• Trang chủ
  • > Sách
  • > Phục hồi sau sinh
  • > Nỗi khổ "kinh hoàng" khi đi sinh và ở cữ mùa nóng
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Nỗi khổ

Nỗi khổ "kinh hoàng" khi đi sinh và ở cữ mùa nóng

  • Tác giả:
  • Thể loại: Phục hồi sau sinh
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 10/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Mẹ sinh con vào đầu tháng 5, thời điểm mà trời đất giận hờn gì nhau mà nóng nực khủng khiếp. Ông trời muốn mưa mà bà đất không chịu, nên thỉnh thoảng bầu trời đen kịt, gió nổi ào ào nhưng rặn mãi chẳng ra giọt mưa nào. Cả bầu không khí nực nội, oi bức, nín gió. Chỉ khổ cho trẻ sơ sinh với bà đẻ phải kiêng cữ giữa tiết trời 39-40 độ, khổ sở không để đâu cho hết!

Cũng học hỏi kinh nghiệm từ các mẹ đi trước, khi có dấu hiệu chuyển dạ (máu báo) là mẹ tắm gội sạch sẽ trước khi nhập viện; thế nhưng hơn 10 tiếng vật vã trong phòng chờ sinh và phòng sinh vẫn khiến người mẹ chua lè. Phần vì mồ hôi đổ ra như tắm sau những cơn đau (dù phòng sinh mở máy lạnh vù vù), phần vì nhớp nháp sau chuyến vượt cạn, nên mẹ cảm thấy cơ thể bám dơ dáy một lớp dày.

Không biết có phải mùa hè là mùa đẹp để sinh con hay không, mà bệnh viện phụ sản lớn như T.D lại đông kín bà đẻ đến thế. Ba không thể đăng ký cho mình được một phòng đàng hoàng (có toilet ở trong phòng) nên chúng ta phải chen chúc trong căn phòng có ba sản phụ, ba đứa trẻ sơ sinh, chục người nhà chăm nom và một cái quạt trần, không toilet nào trong phòng. Cái nóng tháng 5 hắt vào tường, phả vào phòng qua ô cửa sổ bé xíu và gần hai chục người chịu trận trong phòng. Khổ nhất là các con, được các bà quấn như tằm trong kén, nóng nực khiến đứa nào cũng nổi mụn dù mới một-hai ngày tuổi. Còn các bà mẹ mới sinh thì mồ hôi vã ra như tắm, nhưng dĩ nhiên các mẹ thì không được tắm rồi, do phải kiêng cữ và hơn nữa cũng chẳng có góc nào kín đáo vừa đủ để mà lau rửa người. Người chăm nom vạ vật ngoài hành lang, nhường chút không khí lại cho mẹ và em bé mới sinh.

Tưởng ở viện là khổ đủ rồi, ai ngờ cái khổ của kiêng cữ sau khi sinh con vào đúng mùa nóng theo chúng ta tận khi về nhà!

1. Cho con bú như đánh vật. Mẹ bế con trên tay cho con bú và cả mẹ và con mồ hôi vã ra như tắm. Mẹ thì mồ hôi mẹ mồ hôi con tuôn đầm đìa từ chân tóc, quanh cổ, lấm tấm trên ngưc và mồ hôi chảy thành dòng xuống bụng. Mỗi lần con bú xong thì mẹ phải đi thay bộ đồ khác vì quần áo ướt hết. Con cũng không khá hơn: khăn lót trên đầu con, khăn lót trong áo con đều ướt. Con bú xong, mẹ nhìn mồ hôi quanh mép con và trên trán con mà thương con quá đỗi.

2. Thấy nước mà thèm. Mẹ không được tắm trong suốt 10 ngày đầu sau sinh (sau đó mẹ làm một cuộc cách mạng thì mới được rửa ráy người trong vòng năm nốt nhạc, và với một thau nước bé xíu). Nhìn con được tắm mát mẻ trong thau nước mà mẹ…thèm. Mẹ ước gì được thỏa sức vẫy vùng trong bồn tắm yêu quý của mẹ.

3. Giấc ngủ vật vã. Vì phải kiêng cữ sau sinh, nên chúng ta không được nằm máy lạnh, chúng ta thậm chí cũng chẳng được nằm quạt,. Vì phải nằm trong phòng ngủ vốn kín nên giấc ngủ với mẹ con mình mới khổ sở làm sao. Mẹ nằm quạt cho con ngủ, thỉnh thoảng mệt quá mẹ cũng chợp mắt một chút, nhưng tỉnh dậy ngay sau đó bởi vì cảm giác như đang nằm trên chiếc chảo đầy lửa xung quanh. Chính vì thế mà mẹ mới thấy yêu những cơn mưa Sài Gòn: nằm trong phòng mát mẻ vì mưa, nghe tiếng mưa rớt lộp độp ngoài kia, hai mẹ con mình từ từ chìm vào giấc ngủ ngon…

4. Xông hơ tra tấn. Nóng thế này mà các bà bắt chúng ta hơ than mỗi ngày. Con thì được hơ mông, hơ bụng và mắt, trán. Mẹ thì xông hơ vùng kín, hết xông than thì mẹ chuyển qua xông lá. Mỗi lần đến giờ xông hơ thì con khóc ghê lắm để phản đối, còn mẹ thì chịu trận. Mẹ làm sao chống lại được hai bà nội ngoại của con đây?

5. Bữa ăn cũng không yên. Mới sinh con nên mẹ phải ăn các món nóng để ấm bụng mau lành vết thương. Món nóng đó là thịt nạc kho gừng, giò heo kho gừng, thịt kho nghệ, canh nghệ, bột nghệ, canh giò heo đu đủ nóng, canh rau ngót nóng… ăn xong thì người ướt như tắm.

Có trải qua rồi mới thấm thía cái khổ của những người mẹ sinh con mùa nóng. May là chúng ta không phải kiêng cữ mấy tháng sau sinh như các cụ ngày xưa mà chỉ sau 10 ngày là được giải thoát, nếu không chắc mẹ stress phát hỏa mất!

Bạn nên đọc
Quảng cáo