• Trang chủ
  • > Sách
  • > Phát triển cảm xúc và quan hệ xã hội
  • > QUYỀN TRẺ EM - không ai được xâm phạm, kể cả cha mẹ. Hãy tôn trọng trẻ!
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
QUYỀN TRẺ EM - không ai được xâm phạm, kể cả cha mẹ. Hãy tôn trọng trẻ!

QUYỀN TRẺ EM - không ai được xâm phạm, kể cả cha mẹ. Hãy tôn trọng trẻ!

  • Tác giả:
  • Thể loại: Phát triển cảm xúc và quan hệ xã hội
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 07/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em, vào ngày 20/2/1990

Quyền trẻ em là tất cả những gì trẻ em cần có để được sống và lớn lên một cách lành mạnh và an toàn. Quyền trẻ em nhằm đảm bảo cho trẻ em không chỉ là người tiếp nhận thụ động lòng nhân từ của người lớn, mà các em là những thành viên tham gia tích cực vào quá trình phát triển.

Quyền được sống còn

Quyền được sống còn là quyền được sống cuộc sống bình thường và được đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất để tồn tại và phát triển thể chất. Đó là mức sống đầy đủ, có nơi ở, ăn uống đủ chất, được chăm sóc sức khỏe và được khai sinh sau khi ra đời.

Ngày nay, tuy sữa mẹ đã khẳng định được tầm quan trọng của mình đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thế nhưng vẫn có không ít trẻ không được bú mẹ ngay khi chào đời và không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên hay đến ít nhất 24 tháng. 

Với những lời đồn đại rằng uống sữa công thức mới đáp ứng đủ dinh dưỡng hay đan xen sữa mẹ với sữa công thức giúp trẻ mau tăng cân thì việc cho trẻ uống sữa công thức ngày càng ưa chuộng. Nhưng thực tế ít ai biết được rằng những quan niệm đó hoàn toàn sai lầm. Dù sữa công thức ngày xưa chính là sữa tài trợ cho các bé bị mồ côi nhưng gần đây UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc) đã chính thức kêu gọi các nhà viện trợ nhân đạo không tài trợ sữa công thức cho các nước gặp thiên tai vì điều này có thể làm tỉ lệ tử vong gia tăng. 

Theo thống kê, có hơn 50% số trẻ sơ sinh (tương đương với 77 triệu trẻ) trên thế giới không được bú mẹ trong giờ đầu sau sinh, chính điều này đã làm tăng nguy cơ tử vong của trẻ trong tháng đầu đời. Cụ thể là nguy cơ tử vong trong 28 ngày đầu đời ở trẻ sơ sinh bị chậm bú mẹ từ 2-23 tiếng sau sinh tăng 40% và trẻ bị chậm bú sữa mẹ 24 tiếng là 80%. Các chuyên gia UNICEF nhấn mạnh: Sữa mẹ chính là liều vaccine đầu tiên của trẻ sơ sinh, giúp bảo vệ trẻ tốt nhất chống lại bệnh tật. Bên cạnh đó, nghiên cứu “Nuôi con bằng sữa mẹ và nguy cơ tử vong của trẻ sơ sinh tại Mỹ”  cũng cho thấy trẻ sơ sinh bú sữa công thức có tỉ lệ tử vong cao hơn trẻ sơ sinh bú mẹ 56% (Tạp chí Bác sĩ Nhi Đồng tháng 5/2004). 

Quyền được phát triển

Gồm những điều kiện để trẻ em có thể phát triển đầy đủ nhất về cả tinh thần và đạo đức, bao gồm việc học tập, vui chơi, tham gia các hoạt động văn hoá, tiếp nhận thông tin, tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Trẻ em cần có sự yêu thương và cảm thông của cha mẹ để có thể phát triển hài hoà.

Ngày nay, cha mẹ bắt trẻ học quá nhiều, không gian và thời gian vui chơi bị thu hẹp lại trong khi trẻ phải được học hỏi thông qua vui chơi mới cảm thấy hạnh phúc hơn, biết cách điều chỉnh bản thân tốt hơn, học cách hòa nhập với những đứa trẻ cùng trang lứa. Việc mong muốn trẻ biết đọc, biết viết và làm toán sớm đã vô tình trở thành nỗi ám ảnh cho trẻ. Đang ở tuổi được vui chơi thì lại bị ép học. Tuy điều đó có thể giúp trẻ phát triển tốt về mặt học tập nhưng lại vô tình mất đi các kỹ năng sống quan trọng - các kỹ năng cần phải có và được nuôi dưỡng trong giai đoạn tuổi thơ. Thay vì bắt ép con học, mong muốn con biết đọc sớm, biết viết sớm, cha mẹ hãy cho con được phát triển một cách tự nhiên nhất vì vui chơi không chỉ là một phần tuổi thơ của trẻ mà còn là cách để trẻ học hỏi và phát triển toàn diện.

