chia sẽ:
1. Căng sữa
Sau khi “sữa về” (khoảng từ 2 đến 4 ngày sau sinh) - thực tế là sự chuyển tiếp từ sữa non sang sữa già, ngực bạn có thể bị căng, cứng và đau nhức. Hiện tượng căng tức sữa sẽ giảm khi bé có lịch bú ổn định hoặc khi cơ thể bạn ngưng không sản xuất sữa nữa nếu bạn không cho bé bú mẹ (thường là dưới 3 ngày nếu bé không ngậm mút ti mẹ)
Bạn có thể làm giảm bớt sự khó chịu bằng cách mặc một chiếc áo ngực vừa vặn và chườm lạnh cho ngực. Nếu bạn đang cho bé bú mẹ thì hãy vắt ra một ít cho bớt căng. Nếu bạn không cho bé bú mẹ thì hãy tránh tắm nước nóng và vắt sữa vì làm vậy, cơ thể bạn sẽ hiểu là cần sản xuất thêm sữa. Bạn cũng có thể dùng thuốc giảm đau cho đến khi hết sữa.
2. Viêm vú
Viêm vú, hoặc nhiễm trùng vú, thường được xác định thông qua triệu chứng xuất hiện một vùng ngực bị đỏ, đau (mà cũng có thể nguyên cả vùng ngực). Nhiễm trùng vú – có thể được gây ra bởi vi khuẩn và sức đề kháng của cơ thể yếu do căng thẳng, mệt mỏi hoặc núm vú bị nứt – có thể kèm theo sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, nhức đầu và/hoặc buồn nôn và ói mửa. Gặp bất kỳ triệu chứng nào trên đây, bạn cũng nên báo với bác sĩ. Bác sĩ có thể sẽ kê kháng sinh để điều trị cho bạn.
Bạn vẫn có thể tiếp tục cho bé bú mẹ cả hai bên bình thường. Viêm vú không ảnh hưởng đến sữa. Quan trọng là bạn cần nghỉ ngơi và uống thật nhiều nước. Chườm khăn nhúng nước ấm lên vùng bị đau có thể làm bạn bớt khó chịu, và chườm lạnh sau khi cho bú có thể làm giảm tắc tia sữa. Bạn cũng nên tránh mặc các loại áo quần và áo ngực bó sát.
3. Tắc tia sữa
Tắc tia sữa làm ngực bạn sưng, đỏ, đau và nổi cục, giống như viêm vú. Tuy nhiên, khác với viêm vú, tắc tia sữa không kèm theo các triệu chứng giống như cảm cúm.
Mát xa ngực, cho bú liên tục cho tới khi ngực trống; và chườm khăn nhúng nước ấm lên vùng bị đau mỗi ngày vài lần cũng có thể giải quyết được vấn đề. Tuy nhiên nếu những cách này cũng không làm tan các cục sữa tắc thì bạn phải đến gặp bác sĩ thôi.
4. Rạn da
Rạn da là những lằn nứt xuất hiện trên ngực, mông, đùi và bụng nhiều mẹ khi mang thai. Những vết đỏ này, xuất hiện bởi sự thay đổi nội tiết tố và do da bị kéo căng, sẽ trở nên dễ thấy hơn sau khi sinh. Dù không thể hết hoàn toàn, những vết rạn da này sẽ mờ dần đáng kể theo thời gian. Nhiều mẹ mua các loại kem, dưỡng da và dầu chuyên chống và trị rạn da nhưng chưa có bằng chứng nào cho thấy chúng có tác dụng. Khoảng một nửa số phụ nữ bị rạn da khi mang thai bất kể họ có dùng kem chống rạn hay không.
5. Bệnh trĩ và táo bón
Trĩ và táo bón khá phổ biến với phụ nữ mang thai và sau khi sinh do áp lực của tử cung to ra và thai nhi chèn vào các tĩnh mạch của vùng bụng dưới. Dùng thuốc dạng bôi hoặc xịt kết hợp với một chế độ ăn giàu chất xơ và chất lỏng có thể giúp giảm táo bón và trĩ bị phình ra. Ngâm phần dưới vào chậu nước ấm rồi sau đó đắp gạc lạnh cũng làm giảm đau. Dùng loại gối có lỗ ở giữa (giống hình dạng bánh donut) có thể giúp đỡ khó chịu khi ngồi hơn.
