• Trang chủ
  • > Sách
  • > Bệnh lý thai kỳ
  • > Bà bầu và chứng ứ mật thai kỳ
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Bà bầu và chứng ứ mật thai kỳ

Bà bầu và chứng ứ mật thai kỳ

  • Tác giả:
  • Thể loại: Bệnh lý thai kỳ
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 08/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Ngứa ngáy là hiện tượng hay gặp trong thai kỳ, có thể do nhiệt độ cơ thể tăng hay sự thay đổi nội tiết khiến da trở nên khô và bong tróc. Thế nhưng, nếu các cơn ngứa ngáytrở nên nhiều bất thường thì có thể mẹ đang mắc chứng ứ mật trong thai kỳ.

Ứ mật thai kỳ, còn có tên gọi khác là ứ mật sản khoa hay ứ mật trong gan thai kỳ thường xảy ra trong 3 tháng cuối thai kỳ, gây ra triệu chứng ngứa ngáy khó chịu, nhất là ở tay và chân. Trong những trường hợp hiếm gặp, các triệu chứng còn xuất hiện ở 3 tháng giữa thai kỳ. Tình trạng này không phải là một vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe của mẹ bầu, song có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh.

Thế nào là hiện tượng ứ mật thai kỳ?

Ứ mật là hiện tượng sự bài tiết mật của gan bị gián đoạn. Mật là chất dịch lỏng giúp cho quá trình tiêu hóa mỡ của cơ thể.

Có hai cách phân biệt ứ mật:

Ứ mật cấp tính và mãn tính: chứng ứ mật xuất hiện đột ngột gọi là ứ mật cấp tính. Khi tình trạng bài tiết mật bị gián đoạn kéo dài gọi là ứ mật mãn tính.

Ứ mật trong và ngoài gan

Mang thai có thể là nguyên nhân gây nên ứ mật trong gan. Ngoài việc gây ngứa dữ dội cho bệnh nhân, tình trạng này thường không gây nên vấn đề gì quá nghiêm trọng cho người mẹ. Tuy nhiên vẫn có những nguy cơ có thể xảy ra cho thai nhi.

Nguyên nhân gây chứng ứ mật thai kỳ

Mật là chất dịch lỏng màu vàng – xanh có chức năng tiêu hóa mỡ. Mật được sản xuất bởi gan và dự trữ trong túi mật. Từ túi mật mật được bài tiết qua ống mật chủ vào tá tràng. Mật có thành phần là cholesterol, muối mật và sắc tố mật là bilirubin.

Các hormon thai kỳ có thể ảnh hưởng đến chức năng của túi mật. Trong một vài trường hợp việc mang thai có thể làm chậm lại việc bài tiết mật hay thậm chí làm tắc mật. Khi lượng mật bị tích tụ trong máu quá nhiều, hiện tượng này gọi là ứ mật thai kỳ.

Triệu chứng của ứ mật thai kỳ

Các biểu hiện thường gặp nhất là:

Ngứa dữ dội, nhất là ở lòng bàn tay, bàn chân. Ngứa thường nặng hơn vào ban đêm và thường không phải là triệu chứng duy nhất.

Vàng da – phần lòng trắng của mắt, da và lưỡi có đốm vàng/cam.

Nước tiểu sẫm màu.

Phân bạc màu.

Những phụ nữ mang thai gặp phải bất kỳ một triệu chứng nào nêu trên nên đi khám bác sỹ sớm nhất có thể.

Các yếu tố nguy cơ gây ứ mật thai kỳ

Chúng ta không thực sự tính được có bao nhiêu phụ nữ mang thai bị mắc chứng ứ mật thai kỳ trên thế giới. Theo tạp chí Mayo Clinic của Mỹ, tỷ lệ ước tính là từ 1% đến 15%. Theo các số liệu của Chile và các nước thuộc bán đảo Scandinavi, nguy cơ của chứng ứ mật thai kỳ ở phụ nữ mang thai sẽ cao hơn vào mùa đông.

