• Trang chủ
  • > Sách
  • > Khám thai và chích ngừa
  • > Những thủ thuật và xét nghiệm bác sỹ sẽ phải làm cho mẹ trong lần khám thai ở tam cá nguyệt 2
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Những thủ thuật và xét nghiệm bác sỹ sẽ phải làm cho mẹ trong lần khám thai ở tam cá nguyệt 2

Những thủ thuật và xét nghiệm bác sỹ sẽ phải làm cho mẹ trong lần khám thai ở tam cá nguyệt 2

  • Tác giả:
  • Thể loại: Khám thai và chích ngừa
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 08/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Trong tam cá nguyệt thứ hai, bạn sẽ gặp bác sỹ sản khoa bốn tuần một lần trừ khi tình trạng sức khỏe của bạn đòi hỏi phải thăm khám thường xuyên hơn. Sau đây là những gì bạn có thể mong đợi bác sỹ sản khoa thực hiện tại mỗi lần thăm khám.

Thu thập thông tin

Bác sỹ của bạn sẽ bắt đầu bằng việc xem lại biểu đồ các chỉ số của bạn và giải đáp những thắc mắc từ lần khám thai trước. Bác sỹ sẽ cho bạn biết các kết quả xét nghiệm đã được trả về.

Bác sỹ sẽ hỏi bạn những câu hỏi như sau:

Bạn có cảm thấy buồn nôn?

Bạn có cảm nhận được thai máy chưa (sau này, câu hỏi sẽ là: thai máy có diễn ra thường xuyên như trước đây?)

Bạn có bị ra dịch âm đạo hoặc xuất huyết âm đạo?

Bạn có bị những cơn co thắt?

Bác sỹ cũng sẽ muốn biết bạn cảm thấy như thế nào về mặt thể chất lẫn tinh thần. Hãy nhớ rằng những cuộc thăm khám như thế này là dịp tốt để bác sỹ giải đáp những thắc mắc hoặc những vấn đề bạn quan tâm.

Ghi nhận cân nặng

Tăng cân hợp lý sẽ làm tăng cơ hội có một thai kỳ và em bé khỏe mạnh. Việc bạn phải tăng bao nhiêu cân sẽ phụ thuộc vào cân nặng và chiều cao của bạn trước khi mang thai, và bạn có mang đa thai hay không.

Một số phụ nữ mang thai cảm thấy căng thẳng với việc kiểm tra cân nặng ở mỗi kỳ khám thai, nhất là khi bàn cân hiển thị lên những con số chóng mặt mà họ chưa từng thấy trước đây.

Nếu bạn có tiền sử bị rối loạn ăn uống như biếng ăn hoặc bạn đang gặp phải vấn đề này, hãy cho bác sỹ của bạn biết. Bác sỹ sẽ giúp bạn có được sự hỗ trợ cần thiết.

Xét nghiệm nước tiểu và đo huyết áp

Đạm trong nước tiểu có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu, nếu đi kèm với cao huyết áp thì nó sẽ là một dấu hiệu của tiền sản giật. Nếu nước tiểu của bạn không chứa đạm nhưng huyết áp của bạn cao, rất có khả năng bạn bị tăng huyết áp thai kỳ.

Cũng không phải là bất thường nếu như đôi khi xét nghiệm cho thấy một lượng đường thấp trong nước tiểu của bạn, nhưng nếu mức đường trong nước tiểu của bạn cao hoặc nước tiểu thường xuyên có đường, bác sỹ sẽ tiến hành làm xét nghiệm thử máu đề kiểm tra tiểu đường thai kỳ (Tất cả các thai phụ sẽ được kiểm tra tiểu đường thai kỳ vào cuối tam cá nguyệt thứ hai).

Nghe tim thai

Bác sỹ có thể đã phát hiện được nhịp tim của em bé của bạn ngay ở tuần thứ 10 qua sự trợ giúp của thiết bị siêu âm cầm tay có tên là Doppler. Tuy nhiên việc nghe tim thai lần đầu tiên thường được thực hiện ở tuần thứ 12, tùy thuộc vào vị trí của em bé của bạn trong tử cung, cân nặng của bạn và mức độ chính xác của ngày dự sinh.

Việc kiểm tra tim thai sẽ được thực hiện ở mỗi lần khám thai.  

Thăm khám bụng

Bác sỹ sẽ nắn bụng của bạn để ước lượng kích cỡ của tử cung và em bé đang lớn dần của bạn. Từ giai đoạn giữa của thai kỳ, bác sỹ sẽ sử dụng thước dây để đo chiều cao tử cung của bạn - khoảng cách giữa xương mu và đáy tử cung - để ước tính kích thước của em bé và tốc độ tăng trưởng.

Từ tuần thứ 20 đến tuần thứ 36 hoặc lâu hơn, kết quả đo lường (tính theo cm) phải tương ứng với tuần thai của bạn. Vì vậy, nếu bạn đang mang thai 24 tuần, chiều cao tử cung của bạn sẽ đạt khoảng 24 cm.

Bác sỹ cũng sẽ kiểm tra mức độ phù của tay và chân của bạn. Nếu bạn gặp một số vấn đề nhất định về thể chất, bác sỹ cũng sẽ xem xét.

Thảo luận về các xét nghiệm và các thủ tục

Nếu bạn lựa chọn không cho lấy mẫu lông nhung màng đệm (CVS) - một xét nghiệm trong tam cá nguyệt đầu tiên để chẩn đoán những bất thường nhiễm sắc thể và các vấn đề di truyền khác - bác sỹ sẽ cung cấp cho bạn sàng lọc và xét nghiệm chẩn đoán trong tam cá nguyệt thứ hai.

