- Trang chủ
- > Sách
- > An toàn
- > Bí quyết du lịch bằng máy bay cùng con nhỏ
- Cỡ chử:
- - Nhỏ
- + Lớn

Bí quyết du lịch bằng máy bay cùng con nhỏ
- Tác giả:
- Thể loại: An toàn
- Nguồn:
- Ngày cập nhật: 10/08/2017
- Lưu vào tủ sách của tôi
- Chia sẽ:
Lên kế hoạch cho chuyến đi
Kiểm tra ngày hết hạn của hộ chiếu: phải đảm bảo hộ chiếu còn hạn ít nhất 3 tháng tính từ ngày bạn trở về nước. Nhiều người mắc sai lầm khi nghĩ rằng miễn là hộ chiếu còn hạn khi trở về nước. Nhưng không phải vậy. Các nhà chức trách thường yêu cầu hộ chiếu của bạn phải còn hạn từ vài tuần đến vài tháng. Một số hãng hàng không còn không cho bạn lên máy bay nếu hạn hộ chiếu của bạn không còn dư một khoảng thời gian nhất định.
Scan tất cả các hộ chiếu và gởi vào email của chính bạn, cùng với tất cả những giấy tờ quan trọng khác, ví dụ giấy khai sinh, các trang visa trong hộ chiếu… Nếu bạn làm mất hộ chiếu ở nước ngoài, việc làm này sẽ giúp tiết kiệm cho bạn một khối lượng thời gian khổng lồ và tránh bớt rắc rối cho bạn khi phải làm lại hộ chiếu.
Thông báo cho ngân hàng nơi cấp thẻ tín dụng cho bạn trước chuyến đi. Ngày nay các ngân hàng rất cẩn thận với việc xảy ra các vụ mất cắp tiền trong thẻ tín dụng nên khi thấy có các giao dịch từ một nước mà trước nay bạn chưa từng giao dịch từ đó thì có thể sẽ khóa thẻ của bạn và để mở khóa tài khoản từ một nơi lệch múi giờ sẽ phức tạp hơn nhiều so với việc gọi cho ngân hàng trước khi bạn đi.
Mang nhiều hơn một thẻ tín dụng. Không hiếm xảy ra trường hợp thẻ tín dụng hoạt động bình thường ở máy ATM của ngân hàng nhưng không hoạt động ở máy ATM ở cửa hàng, một số thì dùng được ở nhà hàng nhưng ra cột ATM thì không nhúc nhích. Có một số các quy tắc và lý do rất rắc rối mà nếu bạn không làm trong ngành thì bạn không bao giờ biết được. Cách tốt nhất là mang theo nhiều thẻ.
Phân chia nhiệm vụ cho một trong hai người - bố hoặc mẹ. Ví dụ soạn hành lý thì chỉ một người soạn. Cả hai người cùng soạn thì sẽ không biết đồ đạc để ở ngăn nào. Đặt phòng khách sạn cũng vậy. Chỉ một người lên kế hoạch, sắp xếp và đặt chỗ khách sạn. Như vậy sẽ không có chuyện “Anh giữ email xác nhận khách sạn hay em?”
Vào website tất cả những nơi tham quan bạn định đến để xem có những sự kiện nào diễn ra trong khoảng thời gian bạn đến, có lịch đóng cửa vào những ngày đó hay không.
Làm một cái danh sách ra-khỏi-nhà. Rời nhà ra sân bay là một trong những khoảng thời gian căng thẳng nhất của một chuyến đi. Có sẵn một danh sách những thứ cần phải túm bỏ vô giỏ trước khi rời nhà rất là hữu ích. Đây không phải là danh sách những thứ bạn cần mang theo cho chuyến đi (ví dụ 2 cái quần, 3 cái áo) mà là những thứ bạn sẽ cần làm ở phút chót. Chắc chắn bạn cần phải mang theo giỏ xách, túi bao tử đựng tiền bạc giấy tờ, lấy mấy chai nước uống đang nằm trong tủ lạnh, vài bịch đồ ăn vặt trên kệ, áo khoác để mặc lúc trong máy bay, cộng thêm một số thứ bạn muốn kiểm tra lại lần cuối như mang hộ chiếu, thẻ lên máy bay, thẻ tín dụng, tiền mặt, khóa cửa sổ,... Có rất nhiều thứ cần phải nhớ, vì vậy hãy lên danh sách cho chúng.
Bỏ vào hành lý xách tay đủ đồ dùng trong 1 hoặc 2 ngày đầu. Đây là lời khuyên hữu ích cho tất cả mọi người nhưng đặc biệt cần khi đi du lịch cùng với trẻ nhỏ. Nếu hành lý ký gởi của bạn bị thất lạc, bạn sẽ không muốn phải đi tìm mua tã giấy hay vài cái quần cho bé khi vừa chân ướt chân ráo đến một thành phố lạ đâu.
