• Trang chủ
  • > Sách
  • > Dinh dưỡng cho mẹ
  • > Dinh dưỡng tối ưu cho mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ
    • Cỡ chử:
    • - Nhỏ
    • + Lớn
Dinh dưỡng tối ưu cho mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ

Dinh dưỡng tối ưu cho mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ

  • Tác giả:
  • Thể loại: Dinh dưỡng cho mẹ
  • Nguồn:
  • Ngày cập nhật: 04/08/2017
  • Lưu vào tủ sách của tôi icon_star
  • Chia sẽ:
Trong thai kỳ và thời gian cho con bú, các mẹ không chỉ hạn chế vận động, đi đứng cẩn thận mà còn phải ăn uống kiêng cữ “nghiêm ngặt” để không ảnh hưởng tới thai nhi hoặc em bé đang bú mẹ. Thế nhưng không phải lúc nào các mẹ kiêng cữ cũng đúng, cũng tốt. Rất nhiều kinh nghiệm dân gian không còn hợp lý với điều kiện cuộc sống hiện nay.

Sự kiêng cữ không khoa học chẳng những không mang lại lợi ích cho mẹ và bé, mà ngược lại còn gây mệt mỏi cho mẹ và thiếu hụt dinh dưỡng cho bé. Hãy cùng Bé Yêu tìm hiểu về những gì mẹ đang cho con bú cần kiêng cữ.

Trong thời kỳ cho con bú, có cần kiêng cữ, ăn uống thật kỹ không?

Tất nhiên một chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ dưỡng chất thì luôn  tốt cho cả mẹ và bé hay bất kỳ ai, nhưng nếu không có điều kiện thực hiện thì cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến chất lượng sữa mẹ. Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn uống của người mẹ có ảnh hưởng rất nhỏ đến sữa mẹ. 

Người mẹ luôn có đủ sữa với chất lượng đảm bảo để bảo vệ đứa con nhỏ ngay trong cả những hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn, đói kém. Ngay ở những vùng bị thiên tai thì mẹ vẫn cứ yên tâm cho con bú mẹ, dù mẹ chỉ ăn uống sơ sài thì bé vẫn nhận được những dinh dưỡng cần thiết để phát triển.

Tuy nhiên, một chế độ ăn uống lành mạnh lúc nào cũng vẫn cần thiết bởi sẽ giúp bà mẹ khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần. Hãy ăn đa dạng các loại thức ăn, thức ăn càng tươi và tự nhiên thì càng tốt, không nên ăn những đồ ăn nhanh, đồ ăn sẵn.

Dinh dưỡng của người mẹ ảnh hưởng đến cho con bú thế nào?

Sữa mẹ được chế tạo theo "công thức định sẵn", trung bình mỗi lít sữa già (matured milk) chứa khoảng 700kcal, 890ml nước, 74g chất bột đường, 42g chất béo, và 13g chất đạm, tuy thành phần chất có thay đổi linh hoạt, nhưng luôn trong một ngưỡng tối ưu nhất định, tính trên 24 giờ, vì sữa mẹ thay đổi trong mỗi cữ (sữa trước, sữa sau) và các cữ không giống y nhau.

Một số thành phần chính trong sữa mẹ chủ yếu được sản xuất tại chỗ ngay trong "nan sữa" (lactocyte) của tuyến vú từ các phân tử hữu cơ vi sinh trong cơ thể mẹ, không phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng của mẹ trong thời gian cho con bú.

Một số thành phần khác trong sữa mẹ, được truyền trực tiếp từ huyết thanh của mẹ vào thời điểm tạo sữa, có nghĩa là có phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày/ từng bữa ăn của mẹ.

Những thành phần trong sữa mẹ có hàm lượng phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng của mẹ gồm:

Các loại vitamin như: vitamin A, vitamin D, vitamin E, vitamin K, vitamin C, các vitamin nhóm B

Các khoáng chất như: i-ốt, natri, clo, flo.

Chất béo mẹ ăn không ảnh hưởng đến lượng chất béo có trong sữa mẹ nhưng lại ảnh hưởng đến tỷ lệ giữa các loại chất béo (tỷ lệ chất béo có lợi với chất béo không có lợi) hoặc loại phân tử axit béo sẽ thay đổi (phân tử axit béo động vật, axit béo thực vật…)

Những chất trên đây được lấy từ dinh dưỡng mà người mẹ ăn hàng ngày nên rất có thể sẽ xảy ra thiếu hụt, tuy nhiên, nếu mẹ có chế độ ăn uống đa dạng, đủ chất thì sẽ không bị thiếu hụt những chất nêu trên, không cần phải uống thuốc hay thực phẩm chức năng bổ sung.

