• Trang chủ
  • > Sách
  • > Dành cho mẹ
  • > Nói với con về em bé: khi con 1-3 tuổi
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Nói với con về em bé: khi con 1-3 tuổi

Nói với con về em bé: khi con 1-3 tuổi

  • Tác giả:
  • Thể loại: Dành cho mẹ
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 11/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Hầu hết những đứa trẻ từ 1-3 tuổi vẫn chưa đủ từ vựng cũng như khả năng nhận thức để hiểu rằng trong bụng mẹ hiện giờ có một em bé đang lớn lên. Những điều bạn giải thích dường như đều không có ý nghĩa là mấy đối với bé, trừ khi bé được tận mắt nhìn thấy em của mình.

Khi nào nên nói với con về em bé trong bụng?

Một đứa bé nhỏ hơn 18 tháng tuổi thường sẽ chẳng nhận ra được sự khác biệt khi mẹ mang thai cho đến tam cá nguyệt thứ ba vì chiếc bụng của mẹ đã thật lớn. Nếu bé đã bắt đầu biết nói chuyện và thích chơi những trò chơi giả tưởng, chơi đồ hàng, có lẽ bé sẽ dễ dàng hơn để mường tượng ra rằng có một em bé đang nằm trong bụng mẹ. Nói tóm lại, với những đứa bé trong khoảng từ 1-3 tuổi, bạn không cần phải có buổi nói chuyện nghiêm túc với chúng để thông báo khi mình đang mang thai.

Nếu bạn cần phải giải thích cho bé nghe vì sao bạn cảm thấy buồn nôn, đau nhức cơ thể hay mệt mỏi trước khi bạn muốn thông báo chính thức về cái thai, bạn có thể cứ trả lời đơn giản rằng bạn cảm thấy không được khỏe. Đừng nên cho bé biết rằng bạn bị mệt là do đang mang thai vì có thể bé sẽ đổ lỗi cho em bé trong bụng mẹ, vì em mà mẹ không thèm chơi đùa với bé nữa.

Khi bạn quyết định nói cho gia đình và bạn bè biết tin vui của mình, đó cũng là lúc bạn nên nói cho bé nghe. Chọn những thời điểm để thông báo việc mang thai khi bé cảm thấy vui vẻ, thoải mái và không phải đang đấu tranh với những thay đổi mệt mỏi, muộn phiền nào, chẳng hạn như khi bé vừa bắt đầu đi nhà trẻ hoặc vừa khỏi ốm… Hãy cứ để mọi thứ diễn ra tự nhiên như những lần bạn kể chuyện cho bé, và lần này sẽ là câu chuyện về đứa em bé bỏng đang “sống” trong bụng mẹ, chờ đợi ngày ra đời để cùng chơi với anh/chị của nó. Nếu được, nên có sự có mặt của cả bố mẹ và dành nhiều thời gian để cho bé tiếp thu câu chuyện cũng như giải đáp những thắc mắc của bé. Tốt nhất thì chính bạn phải là người nói cho bé nghe chứ đừng để bé nghe ngóng được câu chuyện từ hàng xóm hoặc người bà con nào đấy nhé!

Phải làm gì khi bạn bị sảy thai sau khi nói cho bé nghe?

Nếu không may sau khi bạn nói với bé về cái thai trong bụng nhưng sau đó lại bị sảy thai, bạn có thể giải thích cho bé rằng em bé trong bụng không thể lớn lên và không đủ khỏe mạnh để chào đời, và rằng không lâu nữa bạn sẽ cố gắng để có một em bé khác thêm lần nữa.

Cũng chẳng sao cả nếu bạn để cho bé thấy bạn buồn hay khóc một chút. Có thể bé cũng sẽ buồn và khóc theo mẹ nhưng chủ yếu là do bé bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của mẹ chứ không phải do bé cảm nhận được sự mất mát của mình như thế nào.Bạn có thể giúp bé điều chỉnh cảm xúc của mình bằng cách lắng nghe bé nói chuyện và tự chăm sóc lại bản thân mình cả về tinh thần lẫn thể chất để bé có thế thấy được bạn đang cảm thấy tốt hơn và vui vẻ trở lại.

Nên nói với con như thế nào về em bé?

Trước khi chính thức nói với con về em bé trong bụng mẹ, bạn có thể bắt đầu đặt trước những nền tảng cho câu chuyện của mình. Ví dụ như đọc cho bé nghe những truyện về em bé, về anh chị em, hoặc bạn chỉ cho bé những đứa em nhỏ của những em bé khác khi đi chơi ngoài đường và nói rằng “Rồi con cũng sẽ có thêm một đứa em nhỏ như vậy đó!”

Trẻ em từ 2-3 tuổi thường rất thích thú khi được nghe kể về mình khi còn là một em bé sơ sinh. Bạn có thể kể cho bé nghe về việc bạn đã phải vuốt lưng cho bé ợ thế nào mỗi khi bé ăn xong, rằng bé đã từng là một đứa bé nhỏ xíu và ham ngủ như thế nào… và tất cả những câu chuyện nhỏ về việc bé đã lớn lên ra sao. Những sự chuẩn bị này sẽ giúp cho bé hiểu được sau khi em bé mới chào đời thì mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào. Khi bạn nói với bé về việc sẽ có thêm một thành viên mới trong gia đình, hãy sử dụng những từ ngữ tươi vui, tích cực, đơn giản và thẳng thắn để cho bé dễ hiểu nhất. Chẳng hạn như: “Có một em bé nhỏ xíu đang lớn lên trong bụng mẹ, chỉ không lâu nữa thôi con sẽ có một đứa em gái/em trai để chơi cùng rồi!”

Bé sẽ phản ứng như thế nào?

Rất có thể bé sẽ chẳng để tâm mấy đến sự kiện của mẹ. Bạn cũng đừng ngạc nhiên khi bạn vừa trịnh trọng thông báo cho bé tin quan trọng thì bé đã chạy vụt đi hoặc ríu rít khoe với mọi người rằng bé đã biết nhảy cao như thế nào. Nhưng điều này cũng không có nghĩa là bé không quan tâm đâu nhé, chẳng qua là bé cần chút thời gian khi mọi việc trở nên rõ ràng hơn để bé có thể thật sự hiểu về khái niệm mang thai và có thêm em bé là thế nào.

Nếu bé tỏ ra phấn khích, bạn có thể để bé giúp bạn thông báo tin vui này cho ông bà hoặc các thành viên khác trong gia đình. Cho dù mọi người đã biết tin trước đó, nhưng việc này sẽ giúp cho bé cảm thấy mình là một nhân vật rất quan trọng khi được thông báo cho cả thế giới biết rằng bé sắp sửa có một đứa em.

Dựa trên phản ứng của bé, bạn có thể nói nhiều hơn về em bé hoặc chuyển chủ đề khác. Đừng để bé bị quá tải bởi những sự việc mà bé không hứng thú để nghe. Nếu bé tỏ ra bối rối hoặc không vui vì mình sắp có thêm em, mẹ hãy quan tâm hơn tới bé, hỏi han lắng nghe và dỗ dành để bé cảm thấy dễ chịu hơn. Hãy thông cảm những cảm xúc khó khăn của bé, rồi bé sẽ sớm nhận ra rằng, thì ra bé cũng rất phấn khích khi sắp có em bé để chơi cùng đấy!

Bạn nên đọc
Quảng cáo