• Trang chủ
  • > Sách
  • > Kiêng cữ trong thai kỳ
  • > Stress khi mang thai sẽ khiến sinh non?
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Stress khi mang thai sẽ khiến sinh non?

Stress khi mang thai sẽ khiến sinh non?

  • Tác giả:
  • Thể loại: Kiêng cữ trong thai kỳ
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 10/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Tâm trạng thay đổi thất thường là điểm chung của hầu hết các bà bầu. Không chỉ do hormone, sự mệt mỏi, nặng nề của cơ thể mà những yếu tố bên ngoài cũng có tác động tiêu cực đến tâm trạng của người phụ nữ đang mang thai. Nếu không kiểm soát nổi cảm xúc, stress sẽ đến rất nhanh và gây ảnh hưởng đến cả mẹ và bé.

1. Những nguyên nhân khiến thai phụ dễ bị stress

Hormone thay đổi khiến tâm tính thai phụ trở nên thất thường, khó chịu, và tạo tiền đề dẫn đến stress.

Ốm nghén là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng rõ rệt nhất đến tâm trạng bà bầu. Sự khó chịu, phiền toái và mệt mỏi khiến thai phụ cáu kỉnh và thậm chí sự nhạy cảm quá mức với mùi cùng những cơn nôn ói khiến bà bầu cảm thấy khủng hoảng. Từ ốm nghén đến stress là một khoảng cách không xa.

Cơ thể thay đổi rõ rệt, kèm theo gánh nặng từ bụng bầu làm đau lưng, tức ngực, ê ẩm khiến thai phụ luôn sống trong sự khó chịu, mệt mỏi và cáu gắt.

Tác động của bên ngoài sẽ khiến cho thai phụ dễ căng thẳng và chán nản, chính bởi vì khi mang bầu, sự nhạy cảm của người phụ nữ tăng lên gấp bội. Những lời nhận xét nói ra nói vào của người ngoài, những lời đồn thổi về chuyện sinh em bé và nuôi con, cả những áp lực (có thể là vô tình) từ phía gia đình khiến bà bầu phải gánh chịu những nỗi lo lắng bất an vô cớ và ngày một trầm trọng hơn.

Sự háo hức, kỳ vọng cũng như nỗi lo lắng về chuyện sinh nở cũng khiến bà bầu dễ bị stress.

Nếu đi làm trong thời gian mang bầu, những áp lực trong công việc sẽ giống như nhân đôi đối với bà bầu, dẫn đến việc có nguy cơ cao bị stress.

2. Stress sẽ khiến sinh non?

Stress gây tác động tiêu cực lên hệ miễn dịch, làm các bà bầu có khả năng bị viêm nhiễm rất cao, đặc biệt là viêm nhiễm tử cung. Trường hợp này sẽ khiến bạn sẽ phải sinh non.

Ngoài ra, một số nghiên cứu còn cho thấy có mối liên hệ giữa thần kinh căng thẳng và nguy cơ sinh non (trước tuần 37) của thai phụ. Stress còn dẫn đến tình trạng thiếu cân cho bé sơ sinh (dưới 2kg). Cả hai trường hợp đều sẽ khiến bé yếu ớt, phát triển kém và dễ mắc nhiều bệnh.

Đối với thai phụ, stress sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, có thể gây chán ăn hoặc ăn quá nhiều, mất ngủ, đau đầu, cao huyết áp và bị các bệnh về tim mạch…

3. Hạn chế stress bằng cách nào?

Một số thai phụ dùng thuốc lá và thức uống có cồn để chống lại stress, tuy nhiên đây là một cách không hề an toàn. Nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cả hai mẹ con, đặc biệt là gia tăng nguy cơ bị dị tật bẩm sinh ở thai nhi.

Tập luyện và nghỉ ngơi được coi là hai phương pháp hữu hiệu để ngăn ngừa và chống lại stress.

Tập thể dục nhẹ nhàng, phù hợp (nên tư vấn ý kiến bác sĩ, chuyên gia trong việc chọn môn cũng như cường độ luyện tập tốt nhất) sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh và thư giãn. Ngoài ra, yoga, thiền cũng là những phương pháp hữu hiệu.

Nghỉ ngơi là nghỉ ngơi hoàn toàn, cả thể chất lẫn tinh thần. Tùy vào điều kiện, bạn có thể thực hiện babymoon (kỳ nghỉ dưỡng trước khi sinh con) để cân bằng cảm xúc.

Nên có thay đổi phù hợp về khối lượng công việc, cả ở văn phòng lẫn ở nhà, vì bạn biết đấy, sức khỏe của bạn đã suy giảm đi nhiều, di chuyển cũng nặng nề hơn nên cần được hỗ trợ.

Cuối cùng, kiến thức là sức mạnh. Hãy tìm hiểu về các thông tin liên quan đến mang thai, chăm sóc em bé để tự trang bị cho mình, từ đó bạn sẽ tự tin hơn và ít bị chi phối bởi những ý kiến bên lề. Tận hưởng cuộc sống theo ý thích của mình khi mang thai (trong giới hạn cho phép) sẽ là cách tốt để tránh xa stress. 

Bạn nên đọc
Quảng cáo