- Trang chủ
- > Sách
- > Phục hồi sau sinh
- > Kiểm tra sức khỏe sau khi sinh
- Cỡ chử:
- - Nhỏ
- + Lớn

Kiểm tra sức khỏe sau khi sinh
- Tác giả:
- Thể loại: Phục hồi sau sinh
- Nguồn:
- Ngày cập nhật: 10/08/2017
- Lưu vào tủ sách của tôi
- Chia sẽ:
Tại sao phải kiểm tra sức khỏe hậu sản?
Bạn cần được khám bởi bác sỹ hoặc nữ hộ sinh sau 4 đến 6 tuần kể từ thời điểm sinh để kiểm tra sự hồi phục về thể chất sau quá trình mang thai và sinh nở, tình trạng tâm lý cũng như xác định các vấn đề bạn cần lưu tâm trong thời gian tới. Nếu cần thiết, việc khám cũng có thể diễn ra sớm hơn. Tuy vậy, trong trường hợp sinh mổ, bác sỹ sẽ phải kiểm tra vết mổ trong khoảng thời gian 1 đến 2 tuần sau sinh để đánh giá tình trạng vết mổ. Tại thời điểm này, bạn có thể vẫn còn phải đối mặt với các cơn đau liên quan đến thời kỳ thai nghén cũng như sinh nở; có nhiều thắc mắc liên quan đến sự hồi phục của cơ thể, đến ảnh hưởng của việc sinh nở cũng như các vấn đề hậu sản khác như cho con bú, ngừa thai, tập thể dục, quan hệ tình dục và làm việc. Những lưu ý này giúp bạn hệ thống được các thắc mắc cũng như các vấn đề phát sinh khác cần phải trao đổi với nhân viên y tế.Tuy vậy, bạn không nhất thiết phải chờ đúng lịch kiểm tra hậu sản. Đôi khi, bạn cần phải liên lạc ngay với bác sỹ của mình trước lịch hẹn nếu phát sinh các vấn đề cần lưu ý liên quan đến sức khỏe thể chất hoặc tinh thần.
Những vấn đề bác sỹ sẽ trao đổi với bạn
Bất cứ biến chứng hoặc rắc rối nào bạn gặp phải trong thời kỳ mang thai và sinh nở cũng như các hậu quả (nếu có) của nó đến việc mang thai và sức khỏe của bạn trong thời gian tới.Ngoài ra, nếu bạn còn bất cứ vấn đề gì chưa rõ liên quan đến chuyển dạ và sinh nở, làm việc thì đây là lúc thuận tiện để trao đổi mặc dù các vấn đề này có thể đã được bác sỹ giải đáp kỹ lưỡng trước đây nhưng bạn không hiểu hoặc nhớ hết.
Các triệu chứng bạn đang mắc phải như tình trạng thỉnh thoảng vẫn còn ra sản dịch; các bất ổn vùng bụng, âm đạo hoặc đáy chậu; tình trạng tiểu tiện không kiểm soát hoặc các cơn đau bất thường ở ngực, nhũ hoa. Bạn đừng ngại nêu ra tất cả những bất thường, những triệu chứng khó chịu của cơ thể cho dù bác sỹ của bạn chưa hoặc không đề cập đến.
Bác sỹ của bạn cũng sẽ thảo luận về các thay đổi tâm lý trong giai đoạn hậu sản, đặc biệt quá trình bạn tự điều chỉnh để thích nghi với vai trò làm mẹ mới của mình cũng như tất cả các vấn đề khác. Đừng ngại thổ lộ với bác sỹ nếu bạn thực sự cảm thấy lo âu, quá tải hay trầm cảm.
Bạn đang nuôi con bằng sữa mẹ hay sữa công thức và mọi việc đang diễn tiến có thuận lợi hay không.
Từng phương pháp tránh thai cũng sẽ được thảo luận để làm rõ hơn các đặc điểm của phương pháp tránh thai bạn đang quan tâm. Trong trường hợp quyết định sử dụng màng ngăn âm đạo, hãy thông báo cho bác sỹ của bạn và yêu cầu được giúp đỡ ngay tại buổi khám.