Đừng dùng thuốc nhuận tràng, thuốc viên đạn hoặc thuốc thụt mà không hỏi ý kiến bác sĩ, đặc biệt nếu bạn có vết rạch hoặc khâu ở tầng sinh môn.
6. Tiêu tiểu không tự chủ
Việc đi tiểu và đi tiêu không tự chủ sau khi sinh gây phiền toái cho một số bà mẹ.
Són ra một ít nước tiểu, đặc biệt khi cười, ho hoặc gắng sức, là do bàng quang bị kéo giãn ra trong suốt quá trình mang thai và sinh nở. Thường thì bạn cần thời gian để các cơ trở lại bình thường hoặc có thể tập bài tập Kegel nếu muốn nhanh hồi phục hơn. Nếu sau một thời gian mà vấn đề này không được cải thiện thì bạn nên đến gặp bác sĩ để được kê thuốc. Nếu bạn bị đau rát khi đi tiểu hoặc muốn đi tiểu liên tục thì đó có thể là dấu hiệu viêm nhiễm bàng quang.
Đi tiêu không tự chủ thường do các cơ vùng chậu bị giãn và yếu đi, đáy chậu bị rách, và dây thần kinh của các cơ thắt xung quanh hậu môn bị tổn thương trong quá trình sinh nở. Trường hợp này dễ xảy ra nhất ở các ca sinh thường mà chuyển dạ lâu. Mặc dù hiện tượng đi tiêu không tự chủ thường biến mất sau vài tháng, bạn hãy nói chuyện với bác sĩ để được hướng dẫn bài tập giúp kiểm soát vấn đề này và nếu sau một thời gian mà vấn đề này vẫn không tự hết thì có thể cần đến phẫu thuật.
7. Rụng tóc
Đến lúc bé được 6 tháng tuổi thì mái tóc dày mượt lúc mang thai đã dần quay trở về tình trạng ban đầu kèm theo rụng tóc. Trong thời gian mang thai, lượng hormon tăng vọt làm ngăn việc rụng tóc mỗi ngày. Vài tháng sau khi sinh (hay khi giảm lượng cho bé bú hoặc ngừng hẳn), nhiều mẹ bắt đầu thấy hoảng với việc rụng tóc ở tốc độ đáng báo động. Hãy yên tâm, lượng tóc mất đi chỉ bằng lượng tóc đáng lẽ ra đã rụng trong lúc mang thai.
8. Trầm cảm sau sinh
Hầu hết phụ nữ đều trải qua hội chứng "baby blues" sau khi sinh con. Lượng hormon thay đổi, cùng với trách nhiệm mới phải chăm sóc cho đứa con mới sinh, làm nhiều người mẹ trẻ cảm thấy lo lắng, quá tải hoặc giận dữ. Đối với hầu hết các trường hợp, tâm trạng ủ rũ và trang thái trầm cảm nhẹ này sẽ qua đi trong vòng vài ngày hoặc vài tuần.
Còn trầm cảm kéo dài hoặc nghiêm trọng hơn được xếp vào dạng trầm cảm sau sinh (PPD), một bệnh xuất hiện ở khoảng 10 – 20% số phụ nữ mới sinh con, thường thể hiện rõ sau khi sinh từ hai tuần đến ba tháng với biểu hiện vô cùng lo lắng hoặc tuyệt vọng. Thiếu ngủ, lượng hormon thay đổi và nỗi đau thể xác sau khi sinh có thể góp phần gây ra chứng bệnh trầm cảm này, làm cho một số phụ nữ khó thích nghi với vai trò mới của họ và vượt qua cảm giác cô đơn, sợ hãi hoặc thậm chí tội lỗi.
Bước điều trị đầu tiên là tranh thủ sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè thân thiết. Hãy chia sẻ cảm xúc với họ và nhờ họ chăm sóc bé giùm bạn. Bạn phải nói với bác sĩ tất cả các triệu chứng để bác sĩ kê đơn thuốc hoặc giới thiệu những nhóm hỗ trợ để giúp bạn vượt qua những cảm xúc này.
Nếu bệnh trầm cảm của bạn còn kèm theo tình trạng thờ ơ với em bé, có những suy nghĩ tự tử hoặc bạo lực, ảo giác hoặc hành vi bất thường thì bạn cần phải được điều trị y tế ngay lập tức. Những triệu chứng này có thể là biểu hiện của một tình trạng nghiêm trọng hơn, gọi là rối loạn tâm thần sau sinh.