Quyền được bảo vệ

Bao gồm những quy định như: trẻ em phải được bảo vệ, chống tất cả các hình thức bóc lột lao động, bóc lột và xâm hại tình dục, lạm dụng ma tuý, sao nhãng và bị bỏ rơi, bị bắt cóc và buôn bán. Trẻ còn được bảo vệ khỏi sự can thiệp vô cớ vào thư tín và sự riêng tư. Nó cũng bao gồm cả không bị tra tấn, đánh đập và lạm dụng trong trường hợp trẻ làm trái pháp luật hay bị giam giữ.

Các phương tiện truyền thông đã đưa rất nhiều thông tin về tình trạng trẻ bị xâm hại. Hiện nay, tình trạng trẻ bị lạm dụng, nạn ấu dâm trở thành vấn nạn của cả xã hội, làm dấy lên nỗi lo ngại của những bậc phụ huynh có con nhỏ. Trẻ em còn rất non nớt về thể xác và tinh thần, là đối tượng dễ bị rủ rê vào những việc làm trái với pháp luật, dễ bị lợi dụng sức lao động hay lạm dụng tình dục nên luôn cần sự giúp đỡ của người lớn để được an toàn. Trẻ em cần được bảo vệ và cần được sống trong một môi trường trong sạch, luôn luôn được pháp luật bảo vệ.

Tuy nhiên, hiện nay luật pháp về bảo vệ trẻ em còn có nhiều khoảng trống, còn bỏ sót một số hành vi xâm hại tình dục nghiêm trọng và chưa quy định cụ thể các hành vi thuộc tội danh dâm ô đối với trẻ. Điều này, pháp luật cần nghiêm minh hơn, đưa ra những hình phạt nghiêm và nặng giành cho các tội danh liên quan đến xâm hại trẻ. Bởi ngoài nổi đau thể xác, các nạn nhân là con trẻ sẽ chịu một nỗi đau to lớn hơn nữa chính là tinh thần, là ký ức đau thương sẽ theo trẻ đến suốt cuộc đời.

Nếu như có tình huống xấu nhất xảy ra, trẻ em bị rơi vào những tình trạng khó khăn, khủng hoảng mà không thể nào chịu đựng nổi thì người thân và cộng đồng nên chia sẻ, động viên để giảm bớt sự tổn thương và giúp trẻ phục hồi tâm, sinh lý và tái hoà nhập vào cộng động, giúp các em có thể phát triển bình thường.

Quyền được tham gia

Là quyền tạo mọi điều kiện cho trẻ được tự do bày tỏ quan điểm và ý kiến về những vấn đề có liên quan đến cuộc sống của mình. Trẻ có quyền kết bạn, giao lưu và hội họp hoà bình, được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn thông tin và chọn lựa thông tin phù hợp.

Trẻ em ngày nay dường như không được là chính mình, sống và phát triển không theo sở trường của mình mà đa phần là đáp ứng theo mong muốn của các bậc làm cha mẹ. Trẻ chưa có quyền được lên tiếng. Đa phần trong các tình huống, cha mẹ sẽ là người luôn đúng và con là người phải nghe, không được tham gia ngôn luận hay bày tỏ quan điểm của mình. 

 Ở đây, quyền trẻ em có nói đến quyền được tham gia, nghĩa là trẻ sẽ được tôn trọng với tư cách con người và công dân, được quyền bày tỏ mong muốn của mình. Khi trẻ sai phải biết nhận lỗi và khi cha mẹ sai, cha mẹ cũng phải biết xin lỗi trẻ. Trẻ được quyền thể hiện tiếng nói của con, nhu cầu của con. Những ai làm cha mẹ thì cần khích lệ con khi con làm sai và khuyến khích con lên tiếng về mọi vấn đề con nhận thức được. Trẻ em chính là mầm non của tương lai và việc ào tạo được một thế hệ tốt thì tương lai chúng ta mới tươi sáng.

Bạn nên đọc
Quảng cáo