• Trang chủ
  • > Sách
  • > Chăm sóc bé hàng ngày
  • > Top 5 điều bố mẹ nên làm hàng ngày để rèn luyện cho con thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Top 5 điều bố mẹ nên làm hàng ngày để rèn luyện cho con thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ

Top 5 điều bố mẹ nên làm hàng ngày để rèn luyện cho con thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ

  • Tác giả:
  • Thể loại: Chăm sóc bé hàng ngày
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 11/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Sách chính là chìa khóa mở cánh của tri thức và có lẽ bất cứ ông bố bà mẹ nào đều mong muốn con cái mình hứng thú với sách vở. Ngoài ra, sự ham mê đọc sách cũng chính là cách rèn con khả năng tự học. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào ngay từ nhỏ đã thích thú với những quyển sách. Những “tuyệt chiêu” sau đây có thể giúp ích cho bạn.

1. Tạo thói quen đọc sách ngay từ khi còn nhỏ

Bạn cho rằng trẻ còn nhỏ, chưa hiểu gì thì cần gì đọc sách. Nhưng thực tế lại cho thấy nếu trẻ được tiếp xúc với sách càng sớm không chỉ giúp trẻ có hứng thú với sách hơn mà còn phát triển khả năng ngôn ngữ nữa. Khi trẻ mới sinh bạn có thể chọn những quyển truyện có nội dung nhẹ nhàng và đọc cho con nghe mỗi ngày. Đây chính là quá trình làm quen và ghi nhớ các âm tiết sẽ khiến cho quá trình học nói sau này của trẻ dễ dàng hơn.

Khi trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, đã biết cầm nắm bạn hãy để con được tiếp xúc với sách, tự tay được sờ, được lật dở từng trang, thậm chí “nếm” sách. Lúc này bạn nên ưu tiên chọn những quyển sách có tính kích thích giác quan như màu sắc bắt mắt, sặc sỡ, và tốt nhất làm bằng bìa cứng để trẻ không xé rách được. Hiện nay, thị trường sách rất đa dạng với nhiều thể loại khác nhau như sách nói (mô phỏng âm thanh thực trong cuộc sống theo các chủ đề khác nhau), sách kích thích xúc giác được thiết kế với các chất liệu “làm giả” mà khi chạm vào đó trẻ có cảm giác như mình đang vuốt ve bộ lông mềm mại của chú chó hay sự thô ráp của mặt đường vậy. Hãy đặt những quyển sách hấp dẫn này trong tầm mắt của trẻ, để trẻ dễ dàng chơi bất cứ khi nào chúng muốn. Lúc đầu có thể trẻ chỉ coi đó như một món đồ chơi yêu thích nhưng đó cũng chính là yếu tố quan trọng khơi gợi và nuôi dưỡng tình yêu sách ở mỗi đứa trẻ. Từ việc yêu sách mới dần dần hình thành niềm đam mê đọc sách.

2. Thường xuyên cho trẻ đi hiệu sách

Có thể coi đây là “hoạt động” đình kỳ hàng tháng hoặc là phần thưởng cho trẻ vào mỗi dịp đặc biệt. Đến hiệu sách trẻ được tiếp xúc với rất nhiều sách khác nhau và thường mỗi trẻ sẽ thích mua nhiều hơn 1 quyển. Nên trước khi đi bạn cũng nên quy định con sẽ được mua 1,2 quyển sách và yêu cầu trẻ chọn quyển nào mà con thích nhất. Cái gì được mua ít, phải chọn lọc bao giờ cũng đáng quý hơn là dễ dàng có được phải không bạn? Tuy nhiên, bạn cũng nên tôn trọng sở thích của trẻ, hãy để trẻ được chọn quyển nào mà con thích, nếu như đó không phải là sách có nội dung không lành mạnh thì đều tốt cả. Bạn đừng lo lắng nếu quyển sách đó có nội dung quá khó so với độ tuổi của con, hay lần nào bé cũng chỉ chọn những chủ đề yêu thích mà trên giá sách nhà bạn đã quá nhiều. Bạn hãy tin mỗi quyển sách đều có giá trị nào đó và không bao giờ là lỗi thời cả. Nội dung bạn cho rằng quá khó nhưng trẻ vẫn say sưa nghe vẫn thú vị hơn là những quyển được bạn cho là phù hợp mà trẻ lại không có chút hứng thú nào.

3. Duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày

Khi còn nhỏ bạn có thể đọc sách cho trẻ nghe bất cứ khi nào có thời gian, hoặc xen kẽ vào các hoạt động chơi hằng ngày của trẻ. Thông thường, khoảng thời gian lý tưởng nhất để duy trì hoạt động đọc sách mỗi ngày là 30 phút trước khi đi ngủ. Sẽ có lúc trẻ không ngồi yên một chỗ để nghe bạn đọc đâu mà vẫn còn đang mải mê làm gì đó, nhưng bạn cứ kiên trì và dần dần trẻ sẽ yêu thích và chờ đợi đến khoảng thời gian này đấy. Khi trẻ lớn hơn và có chứng kiến riêng, hãy cho con được tự chọn truyện mà mình muốn nghe nhé! Bạn đừng quá băn khoăn khi ngày nào bé cũng chỉ yêu cầu đọc đi đọc lại một quyển truyện. Bạn có thể thấy nhàm chán nhưng với trẻ khi nào trẻ còn muốn nghe lại có nghĩa là còn khám phá ra những điều mới mẻ khác với ngày hôm qua.  

4. Tương tác với trẻ qua hoạt động đọc sách

Để trẻ hứng thú hơn bạn cũng có thể thiết kế các hoạt động chơi xung quanh nội dung quyển sách vừa đọc. Đó có thể là những câu hỏi xoay quanh câu chuyện như con thích nhất nhân vật nào? Bức tranh nào con thấy đẹp nhất… Hoặc nếu bạn có nhiều thời gian hãy cùng bé thiết kế các con rối tay hay những đồ vật mà hai mẹ con có thể kể lại câu chuyện đó bằng hình ảnh. Thêm vào đó tùy từng lứa tuổi mà con bạn sẽ có hàng hà sa các câu hỏi liên quan đến cái gì? Tại sao lại thế này, tại sao lại thế kia? Ngay cả khi bạn biết nhưng bạn nên hướng trẻ tìm kiếm đáp án trong những quyển sách, điều này sẽ khiến trẻ có niềm tin vào sách, rằng sách chính là nguồn tri thức giúp con trả lời mọi thắc mắc. Sách có ích với con và tất nhiên con cũng sẽ trân quý sách hơn.

5. Hãy là tấm gương sáng cho con

Bạn không thể mong muốn con mình yêu thích đọc sách trong khi bản thân chưa từng đọc một quyển sách nào cả. Vì vậy, để nuôi dưỡng đam mê của con bản thân bạn cũng phải là người thích sách, yêu thích văn hóa đọc. Bạn hãy đọc sách trước mặt con và coi đó như là một sở thích, đứa trẻ dần dần cũng sẽ thấy việc đọc sách như là một điều tất yếu trong sinh hoạt gia đình vậy. 

 

Bạn nên đọc
Quảng cáo