Ở giai đoạn từ tuần thứ 15 và tuần thứ 18, bạn có thể làm xét nghiệm sàng lọc đa dấu hiệu, một loại xét nghiệm máu để đo nồng độ của 3 hoặc 4 chất (dấu hiệu) nhằm đánh giá rủi ro thai nhi bị Hội chứng Down. Trong đó, dựa vào nồng độ của chất AFP (alpha-fetoprotein, một loại protein do thai sản xuất) có thể đánh giá rủi ro thai nhi bị dị tật bẩm sinh như cột sống chẻ đôi.

Lý tưởng nhất, sàng lọc đa dấu hiệu nên được thực hiện kết hợp với sàng lọc của tam cá nguyệt đầu tiên - xét nghiệm máu và siêu âm đo độ mờ da gáy (ĐMDG) - vì khi kết hợp các kết quả sẽ cung cấp một đánh giá tốt hơn về nguy cơ một số rối loạn bẩm sinh ở thai nhi.

Bác sỹ cũng sẽ đề nghị bạn làm chọc dò ối, một loại xét nghiệm để tầm soát Hội chứng Down cũng như những bất thường khác về nhiễm sắc thể, rối loại di truyền, và dị tật ống thần kinh. Xét nghiệm này thường được làm ở tuần 16 đến  tuần 20 của thai kỳ.

Chọc dò ối mang nguy cơ thấp gây sảy thai, do vậy thường được lựa chọn trong những trường hợp thai phụ được chẩn đoán có nguy cơ cao về các vấn đề di truyền và nhiễm sắc thể. Một số phụ nữ có thể lựa chọn đợi kết quả xét nghiệm sàng lọc khác của tam cá nguyệt thứ nhất và tam cá nguyệt thứ hai trước khi quyết định chọc dò ối.

Nếu bạn không làm sàng lọc đa dấu hiệu hoặc chọc dò ối, bạn có thể được cung cấp riêng sàng lọc dị tật ống thần kinh trong tam cá nguyệt thứ hai. Sàng lọc này có thể bao gồm xét nghiệm AFP trong máu hoặc siêu âm, hoặc cả hai.

Dù bạn có lựa chọn làm một trong những sàng lọc hoặc xét nghiệm trên hay không, đa số các bác sỹ sẽ làm siêu âm cho bạn trong giai đoạn từ tuần 16 đến tuần 20 để kiểm tra những bất thường về thể chất của thai nhi và xác định lại ngày dự sinh của bạn. Đây cũng là cơ hội đề tìm hiểu về giới tính của em bé nếu bạn muốn.

Nếu đang trong mùa cúm (hoắc sắp đến mùa cúm), bác sỹ sẽ cho bạn biết về những lợi ích của tiêm phòng cúm.

Xét nghiệm máu

Từ giữa tuần 24 và tuần 28 của thai kỳ, bạn sẽ được làm xét nghiệm dung nạp đường glucose để kiểm tra tiểu đường thai kỳ, hoặc một xét nghiệm máu khác để kiểm tra bệnh thiếu máu.

Nếu bạn mang nhóm máu Rh âm tính nhưng cha của em bé không mang nhóm máu này (hoặc bạn không biết chắc chắn), bạn sẽ được làm thêm xét nghiệm kháng thể để kiểm tra để xem liệu cơ thể của bạn có sản xuất ra kháng thể gây hại cho máu của em bé hay không (nhóm máu của em bé có khả năng mang Rh dương tính).

Nếu xét nghiệm máu cho thấy cơ thể bạn đang sản xuất ra kháng thể, em bé của bạn sẽ được theo dõi các vấn đề liên quan trong giai đoạn còn lại của thai kỳ. Nếu cơ thể của bạn chưa sản xuất ra kháng thể, bạn sẽ được tiêm globulin miễn dịch Rh ở tuần thứ 28 để cơ thể của bạn không còn sản xuất ra kháng thể này nữa.

Một số bác sỹ sẽ đợi kết quả xét nghiệm và tiến hành tiêm globulin miễn dịch Rh cho bạn sau khi kết quả cho thấy cơ thể bạn không sản xuất ra kháng thể. Một số bác sỹ khác sẽ tiêm ngay globulin miễn dịch cho bạn ở tuần 28 của thai kỳ (do việc tiêm globulin không có ích cũng như không gây hại gì trong trường hợp cơ thể bạn đã sản xuất ra kháng thể rồi).

Cung cấp tập huấn và tư vấn

Vào cuối mỗi buổi thăm khám, bác sỹ của bạn sẽ xem lại kết quả của những tầm soát đã thực hiện và cho bạn biết nếu có vấn đề gì đáng lo ngại. Bác sỹ cũng sẽ cho bạn biết về những thay đổi của cơ thể có thể xảy ra trước khi bạn đến khám lần tiếp theo và những dấu hiệu cần gọi ngay bác sỹ.

Vào cuối tam cá nguyệt này, bác sỹ sẽ giải thích tầm quan trọng của việc theo dõi thai máy và cho cảnh báo bạn về các dấu hiệu chuyển dạ sinh non và tiền sản giật.

Đôi khi trong tam cá nguyệt này bác sỹ sẽ nói với bạn về các lớp học tiền sản. Hãy hỏi bác sỹ về các lớp học được cung cấp trong cộng đồng hoặc tại bệnh viện nơi bạn dự định sinh.

Có thể bạn cũng sẽ muốn tìm hiểu về các khóa hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ và chăm sóc trẻ em bé mà bạn dự định học trong tam cá nguyệt thứ ba. Và cũng không quá sớm để bắt đầu lựa chọn bác sỹ nhi cho em bé của bạn - bác sỹ sản khoa của bạn có thể sẽ giúp được bạn trong việc này.

 

Bạn nên đọc
Quảng cáo