• Trang chủ
  • > Sách
  • > Dinh dưỡng cho mẹ
  • > Sai lầm trầm trọng khi mẹ bầu bổ sung dinh dưỡng như thế này, nguy hại chứ chẳng tốt gì cho thai nhi
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Sai lầm trầm trọng khi mẹ bầu bổ sung dinh dưỡng như thế này, nguy hại chứ chẳng tốt gì cho thai nhi

Sai lầm trầm trọng khi mẹ bầu bổ sung dinh dưỡng như thế này, nguy hại chứ chẳng tốt gì cho thai nhi

  • Tác giả:
  • Thể loại: Dinh dưỡng cho mẹ
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 04/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Quan niệm dân gian vẫn thường cho rằng: mang thai là phải “ăn cho hai người”, phải bổ sung thật nhiều dưỡng chất, nhất là nhiều thịt cá, đồ bổ dưỡng. Ngoài ra, thường thì sau 3 tháng đầu ốm nghén, không ăn uống được, khiến các mẹ không tăng cân thậm chí bị sụt cân đi, từ tam cá nguyệt thứ 2, các mẹ có tâm lý ăn “trả bữa”, bù lại thời gian trước và ngày càng trở nên mất kiểm soát. Dinh dưỡng trong thai kỳ là rất quan trọng, không thể để thiếu hụt nhưng liệu có phải là càng nhiều càng tốt?

1. Nguy cơ dư thừa dinh dưỡng

Dư thừa dinh dưỡng là khi cơ thể hấp thu quá nhiều chất dinh dưỡng như chất bột carbohydrate, protein, chất béo,… Đó là do chế độ ăn uống không hợp lý, nhất là tẩm bổ quá nhiều, ăn quá nhiều protein.

Thật ra, các mẹ bầu có nguy cơ dư thừa dinh dưỡng nhiều hơn là nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng. Bởi khi mang thai, tốc độ trao đổi chất của mẹ bầu tăng đáng kể và cơ thể mẹ hấp thụ chất dinh dưỡng từ các bữa ăn hiệu quả hơn bình thường. Hơn nữa, khi mang thai, mẹ giảm vận động, giảm cường độ làm việc khiến cho lượng calo dư thừa có xu hướng tăng lên và được hấp thụ nhiều hơn.

Quá nhiều năng lượng dư thừa sẽ khiến cơ thể tích tụ dưới dạng mỡ thừa và mẹ bầu sẽ tăng cân quá nhiều.

2. Các nguy cơ tiềm ẩn khi dư thừa dinh dưỡng

Theo nghiên cứu mới nhất, hơn 30% phụ nữ tăng cân qua mức trong thời gian mang thai. Khi dư thừa dinh dưỡng, tăng cân quá nhanh, cả mẹ bầu và thai nhi đều sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe.

Ảnh hưởng đến mẹ

Tăng nguy cơ tiểu đường thai kỳ: các thai phụ tăng cân quá mức có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ cao gấp đôi những phụ nữ tăng cân bình thường, kéo theo là bé cũng sẽ có nhiều nguy cơ mắc bệnh khi trưởng thành.

Thai quá to: Mẹ tăng cân quá nhiều sẽ khiến thai nhi thường có xu hướng to hơn bình thường, khiến mẹ mệt mỏi hơn. Thai quá to còn làm tăng nguy cơ mẹ khó sinh, khi sinh dễ rách tầng sinh môn.

Nguy cơ mổ lấy thai:  khi siêu âm thấy thai to, nhất là những thai phụ có khung chậu bình thường hay hẹp thì nguy cơ phải sinh mổ là rất lớn. Với các bà bầu béo phì, phẫu thuật mổ lấy thai cũng trở nên phức tạp và nguy hiểm hơn vì lớp mỡ dày dưới da sẽ khiến bác sĩ khó khăn hơn trong việc gây tê, truyền tĩnh mạch…

Khó lấy lại vóc dáng sau sinh: nếu mẹ tăng cân quá mức trong thai kỳ sẽ dẫn đến thừa cân và béo phì, gây trở ngại không nhỏ về thẩm mỹ làm cho thai phụ như: da chùng, không săn chắc, khó lấy lại vóc dáng sau sinh.

Ảnh hưởng đến bé

Nguy cơ ngạt khi sinh:  thai nhi quá to cũng là nguyên nhân chính khiến tỉ lệ các mẹ chọn đẻ mổ không ngừng tăng. Khi thai nhi quá to, quá trình chuyển dạ gặp nhiều khó khăn do đầu thai nhi to, không lọt xuống thấp, gây rối loạn cơn gò. Ngay cả khi đầu thai nhi đã lọt thấp xuống, quá trình sinh nở vẫn diễn ra chậm, đầu dễ bị chèn ép vào khung chậu, xương vai mắc kẹt ở khoang chậu mẹ. Nếu xử lý không kịp thời, có thể con sẽ bị ngạt, dễ gây tử vong.

Rối loạn chuyển hóa sau sinh: Những bé sinh nặng cân, sau khi sinh thường dễ bị hạ đường huyết, hạ canxi huyết, kéo theo một loạt những nguy hiểm: hạ thân nhiệt, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Nếu nguy hiểm hơn bé có thể bị xuất huyết não dẫn đến bại não. Các bé sơ sinh thừa cân đều có nguy cơ bị bệnh tiểu đường nhiều hơn các bé khác.

Chấn thương khi sinh: Thai nhi quá to dẫn đến sinh khó, các bé dễ bị chấn thương, đặc biệt khi sinh có trợ giúp (giác hút, phoóc-xép) như: gãy tay, gãy xương đòn.

3. Chủ động tránh việc tăng cân quá mức trong thai kỳ

Trước khi mang thai, mẹ phải kiểm tra cân nặng của mình để biết được cơ thể của mình là thiếu cân hay thừa cân. Trong thai kỳ mẹ cũng cần kiểm tra cân nặng hàng tuần, vào buổi sáng sớm lúc còn đói. Nếu mẹ là người gầy, thiếu cân thì cần tăng 12,5-18 kg trong suốt thai kỳ, nếu mẹ có cân nặng lý tưởng thì nên tăng 11,5-16 kg còn nếu mẹ béo phì thì chỉ cần 8-10 kg trong cả quá trình mang thai.

Trong suốt thai kỳ, mẹ cần luyện tập thể dục thường xuyên và ăn các thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe nhằm đạt được mục tiêu tăng cân hợp lý, tạo ảnh hưởng tốt lên thai nhi, làm giảm nguy cơ của các vấn đề thường gặp khi mang thai như tiểu đường, tiền sản giật… Ăn uống hợp lý cũng giúp tâm trạng của mẹ bầu thoải mái hơn trong suốt quá trình mang thai.

Bạn nên đọc
Quảng cáo