Các yếu tố sau đây có thể làm gia tăng nguy cơ một phụ nữ mang thai bị mắc chứng ứ mật như:

Có tiền sử gia đình bị ứ mật thai kỳ.

Đã từng mắc chứng ứ mật thai kỳ ở những lần mang thai trước đây, nguy cơ tái phát lên tới 70% ở lần mang thai tiếp theo.

Mang thai đa (thai đôi, thai ba…).

Có tiền sử mắc bệnh gan.

Mang thai do thụ tinh nhân tạo.

Các biến chứng của ứ mật thai kỳ

Đối với người mẹ

Phụ nữ mang thai có thể gặp phải một số vấn đề trong việc hấp thụ các vitamin tan trong dầu (vitamin A, D, E, K) và bị ngứa dữ dội. Tuy nhiên, trong vòng vài ngày sau sinh tình trạng này sẽ tự hết mà hiếm khi để lại các biến chứng nghiêm trọng tại gan.

Nguy cơ lớn nhất đối với người mẹ là khả năng tái phát ở lần mang thai sau.

Đối với đứa trẻ

Nếu người mẹ mắc chứng ứ mật thai kỳ, thai nhi có thể phải đối mặt với những nguy cơ sau:

Nguy cơ trẻ bị đẻ non sẽ tăng lên đáng kể và các chuyên gia vẫn chưa biết được chính xác nguyên nhân.

Nguy cơ khi trẻ hít phải phân su trong quá trình chuyển dạ và sinh nở dẫn tới chứng khó thở của trẻ sơ sinh.

Nguy cơ tử vong cho thai nhi ở giai đoạn cuối thai kỳ cũng cao hơn nếu người mẹ bị mắc chúng ứ mật.

Các bác sỹ thường chỉ định cho người mẹ sinh con sớm hơn trong trường hợp người mẹ bị ứ mật thai kỳ để hạn chế tối đa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra cho thai nhi.

Chẩn đoán ứ mật thai kỳ

Các bác sỹ sẽ hỏi bệnh nhân các câu hỏi liên quan đến những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh như là màu nước tiểu, màu của phân, tình trạng ngứa… Người mẹ cũng sẽ được hỏi về tiền sử bản thân và gia đình. Những kiểm tra tổng quát về thân thể cũng sẽ được tiến hành.

Xét nghiệm máu: test này sẽ cho biết hoạt động chức năng của gan. Nồng độ mật trong máu cũng sẽ được xác định.

Siêu âm: mục đích để quan sát những bất thường trong gan người mẹ.

Lựa chọn điều trị đối với chứng ứ mật thai kỳ

Có hai mục tiêu điều trị cho những mẹ bầu mắc bệnh này: làm giảm nhẹ các triệu chứng, chủ yếu là ngứa; và ngăn ngừa biến chứng cho trẻ.

Giảm nhẹ triệu chứng

Acid usodeoxycholic là loại thuốc giúp làm giảm ngứa cũng như làm thông tắc mật.

Corticosteroid dưới dạng kem hay lotion giúp làm giảm ngứa.

Ngâm vùng da bị ngứa trong nước ấm cũng có tác dụng xoa dịu tạm thời.

Ngăn ngừa biến chứng

Xét nghiệm máu: để theo dõi chặt chẽ chức năng gan và nồng độ muối mật trong máu của bệnh nhân.

Siêu âm: để theo dõi sự phát triển của thai nhi.

Non-stress test: là phương pháp đo cử động của thai nhi trong một khoảng thời gian nhất định. Nhịp tim thai cùng với chuyển động của thai nhi cũng sẽ được ghi lại.

Kích thích đẻ: trong hầu hết các trường hợp các bác sỹ sẽ khuyến cáo các bà mẹ nên sinh con ở tuần thứ 38. Nếu tình trạng ứ tắc mật nghiêm trọng thì việc sinh con có thể được tiến hành sớm hơn. 

Bạn nên đọc
Quảng cáo