Đếm số hành lý bạn có ghi nhớ trong đầu. Việc này quá đơn giản và hiển nhiên rồi, nhưng chắc chắn rất là hữu ích. Bạn leo lên một chiếc taxi và đếm – 1, 2, 3, 4, 5, 6 – ok đủ tất cả hành lý rồi. Rất dễ.
Nếu có thể, hãy làm thủ tục check-in trực tuyến và giữ chỗ ngồi trên máy bay trước. Đừng quên in thẻ lên máy bay (boarding pass). Bạn cũng hãy nhớ mang theo hành trình du lịch, bản đồ nơi đến (và cả số điện thoại liên hệ) trong hành lý xách tay. Chẳng có gì tệ hơn việc phải vất vả tìm khách sạn trong khi bọn trẻ đã thấm mệt.
Tại sân bay
Đến sân bay sớm để tránh vội vã và nếu còn dư thời gian thì có thể cho các bé chơi ở các khu vực rộng rãi hoặc các khu vui chơi trong sân bay
Nếu phải xếp hàng chờ check-in lâu, có thể để cho bố hoặc mẹ xếp hàng, người còn lại cho các bé chạy nhảy ở các khoảng không gian mở nơi sân bay trong khi chờ đến lượt cân hành lý. Tuy nhiên bạn chỉ nên chơi loanh quanh gần đó để khi đến lượt kiểm tra từng hành khách thì người kia không phải mất thời gian đi tìm.
Đừng ký gởi xe đẩy em bé tại quầy check-in trừ khi bạn định địu bé. Chỉ cần dán nhãn có tên, địa chỉ, số điện thoại lên xe đẩy và cứ đẩy ra đến tận chân máy bay, sẽ có nhân viên cất xe đẩy cho bạn.
Nên giải thích cho các bé hiểu những việc cần làm ở sân bay, nếu không một số bé sẽ cảm thấy hoảng sợ khi đôi giày hoặc những món đồ chơi yêu quý của bé bị bỏ lên băng chuyền an ninh và biến mất khỏi tầm mắt. Bạn nên bỏ giày dép đồ đạc của mọi người lên trước rồi mới tới đồ đạc của bé
Nếu bạn đi du lịch với em bé sơ sinh, tốt nhất là nên địu bé bằng một cái địu không có gắn thứ gì làm từ kim loại để bé có thể tiếp tục ngủ khi đi qua cổng an ninh.
Khi vào tới phòng chờ, hy vọng bạn có đủ thời gian để nghỉ mệt một chút và đáp ứng các nhu cầu ăn uống, thay tã hoặc đi vệ sinh của các bé, và cũng có thể khám phá xung quanh. Đây là lúc cho trẻ chạy nhảy, vận động để khi lên máy bay dễ ngủ hơn. Dù bạn chỉ muốn được nghỉ ngơi một lát thì cũng cố gắng đừng bắt trẻ ngồi một chỗ. Lên máy bay rồi sẽ có dư thời gian để ngồi.
Nếu bạn chưa có được chỗ ngồi ưng ý trên máy bay và muốn biết liệu có ghế nào khác bỏ trống hay không thì đây là lúc phù hợp để nói chuyện với nhân viên gác cổng lên máy bay
Đến giờ ra cổng thì đừng xếp sớm quá trừ khi bạn là người thích dành nhiều thời gian trên máy bay. Cứ canh dòng người đi qua cổng gần hết rồi bạn ra là vừa.
Trên máy bay:
Giữ cho trẻ ngồi trật tự trên máy bay thật sự rất khó, nhất là những bé hiếu động. Khi máy bay chưa đóng cửa, hỏi tiếp viên xem bạn có thể cho bé đi tới đi lui và chơi trên lối đi không và dẫn bé đi một lát. Khuyến khích bé chơi với một số hành khách ngồi gần (chẳng hạn chơi ú òa). Lát nữa nếu bé có khóc hoặc khó chịu trong suốt chuyến đi thì họ cũng sẽ dễ thông cảm hơn nếu họ thấy bé dễ thương.
Chắc hẳn bạn đã chuẩn bị sẵn đồ chơi cho bé rồi nhưng đừng đem ra sớm quá; chờ đến khi nào bé đòi hoặc tỏ vẻ chán và chỉ mang ra từng món một. Hướng bé chơi những trò chơi tĩnh. Nếu bé đã lớn thì bạn có thể bịa ra một câu chuyện về một chuyến bay bị cất cánh trễ chẳng hạn.
Khi máy bay cất cánh và hạ cánh, nên cho bé bú để giảm tình trạng ù tai cho bé.