Nên tránh ăn uống những gì trong thời gian cho con bú?

Thực ra, không có sự cấm kỵ bất cứ thực phẩm nào trong thời gian cho con bú. Nếu bé không có phản ứng với loại thực phẩm nào thì người mẹ có thể ăn bất cứ loại thực phẩm nào, ăn số lượng tùy thích và ăn bất cứ lúc nào chứ không cần thiết kiêng khem như những kinh nghiệm dân gian: chỉ ăn cơm với muối, không được ăn rau và trái cây,... Tuy nhiên, có một số lời khuyên về thực phẩm trong giai đoạn cho con bú:

Không nên ăn các loại thảo dược, gia vị có thể làm giảm/ mất sữa: cây ngải đắng (sage), lá ngò tây (parsley), hoa lài (jasmine), lá bạc hà cay (peppermint)

Không nên ăn một số loại cá biển chứa nhiều thủy ngân. Điều này thì dù những người không mang thai và không cho con bú cũng nên thực hiện bởi nó tốt cho sức khỏe

Nên hạn chế uống cafe và rượu/bia. Không cần phải bỏ hẳn những đồ uống này nhưng nên uống với lượng vừa phải, chẳng hạn mỗi ngày 1 ly cafe (nhưng chỉ cho con bú 2-3 tiếng sau khi uống), vào những dịp vui cũng có thể uống một vài ly bia, rượu.

Một số loại protein có trong sữa bò và trong củ lạc (đậu phộng) được chuyển vào sữa mẹ. Do vậy, nếu trong gia đình có tiền sử dị ứng với những loại protein nói trên, nên tránh sử dụng trong thời gian cho con bú.

Nếu em bé có phản ứng với bất kỳ loại thực phẩm nào (do mẹ ăn) thì nên tránh dùng thực phẩm đó trong suốt thời gian nuôi con bằng sữa mẹ.

Nếu mẹ cần uống thuốc trị bệnh, cần xin bác sĩ các loại thuốc (i) không ảnh hưởng đến lượng sữa mẹ và (ii) an toàn cho bé bú. Không phải loại thuốc thảo dược nào cũng an toàn cho bé bú, nên vẫn phải tra cứu và tìm hiểu trước khi sử dụng.

Nên ăn uống thế nào để có đủ sữa cho bé?

Về cơ bản, mọi bà mẹ đều đủ sữa để đáp ứng nhu cầu của con. Bé càng bú nhiều thì cơ thể càng tiết ra nhiều sữa. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự sản xuất sữa mẹ, chúng ta nên chú ý:

Cung cấp đủ lượng calo cjho mẹ: nhìn chung, không cần quá quan tâm đến lượng calo nạp vào cơ thể mỗi ngày, miễn là người mẹ ăn theo nhu cầu. Trừ những trường hợp ăn kiêng quá nghiêm ngặt thì sẽ ảnh hưởng đến sự tạo sữa.

Uống đủ nước và các chất lỏng: không cần phải đặt ra mục tiêu uống mấy lít nước mỗi ngày, chỉ cần uống theo nhu cầu, uống khi thấy khát, là đã đủ lượng nước cần thiết. Nhiều người theo kinh nghiệm dân gian, ăn cơm với đồ ăn thật mặn, thật nhiều muối để sau đó uống thật nhiều nước với quan niệm sẽ tạo ra nhiều sữa. Điều này không có lợi gì cho việc tạo sữa mà chỉ khiến cơ thể không thoải mái. Ngoài ra, không nhất thiết phải uống nước không, chúng ta có thể uống bất kỳ loại chất lỏng nào như canh, nước trái cây, sữa thực vật,…

Ngày nay, nhờ sự tiến bộ của khoa học, các phương tiện y tế và dinh dưỡng đã giúp tăng cường sức khoẻ sinh sản cho bà mẹ và trẻ sơ sinh. Ngoài ra, chúng ta cần uống đủ nước, ăn đủ chất, phong phú, hoạt động lành mạnh để có thể nuôi con bằng sữa mẹ thành công.

Bạn nên đọc
Quảng cáo