• Trang chủ
  • > Sách
  • > Dành cho mẹ
  • > Sự thay đổi của cơ thể mẹ theo từng giai đoạn khi mang thai
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Sự thay đổi của cơ thể mẹ theo từng giai đoạn khi mang thai

Sự thay đổi của cơ thể mẹ theo từng giai đoạn khi mang thai

  • Tác giả:
  • Thể loại: Dành cho mẹ
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 11/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Khi mang thai, cơ thể mẹ thay đổi một cách đáng kể theo từng tam cá nguyệt. Ban đầu, hormone thai kỳ tăng sẽ làm cho ngực của bạn lớn hơn; tiếp đó bạn sẽ lên cơm thèm đồ ngọt như kem hoặc thèm chua như dưa chua hoặc xoài… Suốt 9 tháng 10 ngày mang nặng, tất cả các bộ phận trong cơ thể bạn đang chuyển biến trong hành trình thai nghén. Việc hiểu những biến đổi trong cơ thể mình sẽ giúp các mẹ chăm sóc bản thân một cách tốt nhất.

Một thời kỳ thai nghén thành công sẽ kéo dài khoảng 280-283 ngày và đuợc chia thành ba giai đoạn được gọi là ba tam cá nguyệt. Mỗi tam cá nguyệt sẽ có nhiều thay đổi xảy ra với cơ thể của bạn. Dưới đây là những biểu hiện chung nhất, đặc biệt nhất, thường thấy nhất trong từng tam cá nguyệt. Những thay đổi này có thể xảy ra sớm hơn hay chậm hơn tùy vào thể trạng của mỗi mẹ và một số triệu chứng có thể xảy ra liên tục trong suốt thời gian mang thai.

Trong tam cá nguyệt thứ nhất (tuần 0-12)

Tam cá nguyệt đầu tiên là một thời kỳ rất quan trọng cho cả mẹ và bé - vốn đang hình thành và phát triển trong tử cung của mẹ. Điều này khiến mẹ phải điều chỉnh cuộc sống ở nhiều khía cạnh, để cơ thể dần đáp ứng với việc mang trong mình một thai nhi trong suốt chín tháng mười ngày. Có thể mẹ đang phải đối mặt với một loạt các triệu chứng và tâm trạng khác nhau do sự thay đổi hormone đang diễn ra âm thầm trong cơ thể.

Mẹ sẽ cảm thấy rất yếu trong hai tháng đầu tiên của thai kỳ vì cơ thể mẹ đang phải làm việc chăm chỉ để tạo ra một môi trường hài hòa, phù hợp nhất cho em bé. Hormone của mẹ sẽ lên lên xuống xuống như đồ thị hình sin khiến mẹ cảm thấy lúc thì mệt mỏi, khi thì buồn bực, bữa thì phấn khích…

Tám cá nguyệt đầu tiên, cơ thể mẹ cũng xuất hiện hormone mới, đó là hormone hCG - thủ phạm gây ra nhiều thay đổi trong thai kỳ khiến mẹ thường xuyên cảm giác mệt mỏi, ốm nghén và mót tiểu. Mức độ progesterone sẽ tăng trong suốt thai kỳ nhưng cao điểm nhất là trong 3 tháng đầu: hormore progesterone tăng 16 lần, gây ra nhiều tác dụng phụ khiến mẹ bầu mệt mỏi, ốm nghén, táo bón, tăng nguy cơ bị sỏi mật.

Mẹ có thể trải qua cơn ốm nghén, có thể mẹ bị nghén nặng nhất ở tuần thứ 8-12 của thai kỳ, khi cơ thể sản sinh ra nhiều nước bọt, nước tiểu, thay đổi tâm trạng thường xuyên. Mẹ sẽ chẳng buồn ăn uống gì hoặc cơn thèm ăn rất thất thường, mẹ trở nên nhạy cảm với mùi vị, cảm thấy buồn nôn và uể oải… Ngực của mẹ rất nhạy cảm, sẽ bị đau đớn khi bị chạm vào, hoặc hai bầu ngực có thể đầy lên, núm ti cứng và quầng vú chuyển màu sậm hơn.

Nhiều mẹ sẽ cảm thấy đau trong tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ, bởi vì lượng đường trong máu thấp hoặc máu lên não ít hơn khi mẹ đứng lên hoặc ngồi xuống quá nhanh. Mẹ có thể tăng 1-3 kg trong quý đầu tiên, nhưng cũng không ít mẹ bị tụt ký do ốm nghén.