Bác sỹ cũng sẽ thông báo liệu bạn đã sẵn sàng về mặt thể chất cho việc quan hệ tình dục lại hay chưa. Tuy vậy, nhiều phụ nữ vẫn chưa thực sự thoải mái về mặt tâm lý với tình dục trong khoảng thời gian vài tháng sau sinh. Đây là điều bình thường và bạn không có gì phải lo lắng nếu mình vẫn chưa ở trạng thái sẵn sàng. Vấn đề của bạn chỉ đơn giản là thời gian.
Các vấn đề liên quan đến ăn kiêng và luyện tập, bao gồm cả các bài tập Kegel với mục đích củng cố hệ cơ vùng khung chậu.
Bác sỹ sẽ làm gì trong buổi thăm khám
Kiểm tra cân nặng và huyết áp.
Thăm khám vùng bụng để tìm kiếm các dấu hiệu bất thường, đặc biệt là kiểm tra sự hồi phục của vết mổ lấy thai nếu bạn sinh em bé bằng phương pháp phẫu thuật.
Thăm khám ngực và nhũ hoa để tìm kiếm các khối u, vết trầy xước trên ngực; đánh giá tình trạng nứt hoặc tiết dịch bất thường của nhũ hoa.
Thăm khám cơ quan sinh dục ngoài, vùng đáy chậu cũng như sự hồi phục của vết cắt tầng sinh môn (nếu có).
Sử dụng mỏ vịt để kiểm tra âm đạo và cổ tử cung để đảm bảo rằng các vết rách, trầy xước đã hồi phục. Nếu cần thiết, bác sỹ của bạn cũng sẽ lấy mẫu để làm xét nghiệm Pap.
Thăm khám vùng khung chậu để đánh giá tình trạng co hồi của tử cung; tìm kiếm các bất thường ở vùng đáy chậu cũng như buồng trứng; kiểm tra hệ cơ vùng chậu.
Ngoài ra, bác sỹ có thể sẽ khám cả trực tràng.
Bác sỹ còn làm gì nữa?
Chỉ định và lên lịch hẹn thực hiện các xét nghiệm cho bạn nếu cần thiết, ví dụ như kiểm tra công thức máu để đánh giá tình trạng thiếu máu nếu bạn bị thiếu máu thai kỳ hoặc mất nhiều máu trong quá trình sinh nở; hoặc kiểm tra việc dung nạp glucose nếu bạn bị chứng tiểu đường thai kỳ.
Chỉ định các vaccine cần thiết cho bạn như mũi ngừa bạch hầu – uốn ván – ho gà, mũi ngừa cúm, mũi ngừa rubella hoặc mũi ngừa thủy đậu. Nếu bạn chưa được tiêm phòng rubella và thủy đậu trước khi mang thai, thì bạn nên thực hiện sau khi sinh và trước khi rời bệnh viện. Nếu vẫn chưa, thì đây là thời điểm bạn phải tiêm ngừa. Lưu ý thêm rằng đối với bệnh thủy đậu, bạn phải tiêm 2 mũi mới tạo hiệu quả miễn dịch. Vì vậy, nếu bạn đã tiêm mũi thứ nhất vào thời điểm sau sinh thì lúc này bạn nên tiêm mũi thứ hai.
Bạn cần chuẩn bị sẵn các giấy tờ hành chính cần thiết ví dụ như các đơn từ, chứng nhận liên quan đến việc nghỉ hậu sản của bạn. Hãy tranh thủ lần đi khám này để hoàn tất giấy tờ liên quan đến thai sản để cung cấp cho công ty bạn làm việc khi cần làm chế độ thai sản.
Tư vấn cho bạn thời điểm thích hợp để thực hiện việc tái khám định kỳ, bao gồm cả kiểm tra, tư vấn quá trình bạn sử dụng phương thức tránh thai đã lựa chọn. Cung cấp thêm cho bạn các thông tin tham khảo cần thiết khác.
Và cuối cùng là bạn hãy lưu ý phải ghi chú đầy đủ các thông tin, thắc mắc cần phải trao đổi với bác sỹ trước khi thực hiện cuộc thăm khám hậu sản nhé!