- Trang chủ
- > Sách
- > Chăm sóc đặc biệt
- > Sinh đa thai
- Cỡ chử:
- - Nhỏ
- + Lớn

Sinh đa thai
- Tác giả:
- Thể loại: Chăm sóc đặc biệt
- Nguồn:
- Ngày cập nhật: 11/08/2017
- Lưu vào tủ sách của tôi
- Chia sẽ:
Không nhất thiết là như vậy. Việc bạn sinh thường hay sinh mổ phụ thuộc rất nhiều vào các con - hay nói cách khác là vị trí của các con trong bụng mẹ. Hầu hết các bác sĩ chuyên khoa đều khuyên bạn nên sinh thường nếu như:
- Các bé đều ở tư thế ngôi đầu (tỷ lệ chiếm khoảng 40% các trường hợp mang thai đôi);
- Cả bạn lẫn các con đều không có nguy cơ về sức khỏe dẫn đến việc sinh mổ là cần thiết.
Ngược lại, bạn sẽ cần phải sinh mổ nếu như trong hai bé sinh đôi, bé được sinh ra trước (do ở vị trí thấp hơn trong tử cung của mẹ) không ở tư thế ngôi đầu; hoặc khi hai bé chung túi ối; hoặc nếu bạn mang thai ba trở lên. Trong trường hợp bé thứ nhất ngôi đầu còn bé thứ hai lại không thì có chút phức tạp hơn, khiến nhiều chuyên gia không thống nhất được với nhau. Có người cho rằng nên thử để sinh thường, trong khi có người khác lại nói rằng quyết định sinh mổ là tốt nhất. Ngoài ra, bạn cũng cần biết rằng kể cả khi đã sinh thường thành công bé thứ nhất thì vẫn có thể bạn phải chọn cách sinh mổ với bé thứ hai. Trường hợp này chiếm tỷ lệ 10%, thậm chí cao hơn đối với trường hợp thai đôi mà chỉ có bé thứ nhất ở ngôi đầu. Thực tế, một nghiên cứu đã phát hiện thấy rằng có gần ¼ trường hợp thai phụ mang thai đôi mà có một bé không ở tư thế ngôi đầu cuối cùng phải áp dụng sinh mổ.
Giả sử tôi có thể sinh thường thì quá trình chuyển dạ và sinh sẽ khác thế nào?
Quá trình chuyển dạ và sinh nở của bà mẹ mang đa thai có nhiều nguy cơ biến chứng hơn bình thường, cần được thực hiện trong bệnh viên, dưới sự giám sát của bác sỹ. Dù bạn chọn cách sinh thường hay sinh mổ thì cũng đều tiềm tàng các biến chứng bao gồm nguy sa dây rốn khi vỡ ối, nhau bong non (nhất là sau khi sinh xong bé thứ nhất), xuất huyết sau sinh... Vì lý do này, các biện pháp phòng ngừa là rất cần thiết. Trước tiên, bạn cần phải chọn bệnh viện có đội ngũ nhân viên y tế chuyên nghiệp có thể sẵn sàng giúp bạn và một bác sĩ sản khoa có chuyên môn cao trong việc đỡ sinh đa thai, cả sinh mổ lẫn sinh thường. Bệnh viện phải có phòng sơ sinh được trang bị để chăm sóc trẻ sinh non, vì có nhiều cặp song sinh ra đời sớm hơn ngày dự định.Khi nhập viện, bạn sẽ được siêu âm để xác định vị trí của thai nhi, ngoài ra cũng được đặt ống truyền IV và nối máy theo dõi tim thai liên tục trong suốt thời gian chuyển dạ. Nếu bạn muốn được giảm đau thì gây tê ngoài màng cứng là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất. Sau đó, phương pháp này tiếp tục được sử dụng, bác sỹ sẽ có thể thêm thuốc giảm đau trong trường hợp bác sỹ phải can thiệp bên trong tử cung để đưa bé thứ hai ra sau khi bạn đã sinh bé đầu, hoặc nếu bạn cần phải mổ ngay vì lý do nào đó. Bạn sẽ sinh con trong một phòng vừa là phòng sinh vừa là phòng mổ thay vì trong phòng sinh bình thường. Nhóm nhân viên y tế hỗ trợ bạn có thể gồm một hoặc hai bác sĩ sản khoa, một nữ hộ sinh (nếu có), một bác sĩ gây mê (trong trường hợp bạn cần sinh mổ), ít nhất hai y tá và mỗi em bé được chăm sóc bởi một bác sĩ nhi khoa.