Nếu là một người mẹ trên 35 tuổi, mẹ sẽ phải đối mặt với nguy cơ sẩy thai, nguy cơ bất thường nhiễm sắc thể cao hơn so với các bà mẹ trẻ khác. Do đó, nhất định mẹ đừng bỏ qua mốc siêu âm đo độ mờ da gáy lúc 12 tuần thai để xác định xem em bé có hội chứng Down hay bất thường gì hay không.

Trong tam cá nguyệt thứ hai (tuần 13-25)

Đây là thời điểm mẹ sẽ cảm thấy rõ ràng là sức khỏe khá hơn so với tam cá nguyệt đầu tiên. Sau ba tháng mệt mỏi vì thai nghén, lúc này mẹ có thể cảm thấy hưng phấn tình dục tăng vọt. Trong thời gian này, mẹ sẽ không bị cơn nghén hành hạ mỗi sáng hay mỗi chiều nữa. Mẹ cũng không cảm thấy cơ thể uể oải rũ rượi suốt ngày do sự tác động của quá trình thay đổi hormon. Nếu mẹ vẫn cảm thấy buồn nôn, chóng mặt, mẹ nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ về việc uống bổ sung vitamin B6 để giảm cơn khó chịu.
Trong tam cá nguyệt thứ hai, mẹ sẽ phải đối mặt với các vấn đề khác như khó thở, ợ nóng, phù tay chân, nhức mỏi tay chân, mỏi lưng... Điều này có thể ngày càng tệ hơn do tử cung phát triển đè nén dây thần kinh làm mẹ nhức mỏi. Nếu lòng bàn tay, bàn chân đỏ và ngứa là do estrogen - nội tiết tố nữ được tiết ra từ buồng trứng, một hoóc-môn quan trọng trong cơ thể phụ nữ - đang tăng lên.

Mẹ bị ợ nóng bởi vì hormone thai kỳ làm cho cơ tách thực quản ra khỏi dạ dày, gây ra tình trạng dịch tiêu hóa trào ngược và kích thích niêm mạc thực quản. Do đó mẹ nên chia khẩu phần thành nhiều bữa nhỏ, chịu khó uống nước. Nước cũng làm giảm tình trạng táo bón, bệnh trĩ thai kỳ.

Tứ tháng thứ 4, mẹ sẽ thấy nóng trong người hoặc nổi mụn nhiều hơn do da tiết ra nhiều dầu hơn bình thường. Lưu lượng máu trong cơ thể mẹ nhiều hơn bình thường khiến các mạch máu nhỏ sưng lên xuất hiện các đường màu đỏ hình tơ nhện trên da, nhất là ở ngực, mông, bụng, đùi. Có thể, da mặt, vai mẹ sẽ xuất hiện những mảng nám da nếu mẹ thường xuyên để đầu trần không che chắn gì dưới ánh nắng.

Khí hư âm đạo màu nhạt và trắng bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn này và tăng dần lên trong suốt thai kỳ. Đồng thời, cảm giác ngứa cũng sẽ xuất hiện.

Trong ba tháng cuối (tuần 26-40)

Trong giai đoạn này, mẹ sẽ tăng nửa ký đến một ký trong mỗi tuần. Cho đến tuần 36 hoặc 37, cân nặng của mẹ sẽ tăng khoảng ¾ trọng lượng cần tăng suốt thai kỳ. Tổng cộng số cân mẹ cần tăng là khoảng 10-12 kg là vừa xinh.

Tam cá nguyệt thứ ba này, mẹ sẽ bị đau lưng nhiều hơn do sức ép và sức nặng của thai nhi. Ở cuối giai đoạn thai kỳ, mẹ sẽ thấy chân sưng vù vì giãn tĩnh mạch, người mệt mỏi, khó thở hơn. Mẹ có thể tự làm giảm tình trạng phù nề tay chân bằng cách mang giày thoải mái, vận động nhẹ, gác chân khi ngủ và nên nghỉ ngơi chợp mắt một chút vào buổi trưa. Mẹ có thể uống nhiều nước vào ban ngày nhưng nên tránh uống nước vào ban đêm, nếu không muốn phải dậy đi toilet nhiều lần trong đêm.

Khi bước vào tuần 36, mẹ phải chuẩn bị để đối phó với ca sinh. Mẹ sẽ bắt đầu nhận ra những cơn gò chuyển dạ, ngực mẹ sẽ tiết sữa non. Thời gian này, mẹ nên chuẩn bị hành trang đi sinh để sẵn sàng cho cuộc chuyển dạ sẽ đến vào bất cứ lúc nào.

Từ tuần thai thứ 37, em bé của mẹ có thể chào đời bất cứ lúc nào bởi bé đã được coi là đủ ngày đủ tháng.

Bạn nên đọc
Quảng cáo