Hạn chế cho bé ăn đồ ngọt vì sẽ làm cho bé trở nên tăng động hơn, thay vào đó nên cho bé ăn những món giàu đạm.
Đến nơi
Sắp xếp đồ đạc ra ngay lập tức. Ngay khi đến, trừ khi trong gia đình có người quá mệt hay cáu gắt, hãy bày biện căn phòng càng giống nhà bạn càng tốt. Cho bé nhỏ vào cũi với đồ chơi và cho bé lớn một quyển sách tô màu, hoặc nhờ chồng hoặc vợ bạn dẫn các con ra ngoài đi dạo trong lúc bạn soạn đồ đạc ra. Sắp xếp riêng một góc dành cho các bé chơi. Có một nơi cho các bé được bày biện thoải mái sẽ giúp cho căn phòng giống nhà hơn và gọn gàng hơn. Và bạn cũng nên dành một góc làm bếp. Dù bạn không nấu ăn trong phòng cũng vẫn nên có một chỗ dùng để chứa bình sữa, ly chén, thực phẩm.
Nghỉ trưa. Các bé càng nhỏ càng ngủ nhiều giấc ngắn ban ngày và chắc hẳn bạn không muốn cả ngày ở trong phòng để canh cho bé ngủ. Vậy hãy đặt bé nằm trong xe nôi thật thoải mái hoặc địu bé bằng một chiếc địu quen thuộc và cả gia đình có thể đi dạo cùng nhau. Bé cũng rất dễ ngủ khi di chuyển bằng xe hơi nên bạn hãy tranh thủ kết hợp với các chuyến đi như vậy. Và cuối cùng, nếu có phải dỗ bé ngủ trong phòng thì cũng đừng quá lo. Bạn nên đặt phòng ở vị trí gần biển, có ban công, thường sẽ mắc tiền hơn nhưng bạn vừa có thể canh bé vừa có thể tận hưởng không khí của kỳ nghỉ.
Ngủ tối. Nếu ở nhà bạn thường có một lịch trình báo trước sắp đến giờ đi ngủ, ví dụ tắm, đọc sách, cho bú, v.v… thì bây giờ cũng làm tương tự. Tuy vậy bạn cũng cứ hãy chuẩn bị tinh thần thường phải mất vài đêm, bé mới quen với môi trường lạ. Có nhiều bố mẹ không chịu nổi việc mất ngủ sau một, hai đêm đầu nên quyết định dọn về nhà mà không biết rằng đêm nay bé sẽ bắt đầu ngủ ngon ở khách sạn.
Ăn uống. Nên ăn sáng trong phòng thật nhanh, gọn để dành nhiều thời gian bơi lội, tham quan các nơi. Cho bé bú bất cứ nơi nào được phép. Bình thường bạn không cho phép các bé vừa ăn vừa xem TV nhưng khi đi ăn ở ngoài, bạn có thể phá lệ cho bé xem một số chương trình thiếu nhi. Đi với trẻ nhỏ, bạn nên đi ăn sớm hơn thường lệ để nhà hàng có không gian rộng rãi, không phải chờ phục vụ thức ăn quá lâu, hoặc nếu bé nhà bạn thích ngủ trong xe đẩy thì bạn có thể đi trễ và cho bé nằm bú trong khi chờ đợi thức ăn một cách không vội vã.
Bí quyết cuối cùng nhưng quan trọng nhất: Phấn chấn! Vui vẻ! Bạn cần xác định rõ cái gì quan trọng và cái gì không. Đi du lịch, mọi thứ xáo trộn sẽ dễ khiến cho bạn trở thành một ông bố hoặc bà mẹ “nói Không” liên tục. Hãy chỉ tập trung vào những gì khiến cho chuyến đi của bạn trở nên dễ dàng hơn và giúp cho mọi người được an toàn. Nên nói những câu tích cực nhiều hơn tiêu cực. Khen những cố gắng và quá trình thực hiện chứ không khen kết quả. Sống trong từng giây phút hiện tại và tận hưởng mọi thứ trong chuyến đi. Hãy trải nghiệm và thử những thứ mới mẻ, bước ra khỏi vùng an toàn của mình để sống như một đứa trẻ, khám phá, tìm hiểu, đặt câu hỏi – và các con bạn sẽ đồng hành cùng với bạn.
Tại sao bé lại đập đầu mình vào giường cũi?
Mùa mưa, tuân theo 10 nguyên tắc nằm điều hòa này để bé không bị nhiễm lạnh
Dấu hiệu chứng tỏ trẻ đã bị xâm hại cha mẹ cần biết
Tắm bé yêu "sạch bong kin kít" với các nguyên tắc an toàn
Muốn con thông minh học giỏi, thay vì bắt con đi học hãy cho con làm những điều đơn giản này