Sau khi bạn sinh bé đầu tiên, bác sĩ sản khoa sẽ xác định vị trí và kích thước của bé thứ hai qua đường bụng, đường âm đạo và qua siêu âm. Những gì xảy ra tiếp theo sẽ phụ thuộc vào vị trí của em bé thứ hai. Nếu đầu của bé ở gần cổ tử cung và đủ thấp trong khe sinh của mẹ, bác sĩ chuyên khoa sẽ kích vỡ túi ối và tiếp tục theo dõi nhịp tim của bé . Các cơn co thắt thường bắt đầu lại ngay sau khi bạn sinh xong bé thứ nhất (nếu không, bác sỹ sẽ tiêm Pitocin cho bạn) và bạn sẽ lại rặn tiếp như đã làm trước đó, có phần dễ dàng hơn. Em bé thứ hai có thể chào đời sau anh/chị ình vài phút, hoặc cũng có thể phải mất đến nửa giờ hoặc hơn. Nếu nhịp tim của bé không bình thường hoặc xuất hiện các biến chứng, bác sỹ sẽ chỉ định cho bạn mổ lấy thai kịp thời. Nếu đầu của bé thứ hai không chúi xuống mà mông của bé đã lại tụt xuống vùng chậu của bạn thì gọi là "ngôi mông", có thể sinh thường hoặc sinh mổ. Còn trong trường hợp cả đầu lẫn mông của bé thứ hai đều vẫn không ở gần cổ tử cung của mẹ (điều này có thể xảy ra kể cả khi bé đã chúi đầu xuống trước khi anh/chị mình được sinh ra), bác sỹ có thể thực hiện thao tác xoay thai hướng chân trong bụng mẹ, tức là sẽ với tay vào trong tử cung của người mẹ để nắm lấy chân bé và kéo ra trước. Trong một số trường hợp thì việc mổ để đưa bé ra là cần thiết.
Ca sinh mổ sẽ như thế nào?
Khi mang thai đôi hoặc hơn và chọn phương pháp sinh mổ thì quy trình ít nhiều cũng giống như bình thường, chỉ có một chút khác biệt. Chẳng hạn như nhân viên y tế sẽ có mặt nhiều hơn trong phòng sinh. Thông thường sẽ có hai bác sĩ sản khoa, một bác sĩ gây mê và hai y tá, ngoài ra còn có một bác sỹ nhi và một y tá riêng cho mỗi bé. (Cứ như vậy tính lên, ví dụ bạn mang thai ba thì sẽ có đến 11 nhân viên y tế trong phòng mổ với bạn.) Ngoài ra, mỗi bé còn có một thiết bị sưởi ấm, cũng như có thiết bị hồi sức sẵn sàng. Và, tùy thuộc vào kích thước và vị trí của các con trong bụng mà vết rạch của bạn có thể lớn hơn bình thường.
Việc hồi phục sau sinh sẽ như thế nào?
Điều này tùy thuộc vào việc bạn sinh thường hay sinh mổ và bạn có bị biến chứng, chẳng hạn như băng huyết sau sinh, hay không. Nếu mọi việc suôn sẻ, bạn có thể được xuất viện trong vòng hai ngày sau khi sinh thường và trong vòng bốn ngày sau khi sinh mổ. Bạn cũng sẽ nhận được sự trợ giúp của mọi người trong việc chăm sóc bé, giúp bạn hồi phục, nhưng do phải chăm sóc cho nhiều đứa con cùng một lúc nên bạn vẫn sẽ mệt hơn bình thường. Vậy nên, hãy sắp xếp để được hỗ trợ nhiều nhất có thể khi ở nhà. Về phần các con, một số bé không thể được về nhà ngay, bởi các bé sinh đôi/ ba có nguy cơ gặp phải nhiều biến chứng hơn bình thường, nhất là các biến chứng do sinh non và nhẹ cân. Việc các bé được chuyển vào khu chăm sóc đặc biệt (NICU) không phải là hiếm gặp. Điều này thường xảy ra cho khoảng ¼ các cặp sinh đôi, ¾ các cặp sinh ba và hầu như tất cả trong các trường hợp sinh đa thai cao hơn. Nếu bạn muốn nuôi con bằng sữa mẹ thì nên bắt đầu sớm và nhờ sự hướng dẫn của nhân viên bệnh viện khi bạn còn đang ở đó, cũng như tham khảo từ những người đã có kinh nghiệm. Nếu con bạn đang ở khu chăm sóc đặc biệt và chưa thể trực tiếp bú mẹ thì bạn sẽ cần phải vắt sữa.
Phát triển của trẻ sinh non trong tháng đầu tiên: Những điều mẹ không ngờ được
Trẻ sinh non không nên cho bú bình
Sự thật về hội chứng Down
Chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau mổ lấy thai
Mẹ có chắc con mình không bị tự kỷ? Hãy giúp đỡ con vượt qua khi bé có những dấu hiệu sau