• Trang chủ
  • > Sách
  • > Phát triển cảm xúc và quan hệ xã hội
  • > Chuẩn bị tâm lý cho bé trước khi sinh con thứ 2
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Chuẩn bị tâm lý cho bé trước khi sinh con thứ 2

Chuẩn bị tâm lý cho bé trước khi sinh con thứ 2

  • Tác giả:
  • Thể loại: Phát triển cảm xúc và quan hệ xã hội
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 07/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Khi là con một, trẻ giống như là trung tâm của vũ trụ, mọi tình cảm của bố mẹ, ông bà đều dành hết cho một mình trẻ, nhưng khi có thêm bé thứ 2 tình cảm ấy phải san đôi. Sự quan tâm của bố và đặc biệt là người mẹ phải chia sẻ cho em, thậm chí mẹ còn ưu tiên em hơn, điều này khiến trẻ có những xáo trộn tâm lý nhất định. Trẻ dễ tủi thân hơn, hay cáu gắt, cảm thấy bố mẹ chỉ yêu em mà không yêu mình, hay làm trái ý để thu hút sự quan tâm của bố mẹ, nặng hơn có thể trầm cảm và ghét bỏ em mình. Để hạn chế tối đa những điều này, bạn cần phải chuẩn bị tâm lý cho con trước khi quyết định mang thai lần thứ 2. Và bạn cần làm gì, làm như thế nào, những gợi ý sau đây có thể sẽ giúp ích cho bạn.

Đừng tạo suy nghĩ tiêu cực về em trong lòng trẻ

Đừng khiến đứa trẻ cảm thấy bất an về em mình qua những lời nói vui của mọi người xung quanh. Những câu nói đùa vui như “mẹ có em rồi là từ nay cu Bi sẽ ra rìa” có thể vô tình được nói ra bởi ông bà, cô chú hay đơn giản là người hàng xóm mà lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ khiến trẻ có ác cảm với em. Những lời nói tưởng chừng cho vui, tưởng chừng vô thưởng vô phạt nhưng lại để lại trong lòng trẻ những ấn tượng không tốt về đứa em chưa chào đời của mình. Nó là ai, nó như thế nào mà lại cho mình ra rìa? Nó là ai mà lại tranh giành bố mẹ với mình? Điều này cũng là một hiện tượng tâm lý rất dễ hiểu bởi ở lứa tuổi đang khẳng định mình, trẻ thường thể hiện tính sở hữu ngay cả với các món đồ chứ đâu riêng gì bố mẹ mình. Bạn cũng chẳng xa lạ gì với hình ảnh một đứa trẻ khóc lóc đòi mẹ khi nhìn thấy mẹ bế một em bé khác. Tâm lý này là hoàn toàn dễ hiểu. Nhiệm vụ của bạn là  vun đắp tình cảm của trẻ với đứa em đang trong bụng. Bạn có thể khuyến khích con chào em mỗi buổi sáng, nói chuyện với em, hát, kể chuyện cho em nghe, khuyến khích trẻ đặt tay lên bụng mẹ để cảm nhận sự chuyển động của em bé. Qua những hành động này, trẻ cảm nhận được em bé là có thật chứ không phải một khái niệm rất trừu tượng không thể sờ, nắn được.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể đến chơi các gia đình có em bé mới chào đời, để cho trẻ thấy một em bé mới sinh sẽ như thế nào và thấy các bạn cũng có em, các bạn cư xử với em bé ra sao. Thông qua việc này bạn cũng nên giải thích với con về một em bé mới sinh sẽ yếu ớt ra sao, cần mẹ chăm bẵm ra sao, nên khi vừa mới sinh mẹ cần thời gian để trông em nhiều hơn nhưng như thế không có nghĩa là mẹ không yêu con. 

Ngoài ra, bạn cũng nên khéo trẻ vào các hoạt động chuẩn bị cho em như muốn đặt tên em là gì? Muốn mua quần áo màu gì? Đồ chơi nào là phù hợp cho em bé sơ sinh… Tất cả những hoạt động này để trẻ thấy mình cũng là một thành viên trong nhà và đang cùng bố mẹ sẵn sàng chào đón một thành viên mới. 

Khi em bé mới chào đời, bạn cũng đừng ngại trẻ làm đau con mà “cách ly” trẻ với em. Thay vì làm điều đó hãy dạy trẻ biết yêu em đúng cách, biết bế em, chơi với em, trông em giúp mẹ…Bạn cũng nên tranh thủ thời gian lúc em ngủ, hoặc nhờ ai đó chơi với em để dành ra mỗi ngày ít nhất 30 phút đến 1 giờ để chơi cùng trẻ để tránh cho trẻ cảm giác em bé đang độc chiếm mẹ hoàn toàn.

Nâng cao vai trò của người bố

Vào những tháng cuối thai kỳ thường mẹ khá nặng nề đó cũng là lúc để mẹ “chuyển giao” quyền chăm trẻ cho bố. Vừa là để mẹ đỡ mệt, vừa là vun đắp tình cảm, sự gần gũi của trẻ với bố để thay thế vai trò của mẹ trong một số sinh hoạt của trẻ trong giai đoạn mẹ sinh em bé. Nếu trước đây mẹ là người tắm cho trẻ giờ hãy chuyển giao cho bố. Nếu trước đây mẹ là người chơi xếp hình với con, đọc truyện cho con, đưa đón con đi học giờ hãy chuyển giao cho bố. Để khi mẹ có nghỉ sinh trẻ cũng đã gắn bó hơn với bố và không quá hụt hẫng về mặt tình cảm.

 

Bạn nên đọc
Quảng cáo