9. Trục trặc trong quan hệ tình dục
Bạn có thể sinh hoạt tình dục lại khi bạn cảm thấy thoải mái – cả về thể chất lẫn tinh thần. Sau khi sinh thường, tốt nhất nên để các mô âm đạo hồi phục hoàn toàn rồi mới quan hệ tình dục trở lại, thường là sau khi sinh từ bốn đến sáu tuần (hoặc sớm hơn nếu bạn không bị rạch tầng sinh môn). Nếu sinh mổ thì bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nên chờ sáu tuần.
Có thể bạn sẽ thấy quan hệ tình dục không thoải mái, thậm chí đau cho đến ba tháng sau sinh, đặc biệt nếu bạn đang cho con bú. Bởi vì cho con bú làm giảm lượng hormon estrogen trong cơ thể, âm đạo của bạn có thể bị khô bất thường trong thời kỳ sau sinh. Bạn có thể dùng kem bôi trơn có gốc nước để làm giảm một số cảm giác khó chịu. Đau ở vết rạch tầng sinh môn cũng không phải hiếm gặp sau khi sinh.
Ngay cả khi cơ thể bạn đã hồi phục, có thể bạn sẽ cảm thấy ít hứng thú với tình dục hơn trước đây. Mệt mỏi thể chất cộng thêm những mối quan tâm mới và những thay đổi về cảm xúc có thể làm ảnh hưởng đến ham muốn tình dục của bạn. Nhiều phụ nữ cảm thấy mình thiếu hấp dẫn sau khi sinh, và do đó một số cảm thấy khó lên đỉnh hơn. Việc cho con bú cũng có thể thay đổi cách bạn và chồng cảm nhận về sự gắn bó về tình dục. Bạn hãy chia sẻ cảm giác với chồng và nếu bạn nhận ra rằng những vấn đề này chỉ là tạm thời thì bạn sẽ vượt qua dễ dàng hơn.
10. Lấy lại vóc dáng ban đầu
Tập thể dục là một trong những cách hiệu quả nhất để giảm cân sau khi mang thai, tái tạo năng lượng, giảm stress, và phục hồi sức khỏe cơ bắp cho bạn. Trừ khi bạn sinh mổ, sinh khó hoặc có các biến chứng thai kỳ, thường là bạn có thể tiếp tục các bài tập thể dục ở cường độ vừa phải khi bạn cảm thấy sẵn sàng. Nếu bạn đã từng tập trước và trong lúc mang thai thì khi tập thể dục sau sinh bạn sẽ có một khởi đầu thuận lợi, nhưng cũng đừng vội lao ngay vào các bài tập mạnh nhé.
Đi bộ nhanh và bơi lội là những bài tập tuyệt vời để dần dần tiến đến những hoạt động có cường độ mạnh hơn. Tuy nhiên, do nguy cơ vi khuẩn có thể xâm nhập vào các mô âm đạo đang trong quá trình hồi phục, bạn không nên bơi trong ba tuần đầu sau sinh.
Các bài tập tăng cơ bắp và sức bền, như bật người lên ở tư thế nửa nằm nửa ngồi hoặc nằm ngửa nâng hai chân lên, là một trong những bài tập thể dục bắt đầu tốt nhất sau khi sinh. Các bài tập với tạ nhẹ cũng có thể giúp cơ thể bạn lấy lại vóc dáng trước khi mang thai. Nhưng hãy nhớ tập chậm và tập trung vào sức khỏe lâu dài hơn là các kết quả ngắn hạn.
Nhiều phòng tập thể dục cũng có các lớp tập thể dục sau sinh. Ngoài việc được hướng dẫn các bài tập đặc biệt, tham gia những lớp này còn là cách tuyệt vời để kết nối với các bà mẹ mới sinh khác và được hỗ trợ để có thể theo đuổi lâu dài một chương trình tập luyện.
Mẹ bầu muốn phục hồi sau sinh nhanh chóng thì áp dụng cách chăm sóc sau sinh chuẩn xác này
Giải pháp giảm cân cho mẹ sau sinh
Mẹ bầu sau sinh nhất định phải phục hồi tất cả 6 điều này thì mới gọi là "ở cữ" thành công
Những mẹo hay để mẹ chăm sóc bé, thảnh thơi chăm sóc lại bản thân
Tuyệt chiêu để mẹ có mái tóc dày và đẹp đến không ngờ sau sinh không mất nhiều tiền